Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin

05:04, 22/04/2022

Cuối năm 1920, sau gần 10 năm ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin.

Cuối năm 1920, sau gần 10 năm ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin.

Lãnh tụ V.I.Lênin trực tiếp lãnh đạo nhân dân Nga thực hiện thành công Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Ảnh: TL
Lãnh tụ V.I.Lênin trực tiếp lãnh đạo nhân dân Nga thực hiện thành công Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Ảnh: TL

Tại Đại hội XVIII Đảng Xã hội Pháp diễn ra vào tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản và cùng với những người gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản, trở thành người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

* Tư tưởng đổi mới của Nguyễn Ái Quốc

Theo TS Evgeny Kobelev, chuyên gia Viện Hàn lâm khoa học Nga, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã tránh được 3 sai lầm của Đảng Cộng sản Bolshevik. Nếu như Đảng Cộng sản Bolshevik từ chối hợp tác với các lực lượng cách mạng khác thì Hồ Chí Minh lại thành lập Mặt trận Việt Minh và tập hợp tất cả những người yêu nước có thể vào mặt trận này. Nếu như Đảng Bolshevik chống lại tất cả các tôn giáo, nhất là Công giáo thì Hồ Chí Minh ngược lại, tất cả những người theo tôn giáo đều có thể tham gia Việt Minh. Nếu như Đảng Bolshevik đã tiêu diệt nhà vua và cả gia đình nhà vua Nicolas II, Hồ Chí Minh lại đề nghị vua Bảo Đại làm Tổng cố vấn (cố vấn tối cao) của Chính phủ cách mạng.

Những tư tưởng đổi mới của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là sự tiếp nối từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đến khi Người về với thế giới Người hiền. Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 đưa ra quan điểm: “Không giải phóng quần chúng lao động khỏi ảnh hưởng của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc cải lương thì không thể đạt được mục tiêu chiến lược cơ bản của phong trào cộng sản trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản”.

Nghị quyết về Đông Dương của Quốc tế Cộng sản cuối năm 1929 tiếp tục nhất quán quan điểm trên khi khẳng định: “Phải tịch thu không bồi thường ruộng đất của địa chủ”. Đối với phú nông, Nghị quyết ngày 28-5-1931 của Quốc tế Cộng sản chủ trương: “Giai cấp vô sản… không bao giờ được liên minh với họ”. Đối với giai cấp tiểu tư sản, tầng lớp trí thức, Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản năm 1929 cho rằng: “Không nên cường điệu khuynh hướng cách mạng của giai cấp tiểu tư sản thành thị, lại càng không nên xem những phần tử ít cách mạng nhất, tầng lớp tiểu thương, như là động lực của cách mạng”.

Với những quan điểm trên, Quốc tế Cộng sản chỉ công nhận 2 giai cấp là đối tượng tập hợp lực lượng của Quốc tế Cộng sản, tất cả các giai cấp, giai tầng khác đều bị gạt ra bên lề.

Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc lại cho rằng, giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa bị chèn ép nên hầu như không có thế lực gì, vì vậy, không thể đổ cho họ đã đi về phe đế quốc. Vì vậy, Đảng cần tập hợp và lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung. Toàn bộ giai cấp địa chủ ở các nước thuộc địa, theo Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, là giai cấp phải đánh đổ, thì trong Cương lĩnh, những người thành lập Đảng lại khẳng định: “Chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa”; “Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập”.

Đối với tiểu tư sản, trí thức ở các nước thuộc địa, trong khi Đại hội VI Quốc tế Cộng sản ngăn rằng, không được liên minh với họ, thì trong Cương lĩnh, những người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 lại khẳng định: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”.

* Đoàn kết, tập hợp các lực lượng cách mạng

Sau khi về nước lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) để đoàn kết, tập hợp các lực lượng cách mạng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chính yếu là giải phóng dân tộc. Đường lối do Hội nghị Trung ương 8 thông qua thay đổi căn bản so với mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng mà Đảng Cộng sản Đông Dương trước đó đã đề ra.

Đối với sự thay đổi chiến lược quan trọng này, GS Trần Văn Giàu đã đánh giá, đó là sự chuyển hướng đường lối cách mạng Việt Nam quay về hướng dân tộc chủ nghĩa đã bắt đầu từ khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Sự chuyển hướng này bao gồm cả chiến lược, chiến thuật và tổ chức đấu tranh. Tuy nhiên, theo GS Trần Văn Giàu, sự chuyển hướng chỉ thật sự rõ kể từ khi Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương 8 và quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh.

Chính đường lối đúng đắn của Mặt trận Việt Minh đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại và góp phần đưa tư tưởng đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh thật sự trở thành giá trị nền tảng cấu kết sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cho tới tận hôm nay và sẽ vẫn còn giá trị lớn đối với mai sau.

Có thể khẳng định rằng, Nguyễn Ái Quốc là người tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá vào Việt Nam, song đã tiếp thu một cách sáng tạo và thực hành một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn và lịch sử Việt Nam.

Trong bài viết Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình (…). Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Hồng Phúc

Tin xem nhiều