Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở tỉnh Nam Định, 14 tuổi, Đại tướng Mai Chí Thọ đã đến với cách mạng và trải qua những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở tỉnh Nam Định, 14 tuổi, Đại tướng Mai Chí Thọ đã đến với cách mạng và trải qua những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đại tướng Mai Chí Thọ thăm người lao động nghèo ở TP.HCM. Ảnh: Tư liệu |
85 năm tuổi đời, Đại tướng Mai Chí Thọ (1922-2007) đã có hơn 70 năm tham gia cách mạng, có mặt ở những địa bàn khó khăn, ác liệt, trong những thời điểm có tính bước ngoặt của cách mạng. Điều đặc biệt, ở cương vị lãnh đạo nào, Đại tướng cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
* Tận trung với nước
Năm 1936, khi đang còn học ở Trường Quốc học Huế - ngôi trường danh tiếng dành cho con em những gia đình quyền quý học hành và có nhiều điều kiện thuận lợi để sau này trở thành công chức trong bộ máy chính quyền thực dân nhưng người thanh niên yêu nước Mai Chí Thọ đã từ bỏ và chủ động tìm đến với cách mạng. 18 tuổi, đồng chí Mai Chí Thọ đã bị địch bắt và giam cầm.
Trong bài phát biểu đề dẫn tại hội thảo khoa học Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM được tổ chức mới đây, trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, suốt 5 năm bị giam giữ tại các nhà tù khắc nghiệt, bị đàn áp, tra tấn dã man nhưng đồng chí Mai Chí Thọ vẫn kiên cường chiến đấu, lạc quan tin tưởng, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Không những thế, đồng chí còn biến nhà tù thành trường học, thao trường tập luyện… Cũng chính ở nơi tận cùng tăm tối và gian khổ ấy, người chiến sĩ cách mạng Mai Chí Thọ đã có dịp được gần gũi và học thêm được nhiều điều tốt đẹp từ các bậc đàn anh đáng kính như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng…
Trong thời gian nghỉ hưu, Đại tướng MAI CHÍ THỌ vẫn dành trí tuệ, sức lực, tâm huyết của mình đóng góp cho Đảng, Nhà nước nhiều ý kiến thiết thực, quý báu về phát triển kinh tế, phòng chống tham nhũng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc… |
Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, đồng chí Mai Chí Thọ trở về đất liền và tham gia ngay vào cuộc kháng chiến của quân dân Nam bộ chống thực dân Pháp quay lại xâm lược lần thứ 2. Từ năm 1945-1954, với vai trò Bí thư thanh niên cứu quốc, Trưởng Ty công an, Phó bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ; Trưởng Ty công an, Phó bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho; Phó giám đốc Sở Công an Nam bộ, Phó bí thư và Bí thư liên chi chính quyền Nam bộ, Phó giám đốc Sở Công an Nam bộ, phụ trách Công an miền Đông Nam bộ, đồng chí đã kiên cường bám trụ, phá tề, trừ gian, không ngừng xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, mở rộng vùng giải phóng.
Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (năm 1954), đồng chí Mai Chí Thọ được cử tập kết ra Bắc. Mặc dù xa quê hương, gia đình đã lâu nhưng với tinh thần cách mạng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của Đảng lên trên hết, đồng chí đã xin ở lại, sát cánh cùng với quân và dân Nam bộ trong cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Công an cho hay, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Mai Chí Thọ là một trong những nhà lãnh đạo có vai trò quan trọng, gắn bó chặt chẽ với cách mạng miền Nam. Từ năm 1955-1960, Đại tướng Mai Chí Thọ là Phó ban rồi Trưởng ban Địch tình Xứ ủy Nam bộ, Xứ ủy viên dự khuyết. Từ năm 1960-1965, Đại tướng là Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu miền Đông Nam bộ. Từ năm 1965-1975, Đại tướng là UVTV, Phó bí thư rồi làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định…
Trong tham luận của TS Lê Quang Cần (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai) tại hội thảo khoa học Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM có nội dung nêu, với vai trò người đứng đầu Khu ủy miền Đông, Đại tướng Mai Chí Thọ là trung tâm đoàn kết, giữ vai trò quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các trận quyết chiến chiến lược đối với địch qua nhiều trận đánh thần tốc, táo bạo, mạnh mẽ làm nên các chiến thắng lịch sử quan trọng nhằm góp phần hiện thực hóa khát vọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
* Sâu sát với chiến sĩ và nhân dân
Đại tướng Lê Hồng Anh chia sẻ: “Từ khi còn là cán bộ trẻ, mới tham gia phong trào cách mạng, tôi đã sớm được nghe những câu chuyện cảm động và rất đáng khâm phục về tấm gương tận tụy dũng cảm, trí tuệ của đồng chí Năm Xuân (một trong những bí danh của Đại tướng Mai Chí Thọ). Trong cách cảm nhận và cách nghĩ của nhiều đồng chí, đồng bào, anh Năm Xuân là một trong những nhà lãnh đạo rất sâu sát với đời sống chiến sĩ và nhân dân, rất tâm lý với những suy tư, trăn trở và những khó khăn của cấp dưới…”.
Đoàn viên thanh niên TP.HCM xem lại những hình ảnh về Đại tướng Mai Chí Thọ tại hội thảo khoa học Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM |
16 năm gần gũi làm việc với Đại tướng Mai Chí Thọ đã để lại trong ký ức của đồng chí Võ Viết Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM nhiều kỷ niệm đẹp.
Đồng chí Võ Viết Thanh kể, một lần ông được đồng chí Mai Chí Thọ gọi đi cùng thăm một số nơi sinh sống của đồng bào dân tộc ở Tây nguyên và không được báo cho chính quyền địa phương biết. Đồng chí Mai Chí Thọ cùng đoàn đến thăm 4 cụm dân cư ở gần ngã ba Kiến Đức và hồ nước Doãn Văn thuộc H.Đắk Nông (khi ấy chưa tách thành tỉnh), tỉnh Đắk Lắk. Đến từng cụm dân cư, đồng chí Mai Chí Thọ đều gửi cá mắm và cá khô cho đồng bào dân tộc, họ rất mừng và hướng dẫn đồng chí đến xem chỗ ngủ và bếp của họ để hiểu hơn về đời sống của đồng bào.
Trong quá trình làm việc, đồng chí luôn chỉ đạo công an toàn quốc phải coi trọng công tác phòng ngừa tội phạm. Để làm được điều này, đồng chí Mai Chí Thọ luôn nhắc nhở công an nói chung, cán bộ trinh sát nói riêng phải xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân kết hợp với nghiệp vụ nắm chắc tình hình địa bàn dân cư, ngành nghề và các hoạt động kinh tế - xã hội…
Trong tham luận của PGS-TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) viết, sau giải phóng, TP.HCM đứng trước hàng loạt vấn đề. Việc giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội, khắc phục khó khăn bất cập của thành phố trong hoàn cảnh đặc biệt không chỉ có ý nghĩa chiến lược đối với miền Nam vừa giải phóng mà còn có ý nghĩa quyết định thành công đối với cả nước đang chuyển sang thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Với vai trò Phó bí thư, Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định kiêm Giám đốc Sở Công an TP.HCM, Đại tướng Mai Chí Thọ vừa tập trung xây dựng lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, vừa phối hợp chăm lo cho người nghèo đón Tết đầu tiên sau giải phóng. Trong thời gian làm Chủ tịch UBND TP.HCM, Đại tướng “xắn ống quần” lặn lội xuống với bà con vùng sâu, vùng xa, dân nghèo thành thị; đầu quấn khăn rằn, ngồi xe Honda 67 đi xuống cơ sở lắng nghe ý kiến người nông dân… Đại tướng luôn giữ mối liên hệ với người dân, từ cán bộ, chiến sĩ các đơn vị phục vụ đến những thường dân nghèo khổ, cả những người có tâm tư cần giải tỏa. Gần dân, lo cho dân nên đi đến đâu Đại tướng cũng được người dân bộc bạch tâm tư nguyện vọng.
Nga Sơn