Báo Đồng Nai điện tử
En

Luẩn quẩn chuyện doanh nghiệp nhỏ vay vốn

10:10, 24/10/2016

Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang được Quốc hội lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận và một trong những điểm đáng quan tâm nhất là bộ luật này có tạo được nền móng về hỗ trợ tín dụng cho khối doanh nghiệp này?

Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang được Quốc hội lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận và một trong những điểm đáng quan tâm nhất là bộ luật này có tạo được nền móng về hỗ trợ tín dụng cho khối doanh nghiệp này?

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 80% số lượng doanh nghiệp trong cả nước, trong đó số doanh nghiệp “siêu nhỏ” (dưới 10 lao động) chiếm phần lớn. Trong tất cả những khó khăn luôn bủa vây doanh nghiệp, khó tiếp cận vốn luôn là khó khăn điển hình dễ thấy nhất, và cũng là thử thách lớn trong những ngày đầu khởi nghiệp.

Thử nhìn vào bảng lãi suất của một ngân hàng là dễ dàng thấy được mức lãi ưu đãi nhất luôn rơi vào nhóm doanh nghiệp lớn, đối tượng này cũng được áp dụng các loại thủ tục một cách dễ dàng, thuận lợi hơn. Điều này nhìn từ góc độ ngân hàng - người cho vay vốn - không có gì là mâu thuẫn. Các doanh nghiệp lớn có tài sản thế chấp (thường là các bất động sản), phương án kinh doanh rõ ràng, quản lý và sổ sách minh bạch hơn, hàng hóa có thương hiệu sẵn, có thị trường... nên hiển nhiên độ tin cậy (trong mắt người cho vay) luôn lớn hơn so với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang trên con đường khởi nghiệp. Thực tế của doanh nghiệp nhỏ là nhà xưởng thường đi thuê nên không mang ra thế chấp được, đơn hàng trồi sụt, quản lý rối rắm và thậm chí còn không có một kế toán riêng nên khi đi vay vốn sẽ khó thuyết phục được các ngân hàng. Các chủ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường đem nhà riêng, đất riêng ra thế chấp, chịu lãi suất cao và vay không được nhiều như nhu cầu.

Mặc dù vậy, nghịch lý đã và đang diễn ra là phần lớn nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện đang rơi vào các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn, các tập đoàn..., hoặc chí ít là các doanh nghiệp có quy mô tương đối trở lên, rất ít khi xảy ra ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có ý thức trả nợ cao hơn, luôn mong muốn trả nợ và sẵn sàng bán tài sản riêng để thanh toán nợ. Song vẫn có rất nhiều lý do để nhóm doanh nghiệp này gặp muôn vàn khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi.

Trên các báo, GS.TSKH Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) phân tích, nghịch lý là các ngân hàng hiện đang cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thông qua việc áp dụng thế chấp bằng bất động sản như doanh nghiệp vừa. Đây cũng là lý do tại sao mà doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không thể vay ngân hàng. Theo GS. Nguyễn Mại, ngân hàng cần thay đổi bằng cách áp dụng thế chấp bằng động sản đối với 2 dạng doanh nghiệp bởi không có bất động sản, nếu không, không bao giờ giải quyết được vấn đề tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng điều này không dễ, bởi ngân hàng cũng là một định chế kinh doanh, chịu trách nhiệm với việc cho vay và trách nhiệm đó đang ngày một cao lên, được hình sự hóa. Do đó, nếu không có một cơ chế, một hành lang pháp lý rõ ràng trong việc áp dụng các ưu đãi về tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì khó “ép” các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc cấp tín dụng cho nhóm doanh nghiệp này, mặc dù bản thân những người kinh doanh tiền cũng rất mong muốn cho vay để kiếm lãi.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều