Báo Đồng Nai điện tử
En

Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng

06:08, 06/08/2022

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, đồng chí Võ Chí Công sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1930.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, đồng chí Võ Chí Công sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1930.

Đồng chí Võ Chí Công thăm hỏi, trò chuyện cùng với người dân một cách gần gũi, thân thiện. Ảnh: Internet
Đồng chí Võ Chí Công thăm hỏi, trò chuyện cùng với người dân một cách gần gũi, thân thiện. Ảnh: Internet

80 năm tham gia cách mạng, đồng chí Võ Chí Công đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc.

* Xây dựng cơ sở cách mạng và lãnh đạo kháng chiến

Sau khi được được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 1935 tại Chi bộ ghép Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam), đồng chí Võ Chí Công đã bám dân, bám địa bàn và tham gia gây dựng cơ sở cách mạng tại các tỉnh miền Trung.

Từ năm 1936-1939, với vai trò bí thư chi bộ ghép một số xã, đồng chí đã lãnh đạo đấu tranh chống lại sự đàn áp của địch, khôi phục tổ chức Đảng, giữ vững phong trào cách mạng ở địa phương; tuyên truyền, vận động, giác ngộ những người yêu nước để bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng nhằm tăng cường sức mạnh cho Đảng, đồng thời vận động nhân dân giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng nhằm mở rộng phong trào cách mạng ở địa phương.

Năm 1939, tại cuộc họp mở rộng do Phủ ủy Tam Kỳ triệu tập, đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Phủ ủy viên Tam Kỳ. Với vai trò này, đồng chí đã thay đổi phương thức hoạt động bí mật, vượt qua được sự truy sát của kẻ thù và những khó khăn để khôi phục hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng tại Quảng Nam… Cũng từ năm 1941-1942, trên cương vị Ủy viên Xứ ủy Trung kỳ phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công đã lặn lội đi khắp miền Trung, vừa lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại sự khủng bố của địch, vừa gây dựng thêm nhiều cơ sở cách mạng, tái lập hệ thống tổ chức của Đảng, phát triển rộng rãi Mặt trận Việt Minh ở tỉnh Quảng Nam và Trung bộ.

Đồng chí Võ Chí Công còn có nhiều đóng góp quan trọng và đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp; tích cực đóng góp ý kiến với Đảng và Ban chấp hành Trung ương về các vấn đề liên quan đến tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng…

Năm 1943, đồng chí bị địch bắt, giam cầm, đày ải tại nhà tù Hội An, Buôn Ma Thuột. Đến khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí trở về tiếp tục tham gia cách mạng và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Võ Chí Công là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt ở Liên khu V, lãnh đạo nhân dân kiên cường chiến đấu, tăng gia sản xuất, chia lửa với chiến trường chính Bắc bộ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, với cương vị Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, đồng chí đã lãnh đạo quân và dân Liên khu V chiến đấu, giành được nhiều thắng lợi to lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đặc biệt, đầu năm 1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập, đồng chí Võ Chí Công được phân công làm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam cho đến năm 1964. Thời gian này, đồng chí Võ Chí Công đã nghiên cứu, khảo sát, đúc rút kinh nghiệm và phổ biến cho toàn miền Nam chống bình định, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch trong Chiến tranh đặc biệt.

* Đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Lúc này, đồng chí Võ Chí Công được điều ra Trung ương công tác, được Đảng tin tưởng giao nhiều trọng trách.

Trong đó, từ năm 1976 đến đầu năm 1977, đồng chí được giao nhiệm vụ Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản. Ngay lập tức, đồng chí đã xuống các cơ sở quốc doanh, các HTX nghề lâu năm để nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ những giải pháp thiết thực, giải quyết những khó khăn cho ngành hải sản, thực hiện cơ chế tự quản để phát triển sản xuất, xóa bỏ bao cấp. Nhờ vậy, ngành hải sản từng bước vươn lên, trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Năm 1978, đồng chí Võ Chí Công được phân công phụ trách khối nông, lâm, hải sản và kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp. Đây là thời điểm nền kinh tế Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp nói riêng đang đứng trước vô vàn khó khăn. Đồng chí Võ Chí Công đã đi xuống nhiều HTX để nắm tình hình, ra tận đồng ruộng để gặp bà con xã viên hỏi thăm công việc sản xuất và nhận rõ nhiều HTX thực hiện khoán đến nhóm và người lao động đã đem lại hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập cho xã viên. Từ đây, đồng chí đã đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW về khoán sản phẩm trong HTX nông nghiệp đến nhóm và người lao động.

Chỉ thị 100 ra đời là bước ngoặt quan trọng trong nông nghiệp, phù hợp với lòng dân, với thực tiễn nên được nhân dân phấn khởi đón nhận. Trên cơ sở Chỉ thị 100, Trung ương đã ra Nghị quyết 10 (năm 1998) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, tạo động lực mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và sản phẩm lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để xuất khẩu.

Không dừng lại ở đó, sau này với vai trò Trưởng ban Nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đồng chí đã góp phần xây dựng, hoàn thiện trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 306-NQ/TW (tháng 4-1986) về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở. Sự thành công của cơ chế khoán trong nông nghiệp và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã góp phần quan trọng để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách đúng đắn, vững chắc...

Nga Sơn (tổng hợp)

Tin xem nhiều