Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả từ các mô hình hoạt động của phụ nữ

07:09, 17/09/2022

Với phương châm "Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động Hội", các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã xây dựng gần 200 mô hình với khoảng 17 ngàn tổ, nhóm, CLB, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.

Với phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã xây dựng gần 200 mô hình với khoảng 17 ngàn tổ, nhóm, CLB, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.

Cán bộ, hội viên P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) tham gia mô hình Bếp ăn 0 đồng cùng chuẩn bị nguyên liệu trước khi nấu. Ảnh: N.Sơn
Cán bộ, hội viên P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) tham gia mô hình Bếp ăn 0 đồng cùng chuẩn bị nguyên liệu trước khi nấu. Ảnh: N.Sơn

Hoạt động của các mô hình đã góp phần thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ tham gia vào hoạt động Hội.

* Nơi thu hút hội viên phụ nữ

Gần 1 năm nay, cứ vào ngày đầu tháng và giữa tháng, một số cán bộ, hội viên phụ nữ ở các khu phố trên địa bàn P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) lại nổi lửa Bếp ăn 0 đồng để nấu và hỗ trợ phần ăn trưa hoặc phần ăn chiều cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.

Bà Mai Thị Loan Anh, phụ trách chính Bếp ăn 0 đồng cho biết, từ cuối năm 2021, sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhận thấy nhiều người còn khó khăn nên một số chị em có tinh thần thiện nguyện đã đưa ra ý tưởng Bếp ăn 0 đồng. Từ đó đến nay, đều đặn 2 lần/tháng, bếp ăn lại đỏ lửa, cung cấp từ 120-200 suất ăn/lần cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh LÊ THỊ THÁI cho rằng, bên cạnh các mô hình hoạt động đều đặn, vẫn còn những mô hình hoạt động chưa thường xuyên đòi hỏi người đứng đầu các mô hình phải chủ động hơn trong việc thiết kế các chương trình hoạt động nhằm phát huy hiệu quả của các mô hình.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu, thành viên tham gia Bếp ăn 0 đồng, đây không chỉ là nơi gắn kết, giao lưu giữa phụ nữ mà còn là địa chỉ để tập hợp những chị em có tinh thần thiện nguyện.

Với lợi thế là địa bàn tập trung đông công nhân lao động, nhất là lao động nhập cư ở các khu nhà trọ, Hội LHPN H.Nhơn Trạch đã triển khai mô hình tập hợp lao động nữ nhập cư tại khu vực nhà trọ, khu dân cư. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập trên 30 tổ chức Hội trong khu vực nhà trọ thu hút khoảng 1 ngàn hội viên. Thông qua hoạt động của các chi, tổ Hội đã tạo điều kiện để chị em được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống; được tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến người lao động, nhất là lao động nữ…

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, tính đến nay, các cấp Hội đã xây dựng gần 200 mô hình với khoảng 17 ngàn CLB, tổ, nhóm ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, mô hình có số lượng hội viên tham gia đông như: các mô hình trong lĩnh vực đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội với gần 3,5 ngàn tổ, CLB với khoảng 140 ngàn thành viên; các mô hình tổ/nhóm phụ nữ tiết kiệm có khoảng 947 tổ, với hàng chục ngàn hội viên tham gia; hay mô hình tập hợp phụ nữ cao tuổi, có khoảng 600 tổ, CLB với trên 12 ngàn thành viên…

* Phát huy vai trò của hội viên phụ nữ

Không chỉ là nơi tập hợp hội viên phụ nữ, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động của các mô hình còn phát huy được vai trò của phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề của xã hội, trong đó có vấn đề môi trường.

Bà Mai Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN H.Long Thành cho hay, bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại, là nhiệm vụ của mỗi công dân và toàn xã hội. Trong gia đình, phụ nữ thường giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải. Xuất phát từ đó, Hội LHPN H.Long Thành đã phát động và triển khai mô hình Giảm thiếu túi ny-lông, bảo vệ môi trường, tiết kiệm từ nguồn bán rác thải tái chế nhằm vận động hội viên tham gia phân loại rác thải, bảo vệ môi trường, tạo kinh phí để hỗ trợ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Theo đánh giá của bà Huệ, sau thời gian triển khai, các mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ. Nhiều chị em đã chủ động mua sắm giỏ để đi chợ nhằm hạn chế sử dụng túi ny-lông; việc phân loại rác thải, tiết kiệm từ rác thải trở thành thói quen. Điều đặc biệt, từ nguồn tiết kiệm rác thải, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện đã hỗ trợ nhiều hội viên phụ nữ khó khăn thông qua việc tặng quà, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, trong năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã trích trên 25 triệu đồng để ủng hộ kinh phí mua vaccine phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Trước thực trạng một số hội viên phụ nữ gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế, Hội LHPN các cấp đã thành lập và duy trì các mô hình tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm; tiết kiệm gắn với tín dụng; tạo việc làm sau học nghề cho phụ nữ…, đã giúp hội viên phụ nữ có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Nga Sơn

Tin xem nhiều