Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy định về công tác cán bộ của Đảng ngày càng đồng bộ

08:03, 20/03/2022

Phương hướng công tác xây dựng Đảng được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ".

Phương hướng công tác xây dựng Đảng được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

Cán bộ chủ chốt toàn tỉnh cập nhật kiến thức tháng 3-2021. Ảnh: P.Hằng
Cán bộ chủ chốt toàn tỉnh cập nhật kiến thức tháng 3-2021. Ảnh: P.Hằng

Cùng với việc bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức được thông qua tại Đại hội XII, Đại hội XIII bổ sung thêm nội dung quan trọng là xây dựng Đảng về cán bộ. Đại hội XIII của Đảng cũng một lần nữa khẳng định: “Công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”.

* Hệ thống quy định ngày càng đồng bộ

Trong suốt quá trình lịch sử, vì tầm quan trọng của công tác cán bộ, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm công tác này. Những năm gần đây, nhất là sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, rất nhiều các chỉ thị, nghị quyết về nội dung này đã được ban hành tạo thành hệ thống tổng thể các quy định giúp công tác cán bộ trong Đảng và bộ máy này thêm hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết như: Nghị quyết “Về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”…

Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Bộ Chính trị đã ban hành nhiều quy định về tổ chức cán bộ như: Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4-8-2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (nay là Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020); Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8-3-2018 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị…

Nhiều nội dung vốn là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện trước đây đã được cụ thể hóa thành những kế hoạch, quy định cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, thuận tiện cho quá trình thực hiện. Chẳng hạn Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25-2-2019 về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Thông báo số 13-TB/TW, ngày 17-8-2016 về xác định tuổi của đảng viên; Kết luận số 55-KL/TW, ngày 15-8-2019 về tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng…

Sau Đại hội XIII của Đảng, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, hàng loạt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn đã được ban hành. Đó là các nghị quyết, chỉ thị như: Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về thi hành Điều lệ Đảng; Kết luận số 08-KL/TW, ngày 15-6-2021 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW, ngày 26-7-2021 một số nội dung về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW, ngày 27-9-2021 của Ban Tổ chức Trung ương về kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng…

* Những vấn đề đặt ra…

Trước hết, cần nghiên cứu tham mưu ban hành đồng bộ các quy định cũng như kịp thời ban hành các hướng dẫn nhằm thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Trong thực tế có những quy định ra đời nhưng lại chưa kịp thời ban hành hướng dẫn thực hiện. Chẳng hạn Quy định 126-QĐ/TW “Về bảo vệ chính trị nội bộ” ra đời từ ngày 28-2-2018 nhưng phải 17 tháng sau, tháng 9-2019 mới có hướng dẫn thực hiện quy định này. Việc chậm trễ ban hành các hướng dẫn gây không ít khó khăn, lúng túng cho các cấp ủy, nhất là cấp cơ sở trong quá trình thực hiện.

Nguyên tắc xử lý kỷ luật của Đảng là kỷ luật Đảng phải đồng bộ với kỷ luật chính quyền, thế nhưng đã có một thời gian dài trước khi Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18-9-2020 “Về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức” ra đời, đảng viên bị xử lý kỷ luật về Đảng, song lại chưa có quy định tương thích về việc xử lý về chính quyền. Kể cả khi Nghị định số 112 ra đời với quy định cán bộ, công chức, viên chức đã bị kỷ luật Đảng, hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật Đảng thì “mức độ tương xứng” này trong thực tế cũng khó thực hiện bởi các hình thức xử lý kỷ luật chưa có sự đồng bộ giữa Đảng và chính quyền. Chẳng hạn đảng viên chính thức có 4 hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ, thế nhưng, công chức có tới tận 6 hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Tương tự, theo quy định của Đảng, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với đảng viên bị xử lý kỷ luật khiển trách và cảnh cáo là 12 tháng. Tuy nhiên, theo Quy định số 205, nếu đảng viên bị xử lý kỷ luật khiển trách nhưng liên quan đến chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn nhận thêm chế tài bổ sung là đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn 18 tháng, cảnh cáo là 30 tháng, tức thời hiệu kéo dài hơn…

Công tác cán bộ liên quan trực tiếp đến con người và đương nhiên phải tuân thủ những quy định song nếu quá trình thực hiện rập khuôn, máy móc sẽ là lực cản và khó để phát hiện và đề xuất được những người thật sự xứng đáng…

Chủ tịch HỒ CHÍ MINH đã từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Với quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác cán bộ của Đảng thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, nhiều nội dung về công tác cán bộ đã được quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản mang tính pháp quy của Đảng. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều nội dung về công tác cán bộ cần tiếp tục được quan tâm thực hiện theo hướng đồng bộ hơn.

Hồng Phúc

Tin xem nhiều