Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 9, khóa XI, diễn ra ngày 11-10, nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận, làm rõ nguyên nhân, đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ.
Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 9, khóa XI, diễn ra ngày 11-10, nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận, làm rõ nguyên nhân, đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: C.NGHĨA |
Các giải pháp đúng, trúng không chỉ giúp tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của năm 2022 mà còn tạo đà cho sự phát triển trong những năm còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025.
Kinh tế phục hồi tốt
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy 9 tháng năm 2022 cho thấy, mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi từ tình hình thế giới và một số khó khăn trong nước nhưng với sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển. Hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi tích cực, một số ngành có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trong đó có ngành chế biến, chế tạo.
Theo nhiều ý kiến của đại biểu tham dự thảo luận tại hội nghị, kinh tế - xã hội của Đồng Nai đã có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, để phát triển nhanh và bền vững, cần nhiều giải pháp quyết liệt từ các đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu. |
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt được kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2021, GRDP của tỉnh tăng trung bình hơn 8,6% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm có thể đạt 8,5%. Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn được thực hiện quyết liệt về giải phóng và bàn giao mặt bằng, trong đó có dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Công tác quy hoạch được thực hiện thường xuyên, nhất là quy hoạch nhiệm kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 19,3 tỷ USD, nhập khẩu trên 15 tỷ USD, nhập siêu dự kiến đạt 4,28 tỷ USD. Cũng trong 9 tháng của năm 2022 có thêm 3.142 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn trên 23,5 ngàn tỷ đồng. Một trong những điểm sáng của tỉnh là thu ngân sách ước đạt 48,7 ngàn tỷ đồng (đạt 88% so với dự toán) và dự kiến sẽ đạt chỉ tiêu thu ngân sách trung ương giao.
Bên cạnh đó, lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội có nhiều nỗ lực. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt nhiều khởi sắc, Đồng Nai vẫn là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác này.
Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn một số tồn tại, khó khăn, trong đó có kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tính đến hết tháng 9 mới giải ngân được khoảng 6.233 tỷ đồng (đạt 45,6% kế hoạch năm), thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài gặp khó khăn, nguyên nhân là hiện quỹ đất các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi đã gần hết. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt thấp (khoảng 85,3%) và khó hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra đầu năm. Công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 chưa đạt tiến độ, nhân lực ngành y tế và giáo dục nghỉ việc vẫn còn xảy ra… Tình hình đảng viên vi phạm kỷ luật giảm nhưng cấp ủy viên bị kỷ luật còn cao.
... Nhưng chưa thể yên tâm
Dù bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng nhưng theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường là vẫn chưa thể yên tâm. Cụ thể, kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra, có những đơn vị, địa phương kết quả giải ngân đạt rất thấp. Còn tồn tại cán bộ ở địa phương chưa nắm chắc vấn đề, tiếp xúc cử tri dân hỏi thì không giải trình được.
Bí thư Thành ủy Long Khánh Hồ Văn Nam phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ |
Đồng chí Quản Minh Cường trăn trở trước tình trạng còn lãng phí lớn nguồn lực đất đai. HĐND tỉnh đã có nghị quyết thu hồi 995 dự án giao đất, trong đó có 128 dự án bất động sản. Có những dự án đã được gia hạn đến 5-6 lần, chuyển nhượng nhiều lần, có dấu hiệu sai phạm, trong đó có liên quan đến cán bộ. “Nếu những dự án này được triển khai và phát huy hiệu quả thì Đồng Nai đã phát triển đến mức nào rồi” - đồng chí Quản Minh Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tỏ ra “sốt ruột” khi nhiều dự án đầu tư hạ tầng triển khai chậm, số lượng dự án khởi công và đưa vào khai thác sử dụng khá ít. Chẳng hạn địa bàn TP.Biên Hòa, toàn thành phố hiện có hơn 1,3 triệu dân nhưng đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải. Tình trạng phát triển hạ tầng không theo kịp với phát triển dân số đặt ra nhiều thách thức, làm giảm năng lực cạnh tranh của tỉnh với những địa phương lân cận.
9 tháng qua, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt hơn 8,6% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến cả năm nay tăng 8,5%, đạt mục tiêu nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Tuy nhiên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống cho rằng, đây là lần đầu tiên mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh thấp hơn mức tăng trưởng bình quân chung cả nước (cả nước tăng 8,83%). Đòi hỏi phải tìm nguyên nhân để xem tắc chỗ nào và có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống cũng nêu, qua tiếp xúc cử tri, cử tri nhiều nơi phản ảnh chính quyền chưa công khai công tác quy hoạch nên có khu vực dù đã được quy hoạch làm dự án nhưng người dân không biết. Có khu dân cư đã “nằm” trong quy hoạch 30 năm để làm đường giao thông nhưng đến nay chưa triển khai, cũng không xóa quy hoạch để cho người dân sửa chữa nhà ở vốn đã xuống cấp.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho rằng, công tác phối hợp giữa địa phương và tỉnh cần nhịp nhàng hơn trong triển khai các dự án, chẳng hạn như công trình đường ven sông Cái, địa phương phụ trách mặt bằng, còn tỉnh phụ trách thi công. Tuy nhiên, đơn vị được giao thi công lại chưa có sự phối hợp nhịp nhàng. Hay có công trình BOT, đến nay đường đã hư hỏng, nếu sử dụng vốn của doanh nghiệp tu sửa sẽ kéo dài thời gian thu phí, dân lại than phiền, còn sử dụng vốn ngân sách lại gặp khó khăn.
Một trong những vấn đề khác là y tế và giáo dục cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận. Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Y tế có 540 bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc và chuyển sang môi trường làm việc khác.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng thông tin, trong số bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, chỉ 50% bác sĩ, nhân viên y tế chuyển công tác từ bệnh viện công sang bệnh viện tư; còn lại 50% làm việc khác.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, ngành Giáo dục có 324 giáo viên nghỉ việc do lương thấp và những áp lực của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đại tá Vũ Văn Điền, Ủy viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bày tỏ lo lắng mấy ngày qua, trước tình hình nhiều cây xăng trên địa bàn tỉnh khan hiếm nguồn cung, người mua hàng phải xếp hàng dài đông đúc, chờ đợi.
Có chung lo lắng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, phải có giải pháp cho tình trạng thiếu xăng dầu, vì đây là mặt hàng thiết yếu liên quan đến các lĩnh vực sản xuất, giao thông - vận tải, đi lại của người dân, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội.
Công Nghĩa - Dương An