Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Cần thêm sự quan tâm

07:04, 22/04/2022

Từ những đóng góp của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), có thể thấy quá trình triển khai các hoạt động của địa phương trong vùng đồng bào DTTS không thể thiếu vai trò của người có uy tín.

[links()]Từ những đóng góp của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), có thể thấy quá trình triển khai các hoạt động của địa phương trong vùng đồng bào DTTS không thể thiếu vai trò của người có uy tín.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực cho công tác dân tộc. Ảnh: S.Thao
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực cho công tác dân tộc. Ảnh: S.Thao

Do vậy, để người có uy tín thực sự có uy tín, được người dân tin cậy, ngoài việc tự rèn luyện đạo đức, lối sống, người có uy tín rất cần nhận được sự trân trọng, đề cao vai trò trong cộng đồng.

* Người uy tín cần gì?

Bà Lầu Tài Múi, dân tộc Hoa (ngụ xã Phú Bình, H.Tân Phú) cho hay, bản thân bà đã có 23 năm giữ vai trò Trưởng ấp, 20 năm là người có uy tín và đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ từ năm 2022. Bà đại diện cộng đồng tham gia điều hành công việc ở khu dân cư ở nhiều vai trò khác nhau, giúp cho 463 hộ đồng bào dân tộc Hoa tại đây thêm mạnh dạn trình bày tâm tư, nguyện vọng. Dù hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt khi chồng bị tai biến nhiều năm liền, song người phụ nữ này luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp ủy Đảng, chính quyền giao phó cũng như bà con ủy thác.

“Mình phải nhiệt tình, xông xáo, sẵn sàng hỗ trợ khi bà con cần thì khi khó khăn người dân mới xem mình là chỗ dựa để nhờ cậy. Có như vậy khi triển khai các vấn đề của địa phương ở khu vực dân cư bà con mới tin tưởng” - bà Múi chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Còn ông Hoàng Thế Hồng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) chia sẻ: “Mỗi khi nhận cuộc gọi nhờ giúp đỡ của bà con thì mình sẵn sàng gác lại việc riêng để đến với bà con. Được bà con tin tưởng nhớ tới khi có việc cần không phải là điều phiền phức mà là niềm vui vì bản thân phải là người có uy tín, làm được việc thì bà con mới nhờ mình”.

Ngoài ra, người có uy tín trong đồng bào DTTS cũng mong muốn được thể hiện vai trò hơn nữa trong các vấn đề của địa phương liên quan đến công tác dân tộc thay vì ở một số nơi, có thời điểm người uy tín chỉ đóng vai trò chứng kiến trong các hoạt động liên quan trực tiếp.

Bên cạnh nỗ lực của mỗi người trong thực hiện việc chung của cộng đồng, người có uy tín mong mỏi sẽ nhận được sự quan tâm hơn của Nhà nước. Bởi theo ông Hồng, cách đây 3 năm, mỗi tháng Nhà nước dành cho người có uy tín chế độ 50% lương cơ bản, song thời gian qua chế độ này đã không còn. “Dù chế độ này không đáng là bao song lại thể hiện sự quan tâm, động viên, tạo động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa. Do đó, rất mong Nhà nước duy trì chính sách hỗ trợ này trong thời gian tới” - ông Hồng bày tỏ.

* Cần thêm sự quan tâm

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Văn Phước cho biết, tỉnh luôn coi trọng và dành sự quan tâm rất lớn đối với người có uy tín. Đồng thời, cũng khẳng định vai trò quan trọng của người uy tín trong thời gian qua khi thực hiện các chính sách dân tộc.

Trong đó, mỗi năm tỉnh đều tổ chức các hội nghị gặp gỡ, biểu dương người có uy tín trong đồng bào DTTS. Như trong năm qua, Ban Dân tộc tỉnh, phòng dân tộc các huyện, thành phố đã đến thăm, tặng quà 208 người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của đồng bào DTTS; thăm hỏi 75 người có uy tín ốm đau, viếng 2 người có uy tín và 20 thân nhân người có uy tín qua đời. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Văn phòng Ủy ban Dân tộc tại TP.HCM thăm và tặng quà cho đại diện 6 tập thể và 25 cá nhân đồng bào nhân dịp lễ, tết tuyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh khen thưởng 60 người có uy tín có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động tại địa phương. Riêng UBND các huyện, thành phố đã tổ chức khen thưởng 27 người có uy tín có thành tích, đóng góp tích cực trong công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết, để cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh thành kế hoạch, chương trình thực hiện trong năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh cùng phòng dân tộc các huyện, thành phố sẽ bám sát nghị quyết của Tỉnh ủy, chương trình công tác của UBND tỉnh, nghiên cứu các quy định của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc thành chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, chính sách cụ thể để tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết quy định về chế độ hỗ trợ đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Sau khi được HĐND tỉnh thông qua, người có uy tín sẽ tiếp tục được nhận chế độ hỗ trợ của Nhà nước như thời gian trước đây.

Cùng với xây dựng chế độ hỗ trợ cho người có uy tín, theo ông Khang, cơ quan làm công tác dân tộc các cấp sẽ tiếp tục tranh thủ, phát huy vai trò người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tranh thủ, vận động người có uy tín tham gia giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc LÊ SƠN HẢI cho biết, năm 2022 là năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Do đó, Ban Dân tộc tỉnh cần chủ động tham mưu, xây dựng chương trình hành động phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương để trình cấp có thẩm quyền xem xét sớm triển khai thực hiện các nội dung liên quan. Qua đó, góp phần đạt được mục tiêu nâng cao đời sống đồng bào DTTS, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương mà Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 hướng tới. Đặc biệt, cần tăng cường sự quan tâm, kết nối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, bởi đây là lực lượng quan trọng trong thực hiện các chính sách dân tộc.

Văn Truyên - Nguyễn Phượng

Tin xem nhiều