Chỉ một thời gian ngắn sau vụ việc một học sinh lớp 1 Trường Gateway (TP.Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa rước học sinh, ngày 13-9, một bé trai 3 tuổi học ở Cơ sở mầm non tư thục Đồ Rê Mí (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cũng vào viện cấp cứu vì bị bỏ quên khoảng 9 giờ trên xe đưa rước.
Chỉ một thời gian ngắn sau vụ việc một học sinh lớp 1 Trường Gateway (TP.Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa rước học sinh, ngày 13-9, một bé trai 3 tuổi học ở Cơ sở mầm non tư thục Đồ Rê Mí (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cũng vào viện cấp cứu vì bị bỏ quên khoảng 9 giờ trên xe đưa rước. Mặc dù bé trai này may mắn được cứu sống nhưng đây cũng là một hồi chuông cảnh báo về bất cập đáng báo động trong quản lý xe đưa rước học sinh hiện nay, khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng.
Thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em như: tai nạn giao thông, té ngã, đuối nước, ngộ độc, bỏng, điện giật... Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ sự lơ là, chủ quan của người lớn và sự thiếu hiểu biết của trẻ nhỏ.
Vẫn còn nhớ, ngay sau vụ tai nạn khiến học sinh lớp 1 Trường Gateway tử vong, rất nhiều trang mạng xã hội đã chia sẻ thông tin giúp trẻ thoát nạn khi bị mắc kẹt trong ô tô bằng cách bấm còi và nhấn vào nút tín hiệu khẩn cấp trên xe. Chỉ với 2 động tác đơn giản như trên có thể giúp một đứa trẻ thoát khỏi nguy hiểm. Tuy nhiên, điều đáng nói có không ít phụ huynh tỏ ra bất ngờ vì trước đó họ không hề biết đến kỹ năng này để dạy cho con.
Qua đó cho thấy, để con đến trường và về nhà an toàn thì gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng, giáo dục con trẻ các kỹ năng nhận diện rủi ro, phòng tránh nguy hiểm. Tùy theo độ tuổi, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ lường trước những tai nạn có thể xảy ra; hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng thoát nạn khi gặp các tình huống nguy hiểm khi ở nhà một mình hay trên đường đến trường và ngược lại.
Bên cạnh đó, để học sinh đến trường và về nhà an toàn thì nhà trường cũng có vai trò hết sức quan trọng. Ngoài việc quản lý, giám sát chặt chẽ các xe đưa rước học sinh, với vai trò giáo dục, nhà trường còn có thể giúp học sinh hiểu rõ hơn các nguy cơ khi các em tham gia thông trên đường; đồng thời dạy cho các em kỹ năng đi học an toàn, trong đó có việc tuân thủ, chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Để giáo dục cho học sinh các kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông thì chính mỗi phụ huynh và giáo viên phải là tấm gương sáng trong việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông cũng như luôn có hành vi ứng xử văn hóa, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ những người khác khi tham gia giao thông; tuyệt đối không phóng nhanh vượt ẩu, không vượt đèn đỏ, dừng, đậu không đúng quy định, không chen lấn làn hay bóp còi inh ỏi... Đây là cách giáo dục thiết thực giúp học sinh hình thành ý thức tự giác và hành động đúng đắn khi tham gia giao thông ngay từ nhỏ.
Rõ ràng, khi văn hóa giao thông được nâng lên, những hành vi sai trái, hình ảnh không đẹp khi tham gia lưu thông sẽ trở thành lố bịch, lạc lõng, bị cộng đồng lên án. Một khi văn hóa giao thông của cả cộng đồng được nâng lên, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông sẽ giảm, đường đến trường và về nhà của học sinh cũng sẽ an toàn hơn.
Đặng Ngọc