Trước thực tế xã hội, tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Đồng Nai cũng đã bắt đầu tìm hiểu và ứng dụng sâu hơn các thành tố quá trình chuyển đổi số.
Trước thực tế xã hội, tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn Đồng Nai cũng đã bắt đầu tìm hiểu và ứng dụng sâu hơn các thành tố quá trình chuyển đổi số (CĐS).
Tìm hiểu, ứng dụng máy móc công nghệ tiên tiến là một trong những thành tố để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Văn Gia |
Để thúc đẩy, hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh và CĐS, Đồng Nai đã ban hành các chính sách, theo đó mục tiêu là từng bước nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của DN và hình thành cộng đồng DN số trên địa bàn.
* Xu hướng thay đổi, DN cũng phải thay đổi
Đối với hầu hết các DN truyền thống, quy trình kinh doanh thường dựa trên kinh nghiệm hơn là hệ thống. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ hiện nay buộc các DN phải cải cách và tối ưu hóa quy trình, đồng thời cần có những điều chỉnh kinh doanh để tiến tới một nền tảng cao hơn. CĐS đang diễn ra mạnh mẽ trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội và các DN nếu muốn không bị bỏ lại phía sau thì phải tự tìm hướng đi phù hợp.
Đồng Nai đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử đến 100% DN trên địa bàn; kê khai thuế điện tử đạt 99% so với tổng lượt hồ sơ khai thuế đã nộp; thực hiện nộp thuế điện tử đạt 99,72%; thực hiện hoàn thuế điện tử đạt 100% hồ sơ hoàn thuế GTGT xuất khẩu và đầu tư. Đồng Nai cũng là tỉnh công nghiệp với hơn 27,5 ngàn DN và trên 156 ngàn hộ cá nhân kinh doanh đang hoạt động (số liệu thống kê DN 2021), việc sử dụng hóa đơn điện tử đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. |
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long, để bắt đầu CĐS, không nhất thiết phải điều quá to lớn mà vẫn có những giải pháp có thể thực hiện ngay tại DN, nhất là việc tái cấu trúc sản xuất, tinh gọn bộ máy, đồng thời ứng dụng những công nghệ, số hóa, phần mềm vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó quản trị sản xuất tốt hơn và tìm kiếm khách hàng được dễ hơn.
Đơn cử như Công ty TNHH Nam Long của ông, mặt hàng găng tay cao su đang được xuất khẩu mạnh ra nước ngoài và đơn hàng xuất khẩu có được ban đầu đến từ việc ứng dụng thương mại điện tử. Thay vì đi chào hàng theo kiểu truyền thống, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, cụ thể là Sàn giao dịch Alibaba đã giúp 20% trong số 30 triệu đôi găng tay hằng năm của công ty được xuất khẩu.
Cũng theo ông Lê Bạch Long, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có hội viên đông đảo ở khắp các địa phương trong tỉnh nên sẽ là một trong những hạt nhân thúc đẩy quá trình CĐS trong cộng đồng DN. Trong những năm tới, Hội sẽ đổi mới hoạt động của mình, trong đó tăng cường liên kết, kết nối hội viên để nâng cao sức mạnh của mỗi DN cũng như của tổ chức hội. Đặc biệt, Hội sẽ đẩy mạnh việc tổ chức các hội thảo, mời chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, quản trị DN, CĐS về nói chuyện, phổ biến thông tin, kinh nghiệm làm cơ sở cho DN hội viên áp dụng một cách rộng rãi hơn.
Công ty CP Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu (TP.Biên Hòa), là đơn vị có nhiều DN thành viên nhưng theo ông Phạm Văn Chính, Giám đốc công ty thì khi bước vào sản xuất lớn hơn, một trong những nhiệm vụ quan trọng phải nâng cao trình độ quản trị DN. Đó là điều tối quan trọng bởi chỉ có mô hình tốt mới có kết quả tốt. Để hoạt động thông suốt, phải xây dựng quy trình quản lý, quy trình phối hợp giữa các nhà máy, phòng, ban một cách phù hợp. Ứng dụng công nghệ, tự động hóa, kết nối các khâu trong quy trình quản trị, sản xuất với nhau giúp cho DN vận hành một cách trôi chảy, nhờ vậy, tăng trưởng gần đây của DN luôn đạt kết quả tốt.
Tương tự, với hàng trăm hội viên, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, đang nỗ lực để xây dựng sàn giao dịch thương mại ngành gỗ. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Lê Xuân Quân cho hay, giao dịch thị trường gỗ rất lớn, không chỉ DN Đồng Nai mà cả các tỉnh lân cận. Hiệp hội đặt quyết tâm và cơ bản vạch ra chiến lược để phát triển, thúc đẩy giao thương trong nước, quốc tế, đặc biệt là phấn đấu hình thành một trung tâm triển lãm tập trung cho ngành gỗ tại địa phương.
* Thúc đẩy DN đầu tư công nghệ và CĐS
CĐS là điều cần thiết và không thể đảo ngược đối với DN. Trong quá trình ấy, DN cần được sự hỗ trợ, tiếp sức từ phía nhà nước bằng việc xây dựng chiến lược phát triển chung, chính sách hỗ trợ phù hợp. Thúc đẩy DN ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất đến tường bước CĐS, hình thành cộng đồng DN số là điều mà Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện.
Trước hết là mục tiêu đổi mới công nghệ cho DN. Chương trình đổi mới công nghệ Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 số lượng DN thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình hằng năm l5% và đến năm 2030 tăng 10% mỗi năm.
Năm 2025, có 10% các DN sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm tham gia xây dựng tổ chức nghiên cứu và phát triển, có 1-2 ngành sản xuất có khả năng làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao. Đến năm 2030 có 30% DN sản xuất mặt hàng chủ lực và xây dựng được 3 ngành sản xuất chủ lực. Tỉnh cũng sẽ đào tạo, tư vấn cho 1 ngàn kỹ sư, cán bộ quản lý trong DN về đổi mới, nâng cao công nghệ.
Với việc xây dựng, hình thành DN công nghệ số, Đồng Nai đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 5 DN công nghệ số thành lập mới, 10 DN chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực. Đến năm 2030, có ít nhất 8 DN công nghệ số thành lập mới và 350 DN chuyển đổi sang công nghệ số. Trong đó, có nhiều DN sản xuất sản phẩm công nghệ số thương hiệu Việt, sản xuất công nghệ lõi, chủ lực.
Tại hội thảo CĐS cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tổ chức vào tháng 4-2022, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, những tác động của đại dịch Covid-19 tạo ra cơ hội cho địa phương thay đổi. Đồng Nai đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân. UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản về thúc đẩy CĐS trong DN nhỏ và vừa. Theo đó, DN cần chủ động đánh giá mức độ CĐS của đơn vị mình, từ đó đề ra lộ trình, kế hoạch phù hợp. Đây cũng là cơ sở để địa phương, đơn vị tư vấn đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy CĐS, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DN, phát triển kinh tế số tại địa phương.
Để nâng cao hiệu quả của chỉ số CĐS (DTI) trên địa bàn, tỉnh tập trung từng bước phát triển 4 loại DN công nghệ số. Cụ thể, đầu tiên là các DN thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư công nghệ lõi. Thứ hai, nhóm DN công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu, tiên phong trong nghiên cứu, phát triển công nghệ số và chủ động trong sản xuất. Thứ ba là nhóm DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra sản phẩm, hàng hóa dịch vụ mới và cuối cùng là nhóm DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.
Theo các DN trên địa bàn tỉnh, để làm chủ công nghệ sản xuất mới và đầu tư hệ thống máy móc tiên tiến rất khó khăn bởi quy mô DN hầu hết nhỏ và vừa. Hỗ trợ DN đòi hỏi tất yếu là địa phương phải hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy DN đổi mới công nghệ; đồng thời nâng cao năng lực thực hiện chương trình của cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư đổi mới công nghệ, khuyến khích DN thành lập quỹ khoa học công nghệ, liên kết DN với các tổ chức trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. |
Văn Gia