Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy truyền thống, tạo đột phá để phát triển

03:08, 19/08/2022

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có khoảng 5 ngàn đảng viên nhưng đã lãnh đạo khoảng 20 triệu dân làm nên thắng lợi vĩ đại.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có khoảng 5 ngàn đảng viên nhưng đã lãnh đạo khoảng 20 triệu dân làm nên thắng lợi vĩ đại.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan mô hình chế biến nông sản của Công ty CP Chế biến nông sản Lương Gia (Khu công nghiệp Long Khánh)
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan mô hình chế biến nông sản của Công ty CP Chế biến nông sản Lương Gia (Khu công nghiệp Long Khánh). Ảnh: CÔNG NGHĨA

Vào thời điểm cả nước có khoảng 5 ngàn đảng viên, Đồng Nai chỉ vỏn vẹn 40 đảng viên. Tuy ít đảng viên nhưng Đảng ta đã hiệu triệu được tất cả các giai tầng xã hội đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Các đảng viên lúc bấy giờ không có động cơ nào khác ngoài việc đánh đuổi thực dân ra khỏi nước ta và xây dựng chính quyền nhân dân nên tạo niềm tin rất lớn của nhân dân với Đảng.

Nắm chắc thời cơ để hành động

Theo các tài liệu sử sách của Đảng bộ tỉnh và Thư viện Đồng Nai, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương, sáng 10-3-1945, bộ máy thống trị của Pháp từ tỉnh đến các quận của Biên Hòa cơ bản lọt vào tay phát xít Nhật. Ngay sau đó, các tổ chức thân Nhật đẩy mạnh các hoạt động lừa bịp nhân dân ta, tuyên truyền Nhật sẽ ủng hộ Việt Nam độc lập. Trái ngược với sự tuyên truyền, chúng ra sức vơ vét sức người, sức của và giết hại đồng bào yêu nước.

Theo Chủ tịch nước NGUYỄN XUÂN PHÚC, quá trình phát triển của Đồng Nai thời gian tới, quan trọng nhất vẫn phải tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Chú ý phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất để nhân dân luôn có niềm tin sâu sắc vào Đảng, tạo sức mạnh nội sinh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của tỉnh.

Thời điểm này, Đảng ta đã tuyên truyền các tầng lớp nhân dân hiểu rõ bản chất của quân xâm lược, quyết tâm vùng lên đánh đổ phát xít và tay sai để giành lại đất nước mình. Trước khí thế sục sôi cách mạng của quần chúng, Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Theo đó, từ cuối tháng 3-1945, nhiều cuộc khởi nghĩa từng phần đã nổ ra ở nhiều địa phương miền Bắc.

Tại Nam kỳ, nhiều cán bộ, đảng viên bị giặc giam giữ đã thoát khỏi nhà tù trở về địa phương hoạt động, kết nối với cán bộ, đảng viên còn lại ở quê nhà để nhanh chóng khôi phục tổ chức Đảng và các phong trào. Đồng thời, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, nhiều đảng viên từ các nơi đã được Trung ương cử về Biên Hòa hoạt động. Một số đảng viên phá trại giam Bà Rá (tỉnh Bình Phước) về Biên Hòa cũng nhanh chóng móc nối với phong trào.

Để chuẩn bị chu đáo cho tổng khởi nghĩa, tháng 5-1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ, tổ chức Thanh niên Tiền Phong được thành lập ở Sài Gòn, do bác sĩ, đảng viên Phạm Ngọc Thạch làm thủ lĩnh.

2 tháng sau, ở Biên Hòa, tổ chức Thanh niên Tiền Phong được thành lập do Huỳnh Thiện Nghệ làm thủ lĩnh.

Cùng với việc thành lập các tổ chức quần chúng, tháng 7-1945, tại chùa Tân Mai (Biên Hòa), đồng chí Hà Huy Giáp, đại diện Xứ ủy Nam kỳ họp với liên tỉnh miền Đông để phổ biến chủ trương của Trung ương Đảng về tình hình, nhiệm vụ mới, trọng tâm là họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Biên Hòa nhằm chuẩn bị lực lượng để tham gia tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Lúc đó, 2 đồng chí Hoàng Minh Châu (Bí thư Chi bộ Bình Phước - Tân Triều) và Huỳnh Văn Hớn được cử làm đại biểu cho Đảng bộ Biên Hòa tham gia hội nghị. Tại hội nghị, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa được thành lập do đồng chí Hoàng Minh Châu làm chủ tịch.

Trong  kế hoạch khởi nghĩa, đồng chí Hoàng Minh Châu đã phân công đảng viên Hồ Văn Đại chịu trách nhiệm vận động ông kinh lý Nguyễn Văn Tàng thuyết phục cháu mình là tỉnh trưởng Nguyễn Văn Quý chấp nhận việc bàn giao chính quyền để tránh đổ máu; đồng thời, phân công đảng viên Ngô Hà Thành (phụ trách Quốc gia tự vệ cuộc) và Nguyễn Văn Long (phụ trách lực lượng cảnh sát) đến gặp tướng Ikada, Chỉ huy quân đội Nhật đang đóng tại Biên Hòa, để yêu cầu Nhật không được can thiệp vào hoạt động của Ủy ban Kháng chiến, đồng thời phải giao nộp vũ khí, chỉ chỗ chôn giấu, cất giữ phương tiện chiến tranh.

Riêng đám lính gác cổng Tòa bố (địa điểm trụ sở UBND tỉnh hiện nay) và các công sở cũng đã được vận động nộp súng cho lực lượng tự vệ hoặc án binh bất động để tránh xung đột vũ trang.

Đúng 9 giờ sáng 26-8-1945, đảng viên Nguyễn Văn Nghĩa (tự Xược) được hàng trăm quần chúng ở Biên Hòa hỗ trợ đã xông thẳng vào Tòa bố treo lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên lên dinh tỉnh trưởng. Đến 11 giờ cùng ngày, đồng chí Hoàng Minh Châu cùng các đồng chí trong Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh đến tiếp nhận và chứng kiến bàn giao chính quyền tỉnh Biên Hòa về tay nhân dân.

Sau khi Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Hoàng Minh Châu tuyên bố “từ nay chính quyền cách mạng của Việt Minh là của nhân dân”, đồng bào phấn khởi hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm” và các đoàn công nhân, nông dân, thanh thiếu niên, học sinh, công chức, tín đồ và các chức sắc tôn giáo tay cầm cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ tỏa ra các đường phố hô vang khẩu hiệu chào mừng Cách mạng tháng Tám thành công.

Tiếp nối truyền thống hào hùng

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành cho biết, Đồng Nai là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi ghi nhiều dấu ấn đáng tự hào về lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng, nơi có nhiều căn cứ của Trung ương Đảng được xây dựng… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà luôn phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, ý chí và khát vọng phát triển. Tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh để xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện.

Đồng Nai là tỉnh khởi đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp LOTECO (P.Long Bình, TP.Biên Hòa)
Đồng Nai là tỉnh khởi đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp LOTECO (P.Long Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: HUY ANH

Khi về làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai vào tháng 6-2022, GS-TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhận xét, thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước sau 35 năm, Đồng Nai là tỉnh giàu của cả nước. Những kinh nghiệm trong quá trình phát triển ở Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng để phục vụ sự lãnh đạo của Đảng ngày càng tốt hơn, đáp ứng sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Sự phát triển của Đồng Nai trong suốt những năm qua có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh qua từng thời kỳ đều có tầm nhìn và tư duy chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Chẳng hạn, Đồng Nai là tỉnh khởi đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công cuộc đổi mới.

Mới đây, khi về làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đồng Nai có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Đồng Nai được biết đến như một trong những địa phương có nền công nghiệp ra đời sớm nhất như Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra đời năm 1960 và phát triển bậc nhất cả nước. Tiến trình phát triển công nghiệp của nước ta sẽ bị chậm nhịp nếu như thiếu vắng vai trò động lực và mang tính dẫn dắt của Đồng Nai cũng như một số địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước lưu ý, những thập niên trước, Đồng Nai nổi bật như ngôi sao mai tỏa sáng thì những năm gần đây cả nước có thêm nhiều sao sáng, khiến vị thế của Đồng Nai bị thách thức hoặc ít nhiều bị lu mờ. Vì vậy, giờ đây Đồng Nai cần tìm những động lực tăng trưởng mới để đủ tạo ra đột phá và dẫn dắt tăng trưởng vùng và cả nước.

Phương Hằng

Tin xem nhiều