Báo Đồng Nai điện tử
En

Sòng phẳng trên sân chơi lớn

09:04, 15/04/2013

Không phải gần đây, các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và quốc tế mới được bàn thảo đến ở khía cạnh lợi và bất lợi khi cánh cửa thuế quan giữa các bên mở toang, mà ngay từ khi gia nhập WTO, vấn đề giảm thuế theo lộ trình cũng đã được nhắc đến.

Không phải gần đây, các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và quốc tế mới được bàn thảo đến ở khía cạnh lợi và bất lợi khi cánh cửa thuế quan giữa các bên mở toang, mà ngay từ khi gia nhập WTO, vấn đề giảm thuế theo lộ trình cũng đã được nhắc đến. Tuy nhiên, mọi việc đang dần hiển thị rõ ràng hơn khi hàng hóa nước ngoài tràn vào, cạnh tranh gay gắt với hàng Việt Nam về giá, chất lượng. Và thật chua xót khi phải thừa nhận, nhiều mặt hàng chiến lược của Việt Nam đang từng bước nhường sân cho hàng hóa nước bạn, như: thép, giấy, dầu ăn, đường, kính xây dựng…

Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết một số FTA quan trọng, như: FTA song phương Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2008. Trên phạm vi đa phương, Việt Nam đã cùng ASEAN ký kết và triển khai thực hiện 3 hiệp định FTAs là: Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA).

Theo Báo Hải quan, tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu 2013 do Bộ Công thương ngày 11-4 tổ chức, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, nội dung quan trọng nhất trong các FTA mà Việt Nam tham gia đến nay là lộ trình cắt giảm thuế quan, khi thuế quan giảm mạnh là cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, Bộ Công thương nhận định, khả năng tận dụng các cam kết mở cửa thị trường theo các FTA của doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn còn hạn chế, giảm qua từng năm ở các thị trường. Nguyên nhân là do hiện không ít DN chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi về thuế quan. Sự thiếu quan tâm này làm cho DN mất đi lợi thế về thuế, khả năng cạnh tranh, hàng hóa trên thị trường quốc tế. DN cũng chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế quan hàng năm của các đối tác trong các FTA với Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự chuyển đổi cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất của các DN để đáp ứng các tiêu chí về chứng  nhận xuất xứ diễn ra chậm và chưa đáp ứng được các nhu cầu hiện nay.

Có thể thấy, các DN nước ngoài tận dụng rất tốt các ưu đãi về thuế quan đến từ các FTA, do đó, việc thiếu thông tin, thiếu quan tâm của DN trong nước dẫn đến thua thiệt ngay trên chính sân nhà, chứ chưa nói đến hàng Việt Nam sẽ tự tin cạnh tranh một cách đàng hoàng trên thị trường nước bạn. Các FTA đã và đang tạo nên những sân chơi lớn với luật chơi bình đẳng, còn tận dụng thế nào, tận dụng đến đâu, lại là vấn đề của từng DN.

Kim Ngân

 

 

Tin xem nhiều