Trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, Đồng Nai luôn tự hào với truyền thống "Miền Đông gian lao mà anh dũng". Trong quá trình đổi mới, Đồng Nai càng tự hào hơn khi trở thành một trong những tỉnh có công nghiệp phát triển, đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia.
Trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, Đồng Nai luôn tự hào với truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Trong quá trình đổi mới, Đồng Nai càng tự hào hơn khi trở thành một trong những tỉnh có công nghiệp phát triển, đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ hai từ trái sang) tham quan Nhà máy thép tiền chế ATAD tại Khu công nghiệp Long Khánh (TP.Long Khánh). Đây là nhà máy thép tiền chế công nghệ xanh lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: C.Nghĩa |
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một chia sẻ: “Đồng Nai có thể tự hào về sức mạnh vươn lên của một tỉnh khó khăn sau những năm miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất. Những cái tên như: Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, KCN Biên Hòa 2, KCN Amata… đã minh chứng cho sự phát triển và hội nhập quốc tế năng động của người Đồng Nai”.
* Tiên phong đổi mới
Ông Võ Văn Một chia sẻ, cuối những năm 1980, khi đất nước mở cửa hội nhập quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Đồng Nai được biết đến là một trong những tỉnh năng động hàng đầu của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hàng loạt KCN quy mô ra đời với hàng triệu USD vốn đầu tư tìm đến Đồng Nai như một mảnh đất lành với cơ chế chính sách thuận lợi, thông thoáng. Không chỉ có các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản… mà những nhà đầu tư từ bên kia bán cầu là Hoa Kỳ cũng nhanh chóng tìm đến.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH: Người dân và doanh nghiệp đã đồng hành vượt qua mọi khó khăn Năm 2021 là một năm đặc biệt khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, gây ra những khó khăn lớn chưa từng có. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân đã đồng lòng, đồng hành vượt qua mọi khó khăn. Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã cùng vào cuộc với mục tiêu cao nhất: Tất cả vì nhân dân. Chúng tôi cảm thấy xúc động khi trong khó khăn, người dân đoàn kết một lòng. Chính tinh thần đoàn kết ấy đã giúp Đồng Nai nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và tiếp tục phát triển, đồng thời kỳ vọng vào những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. |
Không chỉ dừng lại với các KCN ban đầu được thành lập chủ yếu ở TP.Biên Hòa, tỉnh đã có thêm hàng chục KCN tập trung quy mô lớn nằm ở nhiều địa phương như 6 KCN ở H.Nhơn Trạch, 3 KCN ở H.Trảng Bom… Nhiều huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa như: Tân Phú, Xuân Lộc, Định Quán cũng đã hình thành các KCN tập trung quy mô, thu hút nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời, tạo ra nhiều việc làm, hàng hóa phục vụ xuất khẩu, mang lại ngoại tệ cho đất nước.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “Đến nay, Đồng Nai đã có 32 KCN tập trung quy mô, thu hút trên 2 ngàn dự án với số vốn đăng ký trên 35,5 tỷ USD. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều KCN mới sắp ra đời để đón đầu sự phát triển của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành”.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ, cả hệ thống chính trị của tỉnh đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đó là xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế. Đồng Nai sẽ là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm đầu
các tỉnh phát triển.
* Vì cuộc sống người dân
Nhờ quá trình phát triển nhanh và bền vững mà Đồng Nai đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân đến từ khắp mọi miền đất nước. Chị Võ Thị Thanh Ngọc (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, cha của chị từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau năm 1975, cha đưa 3 mẹ con chị từ miền Bắc vào Biên Hòa sinh sống và lập nghiệp. Những năm đầu vào Biên Hòa, chị phụ giúp cha mẹ; đến năm 1992, chị bắt đầu làm việc tại Công ty CP Taekwang Vina Industrial (KCN Biên Hòa 2). Chị Ngọc cũng là một trong những công nhân đầu tiên của nhà máy này cho đến hôm nay.
Chi Ngọc chia sẻ: “Gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định từ nhiều năm nay. Nếu tính cả cha mẹ, gia đình tôi đã có thế hệ thứ 3 sinh ra tại TP.Biên Hòa”.
Năm 2022, Đồng Nai đặt ra 7 chỉ tiêu về kinh tế, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 6,5-7% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 126 triệu đồng; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 11,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8-8,5% so với năm 2021; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 100,07 ngàn tỷ đồng… |
Không chỉ phát triển công nghiệp và có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương, Đồng Nai còn được biết đến là một trong những tỉnh dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới của cả nước. Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, để có được thành quả về xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2008-2021, tỉnh đã huy động trên 930 ngàn tỷ đồng đầu tư tổng lực cho hạ tầng nông thôn. Người dân không trông chờ mà đã cùng Nhà nước chung tay xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả.
Bí thư Thành ủy Long Khánh Hồ Văn Nam chia sẻ, năm 2015, Long Khánh tự hào là một trong 2 địa phương không chỉ là đầu tiên của tỉnh mà còn đầu tiên của cả nước được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, TX.Long Khánh chính thức trở thành thành phố. Sau 5 năm được công nhận đạt đô thị loại III, đến nay thành phố đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chí của một đô thị loại II văn minh, hiện đại.
Đồng chí Hồ Văn Nam chia sẻ thêm: “Năm 2022, TP.Long Khánh đã cùng với nhà tư vấn quy hoạch nước ngoài hoàn thành quy hoạch phát triển TP.Long Khánh trong tương lai. Đây chính là tiền đề quan trọng để những năm tới TP.Long Khánh sẽ phát triển nhanh hơn nữa”.
Còn Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết, Trảng Bom đang quyết liệt chuyển đổi trong quá trình phát triển nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, gắn với phát triển hạ tầng, thực hiện mục tiêu đô thị hóa. Từ giữa năm 2020, huyện đã lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời lập đồ án quy hoạch chung đến năm 2040. Mục tiêu của H.Trảng Bom là tập trung phát triển danh mục đầu tư hạ tầng đã được xác định, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, phấn đấu đến năm 2025 H.Trảng Bom sẽ trở thành thị xã. Cùng với phát triển về kinh tế, Trảng Bom sẽ tiếp tục ưu tiên cho GD-ĐT nguồn nhân lực và xây dựng nhà ở cho công nhân lao động.
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống người dân, Đồng Nai còn chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Hiện nay, Đảng bộ tỉnh đang quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực để làm trong sạch bộ máy. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo theo chỉ đạo của Trung ương. Người dân tin tưởng và kỳ vọng, với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, Đồng Nai sẽ không chỉ mạnh về kinh tế mà còn vững mạnh về công tác xây dựng Đảng.
Công Nghĩa