Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần trợ lực cho khởi nghiệp

09:10, 28/10/2019

Biến Việt Nam thành một "quốc gia khởi nghiệp" là mong muốn của Chính phủ và đã được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Từ cách đây 5 năm, Việt Nam cũng đặt mục tiêu sẽ có 1 triệu doanh nghiệp trên cả nước vào năm 2020.

Biến Việt Nam thành một "quốc gia khởi nghiệp" là mong muốn của Chính phủ và đã được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Từ cách đây 5 năm, Việt Nam cũng đặt mục tiêu sẽ có 1 triệu doanh nghiệp trên cả nước vào năm 2020.

Sự quyết tâm đó rõ ràng là có sức lan tỏa lớn. Hiện tại, "khởi nghiệp" là một trong những "từ khóa" phổ biến nhất trên các diễn đàn. Phong trào khởi nghiệp cũng được khơi dậy trong nhiều đối tượng: sinh viên, thanh niên, phụ nữ...

Nhưng thực sự, khởi nghiệp có phải là một con đường “trải hoa hồng”?

Mặc dù chưa có một con số thống kê chính thức với các dự án khởi nghiệp bị “chết yểu”, nhưng theo nhiều doanh nhân, chuyên gia kinh tế thì số dự án khởi nghiệp “sống sót” và phát triển được là không nhiều, thậm chí chưa tới 30%.

Dù là lĩnh vực nào, một ý tưởng hay dự án non trẻ cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: vốn liếng, kinh nghiệm, công nghệ, thị trường... Vì vậy, để một ý tưởng khởi nghiệp thực sự “lớn mạnh, tồn tại” là điều không hề dễ dàng.Thực tế, bất kỳ ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... nào hiện nay cũng đã có sẵn những đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước. Do đó, cơ hội mở ra một dự án khởi nghiệp hiện nay rất nhiều, nhưng nguy cơ thất bại cũng không hề nhỏ.

Vì vậy, ngoài những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần làm chủ của người tham gia khởi nghiệp, một điều không kém phần quan trọng là phải có cái nhìn thẳng thắn vào những hạn chế (chủ quan lẫn khách quan) về khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Cụ thể, đâu là điểm yếu của cơ chế, của thị trường Việt Nam và làm sao để hạn chế tác động xấu từ những điểm yếu đó?Đâu là những yếu kém nội tại của doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới?Khó khăn và thuận lợi là gì?Đối thủ cạnh tranh là những ai?Các kênh hỗ trợ bao gồm những gì? Chỉ khi giải quyết một cách cơ bản những câu hỏi này, một dự án khởi nghiệp mới có thể tồn tại.

Theo nhiều chuyên gia khởi nghiệp, thách thức lớn nhất có lẽ là Việt Nam đang thiếu một “hệ sinh thái khởi nghiệp” chuyên nghiệp, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái này. Trong đó, cốt lõi nhất là xây dựng môi trường kinh doanh chuyên nghiệp với hành lang pháp lý bền vững và phù hợp với thời hội nhập cho từng ngành nghề kinh doanh cụ thể. Sau đó là các kênh cấp vốn, thông tin thị trường... cùng những yếu tố khác nhằm hỗ trợ một dự án kinh doanh mới mẻ phát triển lành mạnh. Có như vậy, phong trào khởi nghiệp mới có thể phát triển vững mạnh, lâu dài chứ không phải chỉ là một phong trào sớm nở tối tàn.

Kim Ngân

Tin xem nhiều