Cách đây 77 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Cách đây 77 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Không khí Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội. (Nguồn: TL) |
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa nhân dân ta thoát khỏi thân phận nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc
Theo sách Đại cương lịch sử Việt Nam (tập II) của NXB Giáo dục, giữa thế kỷ XIX, chế độ phong kiến ở Việt Nam lâm vào khủng hoảng, suy yếu nghiêm trọng, khiến đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Đời sống nhân dân Việt Nam càng cùng quẫn hơn khi bị thực dân Pháp đô hộ. Chính sách thống trị của thực dân Pháp gần một thế kỷ đã tác động mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế cho đến xã hội; nhân dân Việt Nam bị áp bức bóc lột nặng nề và ngày càng có sự phân hóa sâu sắc.
Theo ThS TRẦN QUANG TOẠI, riêng cán bộ, đảng viên cần phải tự “tu thân”, “sửa đổi lề lối làm việc”, “tự chỉ trích”… để tự hoàn thiện bản thân, trở thành tấm gương sáng cho quần chúng noi theo. |
Giữa năm 1940, lợi dụng cơ hội Pháp bị Đức chiếm đóng, Nhật Bản đã tăng sức ép với chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, từ đó dân ta chịu 2 tầng xiềng xích: Pháp và Nhật.
Ngoài việc kiểm soát hệ thống đường sắt, các tàu biểu chở hàng, ép Pháp nộp một khoản tiền lớn, Nhật còn cướp ruộng đất của nông dân để xây trại lính, bắt nông dân nhổ lúa, ngô để trồng đay, thầu dầu phục vụ nhu cầu chiến tranh.
Thực dân Pháp ra sức vơ vét, bóc lột sức người, sức của bằng sưu cao, thuế nặng. Chính sách vơ vét của Pháp và Nhật khiến cho đời sống nông dân bị kiệt quệ, cộng với nạn mất mùa năm 1944, đầu năm 1945 xảy ra nạn đói làm chết gần 2 triệu người.
Tháng 8-1945, Nhật đầu hàng quân đồng minh. Nhận thấy đây là thời cơ nên giữa đêm 13-8-1945, Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng công bố mệnh lệnh khởi nghĩa: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”. Mệnh lệnh khởi nghĩa đã chạm đến khát vọng độc lập tự do của nhân dân nên quần chúng khắp nơi đã đồng loạt nổi dậy giành chính quyền.
Trong sách Địa chí Đồng Nai (tập III) của NXB Tổng hợp Đồng Nai viết: Ngày 23-8-1945, đồng chí Hoàng Minh Châu đã chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ Biên Hòa. Ngay trong đêm 23, rạng sáng 24-8-1945, trong nội ô tỉnh lỵ, nhân dân đã treo cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, vàng sao đỏ (cờ của Thanh niên Tiền phong), dán khẩu hiệu khắp các phố chợ… Đêm 24-8-1945, một cuộc mít tinh được tổ chức với hàng trăm quần chúng tham gia. Các đồng chí trong Ủy ban Khởi nghĩa đã công khai diễn thuyết kêu gọi đồng bào tham gia Mặt trận Việt Minh, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, lực lượng cách mạng hoàn toàn làm chủ.
Sáng sớm 26-8-1945, hàng trăm quần chúng dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa đã tiến vào Tòa bố Biên Hòa treo lá cờ đỏ sao vàng lên dinh tỉnh trưởng. Sáng sớm 27-8, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Quảng trường Sông Phố với sự tham dự của gần 1 vạn người từ khắp các quận về dự và được nghe Trưởng ban Khởi nghĩa Hoàng Minh Châu đọc diễn văn tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám tại Biên Hòa nói riêng và cả nước nói chung giống như một cuộc hồi sinh của nền độc lập, tự chủ sau gần 1 thế kỷ bị thực dân đô hộ.
Phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc
ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám còn do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ… Đặc biệt, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn là thắng lợi của tinh thần đoàn kết. Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã coi trọng việc xây dựng đoàn kết, thống nhất trong nội bộ và lấy đó làm cơ sở để tập hợp quần chúng cùng đồng sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ đánh đổ thực dân, phong kiến, làm cho nước ta hoàn toàn độc lập.
Bài học kinh nghiệm về phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc vẫn còn nguyên giá trị và cần phải được phát huy mạnh mẽ để khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng đất nước hùng cường. |
Bên cạnh đó, từ khi ra đời, Đảng ta cũng đã coi trọng việc đoàn kết, tập hợp các lực lượng khác. Minh chứng rõ nét là tại Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (diễn ra vào tháng 5-1941), Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm “liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng nên một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Nhờ đó, tạo nên lực lượng hùng mạnh, đóng vai trò quyết định trong thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Theo TS Lê Quang Cần (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), tinh thần đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy trong các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cả nước bước vào thời kỳ vô cùng khó khăn khi vừa phải đương đầu cùng lúc với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm… Nhưng nhờ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đoàn kết một lòng tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế” đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, non sông nối liền một dải.
Cùng chính tinh thần đoàn kết ấy đã giúp chúng ta bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới Tây Nam, phía Bắc và trên biển đảo của Tổ quốc; đồng thời, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đạt được những kết quả to lớn, toàn diện. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm (2020 và 2021), tinh thần đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được phát huy, tạo nên sức mạnh tập thể, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống “bình thường mới” cho nhân dân.
ThS Trần Quang Toại khẳng định, để phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc cần tạo được niềm tin trong nhân dân. Đây là vấn đề không dễ nhưng không thể không làm. Để tạo được niềm tin cho nhân dân, ngoài việc phải thay đổi cơ chế, chính sách sát với thực tiễn, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân thì rất cần một đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, luôn phấn đấu vì mục tiêu chung. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên cần phải đi vào thực chất. Những người làm nhiệm vụ báo cáo viên phải là hình mẫu chuẩn về tư tưởng, đạo đức, tác phong… nhằm thuyết phục người nghe, người học.
Nga Sơn