Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo đồng thuận nhờ vận động

07:05, 07/05/2022

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 4 lĩnh vực đột phá, trong đó có huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là giao thông đô thị, nông thôn, kết nối vùng...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 4 lĩnh vực đột phá, trong đó có huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối vùng.

Thi công mặt bằng tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: CTV
Thi công mặt bằng tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: CTV

Đồng Nai cũng xác định, thực hiện hiệu quả việc huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là giao thông, sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn cản trở, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Và để đạt mục tiêu này, công tác vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân đóng vai trò rất quan trọng.

Bài 1: “Đại công trường” trên đất Đồng Nai

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng loạt dự án đang được triển khai với khí thế khẩn trương, trong đó có những dự án được Chính phủ ấn định thời gian phải hoàn thành và đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch. Bên cạnh những dự án lớn của Trung ương, tỉnh cũng đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng, kết nối.

* Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Một trong những dự án trọng điểm quốc gia là tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (đoạn Đồng Nai đi qua TP.Long Khánh và các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất) phải đưa vào sử dụng cuối năm nay, còn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tại H.Long Thành, Nhơn Trạch) phải đưa vào khai thác vào năm 2025. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có một số dự án khác như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đi qua địa phận H.Long Thành, H.Nhơn Trạch) đang được khẩn trương hoàn thành ở giai đoạn nước rút.

Dự kiến trong năm 2022 và 2023, sẽ có thêm 2 tuyến đường cao tốc mới có tính liên kết vùng rất cao dự kiến được khởi công, đó là: dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (đi qua 3 huyện: Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú nối với tỉnh Lâm Đồng); dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); đường vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch) và đường vành đai 4.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn: Phải làm cho dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ…

“Chưa khi nào Đồng Nai có nhiều cơ hội thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị như hiện nay từ chính sách của Trung ương và sự nỗ lực của tỉnh. Nếu tận dụng được những cơ hội này thì vài năm nữa Đồng Nai sẽ có một diện mạo mới đúng như kỳ vọng của Trung ương và nhất là sự kỳ vọng của người dân. Muốn vậy thì phải làm cho dân hiểu, dân tin và dân ủng hộ ngay từ chủ trương để đi đến cùng chung tay với Nhà nước hành động nhanh và thần tốc các dự án này”.

Để tạo kết nối giữa cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP.HCM, Bộ GT-VT sẽ mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ 4 làn xe lên thành 8 làn xe đối với đoạn từ TP.HCM đến đoạn giao với quốc lộ 51 tại H.Long Thành. Chính phủ cũng đồng ý về mặt chủ trương xây dựng tuyến đường sắt phục vụ chở khách từ cảng hàng không quốc tế Long Thành đến Thủ Thiêm (TP.HCM).

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết, về hạ tầng giao thông, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án giao thông đô thị trọng điểm trên địa bàn TP.Biên Hòa, các dự án giao thông qua các trung tâm của các huyện: Long Thành, Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và các tuyến đường kết nối liên huyện gồm: nâng cấp, mở rộng tuyến đường tỉnh 769, 770B, 772, đường liên cảng. Phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), 2 tuyến đường (tuyến số 1 và số 2) kết nối sân bay, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua địa bàn Đồng Nai, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Thu hút nguồn lực đầu tư vào các dự án giao thông lớn thông qua hình thức đối tác công tư gồm: đường kết nối vào cảng Phước An, tuyến đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đến quốc lộ 1K, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1), đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3, 4 TP.HCM…

Về hạ tầng đô thị, tập trung đầu tư nâng cấp, chỉnh trang các đô thị hiện có (Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch…); tiếp tục tổ chức rà soát và tạo điều kiện để triển khai xây dựng các đô thị mới đã đủ điều kiện như: khu đô thị Long Hưng, khu đô thị Tam Phước (TP.Biên Hòa), khu đô thị Long Tân (H.Nhơn Trạch) gắn với việc chú trọng rà soát, quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của nhân dân. Đồng thời, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho người dân ở một số khu vực chưa có hệ thống cấp nước tập trung. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới đường ống thoát nước và xử lý nước thải cho các đô thị trọng điểm của tỉnh.

Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua H.Xuân Lộc đã hình thành. Ảnh: Công Nghĩa
Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua H.Xuân Lộc đã hình thành. Ảnh: Công Nghĩa

Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hạ tầng thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thương mại, y tế, GD-ĐT, KH-CN,
VH-TTDL, TT-TT...

* Tập trung gỡ các nút thắt

Một trong những khó khăn mang tính “cố hữu” gây khó khăn và làm chậm tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng đó chính là thiếu vốn và giải phóng mặt bằng phục vụ thi công. Một trong 2 khó khăn này đã được tỉnh tìm cơ chế tháo gỡ khá tốt.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Trong thời gian qua, tỉnh đã chú trọng khai thác các quỹ đất công đưa vào đấu giá đất công và lấy nguồn lực này để đầu tư hạ tầng. Có thể nói, đến nay tỉnh không thiếu nguồn lực để đầu tư và chỉ còn khó khăn là mặt bằng để triển khai”.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn còn lại đối với công tác giải phóng mặt bằng, Ban TVTU đã thông qua chủ trương củng cố bộ máy Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án.

Tại TP.Biên Hòa có nhiều dự án sau thời gian chậm trễ triển khai, hiện đã có sự chuyển động mạnh mẽ, trong đó có dự án Đường ven sông Đồng Nai (từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu) đã được khởi công và đang thi công khá khẩn trương. Đối với tuyến đường trọng điểm khác là đường ven Sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp (P.Quyết Thắng) đến đường Trần Quốc Toản (P.An Bình) đang được hoàn thiện hồ sơ để khởi công. Một dự án trọng điểm khác của TP.Biên Hòa được người dân đặc biệt quan tâm là trục đường trung tâm nối từ vòng xoay cầu Bửu Hòa (thuộc P.Hiệp Hòa) đến ngã tư Vườn Mít (thuộc P.Thống Nhất), trên tuyến giao thông này còn có cây cầu Thống Nhất nối đôi bờ sông Cái giữa 2 phường Hiệp Hòa và Thống Nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích giải phóng mặt bằng lớn nhất từ trước đến nay không chỉ ở Đồng Nai mà là cả nước. Đây cũng là dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng khá nhanh do tỉnh trực tiếp tiến hành dù gặp rất nhiều khó khăn bởi diện tích lớn, số hộ dân đông, nguồn gốc đất phức tạp, nhất là đất sang nhượng bằng giấy tay, cho tặng, hoặc chủ đất ở những địa phương khác khó liên hệ.

Để đạt được tiến độ bàn giao đất cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tiến hành khởi công các dự án thành phần của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ngay từ đầu, Đồng Nai đã kiến nghị tách dự án giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng. Tỉnh đã huy động tối đa nguồn lực cán bộ của các sở, ngành liên quan xuống “cùng ăn, cùng ở” với cán bộ của H.Long Thành và các xã trong khu vực có đất bị thu hồi triển khai xây dựng sân bay để đo đạc, xác định nguồn gốc đất, giá trị đền bù, tái định cư. Bên cạnh đó là nhiệm vụ xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn để đón các hộ dân thuộc diện thu hồi đất xây dựng sân bay đến ổn định nơi ở mới.

Từ kinh nghiệm triển khai giải phóng mặt bằng xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ, tới đây tỉnh sẽ thành lập một ban riêng có tính chuyên nghiệp cao, chỉ làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông của quốc gia và của tỉnh. Ngay cả những dự án thuộc các huyện, nếu gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng thì Ban Giải phóng mặt bằng của tỉnh sẵn sàng “tiếp sức” để đẩy nhanh tiến độ, tránh “ca bài ca cũ”, đó là đổ lỗi cho việc không có mặt bằng sạch.

Nguyễn Phượng - Phương Hằng - Công Nghĩa - Văn Truyên

Bài 2: Khéo vận động, dễ thành công

Tin xem nhiều