Báo Đồng Nai điện tử
En

Cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

08:03, 15/03/2022

Đồng hành với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp là một trong 3 chương trình lớn của Đoàn. Vì vậy, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm khuyến khích, hỗ trợ đoàn viên thanh niên trên con đường lập nghiệp, khởi nghiệp.

Đồng hành với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp là một trong 3 chương trình lớn của Đoàn. Vì vậy, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên con đường lập nghiệp, khởi nghiệp.

Huyện đoàn, Hội LHTN H.Nhơn Trạch thành lập Quỹ 26-3 để hỗ trợ vốn cho cán bộ, đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Ảnh: Nguyễn Tuyết
Huyện đoàn, Hội LHTN H.Nhơn Trạch thành lập Quỹ 26-3 để hỗ trợ vốn cho cán bộ, đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Ảnh: Nguyễn Tuyết

Qua các hoạt động này đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong ĐVTN. Nhiều ĐVTN trong tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

* Nhiều hoạt động hỗ trợ

Phó bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên cho biết, vai trò đồng hành của Đoàn đối với ĐVTN trong khởi nghiệp, lập nghiệp chủ yếu vẫn là cung cấp kiến thức, kỹ năng trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp.

Trong đó, thực hiện đề án Tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên giai đoạn 2018-2022, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tập trung triển khai các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh cho ĐVTN là học sinh THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho ĐVTN; tổ chức các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, kiến thức khởi nghiệp, kiến thức về chương trình Mỗi xã một sản phẩm và hướng dẫn xây dựng các dự án khởi nghiệp cho ĐVTN. Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm hỗ trợ ĐVTN  tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật; các phương pháp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Qua đó, giúp thanh niên nông thôn và người nông dân gắn bó hơn với nghề nông và mảnh đất mà mình sinh sống.

Đặc biệt, trong năm 2021, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở KH-CN, Sở Nội vụ tham mưu tổ chức thành công chương trình đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với ĐVTN. Với chủ đề Khát vọng tuổi trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp, ĐVTN trong tỉnh đã mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp; đồng thời, được nghe đại diện các sở, ngành của tỉnh chia sẻ về các chính sách hỗ trợ ĐVTN trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ đó, giúp cho ĐVTN hiểu rõ hơn về các chính sách và các điều kiện để tiếp cận với các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp.

Các cấp bộ Đoàn còn đẩy mạnh chương trình đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp bằng cách thành lập và duy trì hoạt động của các mô hình HTX, tổ hợp tác thanh niên, các CLB thanh niên phát triển kinh tế, CLB thanh niên khởi nghiệp. Các HTX, CLB, tổ hợp tác không chỉ tập hợp các ĐVTN có chung khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp mà còn là nơi để ĐVTN giúp nhau trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp.

Bên cạnh hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, tạo môi trường để ĐVTN tương trợ lẫn nhau, các cấp bộ Đoàn đã kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ cho ĐVTN tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng NN-PTNT, Quỹ Tín dụng CEP, Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự, Quỹ Đồng hành với thanh niên tỉnh Đồng Nai…

Với kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp, anh Nguyễn Trần Vương (ở xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) đã mạnh dạn tiếp quản mô hình gia công sản phẩm nội thất từ các loại mây, lá, lục bình từ gia đình. Anh Vương cho biết, khi mới tiếp quản công việc này, anh khá lo lắng về khả năng quán xuyến công việc. Với những kiến thức về quản trị có được từ những báo cáo viên trong các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp, anh tự tin tiếp quản và duy trì được sự ổn định của cơ sở với doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm. Anh Vương cho biết, trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, mỗi tuần 2 lần anh lại ra tỉnh Ninh Thuận thu gom những tấm đan thủ công về cắt, tạo hình và xử lý để sản phẩm lên màu đẹp, không bị mốc, sau đó chuyển đến các công ty nội thất tiếp tục hoàn thiện trước khi xuất ra thị trường.

* Hướng đến các giải pháp mang tính bền vững

Theo Bí thư Huyện đoàn Tân Phú Phan Thế Công, các hoạt động đồng hành với ĐVTN trong khởi nghiệp, lập nghiệp thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khởi nghiệp, lập nghiệp của ĐVTN. Trong đó, việc cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho ĐVTN thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn vẫn còn mang tính chung chung, chưa cụ thể cho từng ngành, nghề, từng lĩnh vực. Vấn đề hỗ trợ vốn cho thanh niên còn khiêm tốn cả về số lượng người được hỗ trợ lẫn số vốn được hỗ trợ nên chưa đáp ứng được yêu cầu của ĐVTN. Đặc biệt, đối với ĐVTN ở nông thôn chủ yếu phát triển nghề trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh nhỏ lẻ cần đầu ra ổn định thì tổ chức Đoàn lại chưa có giải pháp hỗ trợ hiệu quả và mang tính lâu dài…

Anh Nguyễn Trần Vương (ngụ xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) tự tay xử lý các sản phẩm gia công chuẩn bị chuyển cho các công ty hoàn thiện sản phẩm trước khi xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Tuyết
Anh Nguyễn Trần Vương (ngụ xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) tự tay xử lý các sản phẩm gia công chuẩn bị chuyển cho các công ty hoàn thiện sản phẩm trước khi xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Tuyết

Riêng lĩnh vực khởi nghiệp được khởi động từ đầu nhiệm kỳ 2017-2022 nhưng các hoạt động chủ yếu vẫn là phát động để ĐVTN tìm hiểu về khái niệm khởi nghiệp, tư duy khởi nghiệp. ĐVTN vẫn chưa hiểu đúng bản chất của khởi nghiệp, đi đúng hành trình khởi nghiệp và thực tế cũng chưa có những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu làm điểm sáng cho ĐVTN học tập.

Phó bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên chia sẻ, Thường trực Tỉnh đoàn cũng đã nhận ra những tồn tại, hạn chế trong chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và cũng đã xác định được những việc cần tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm giúp cho ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp hiệu quả hơn. Đối với lĩnh vực lập nghiệp chủ yếu gắn liền với thanh niên nông thôn, thanh niên đô thị với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh nhỏ lẻ. Để lập nghiệp thành công đòi hỏi ĐVTN phải có quyết tâm, có kiến thức và có điều kiện thuận lợi về thị trường. Liên quan đến thị trường, tới đây Tỉnh đoàn sẽ làm việc và hợp tác với các đối tác công nghệ để cung cấp những nền tảng hỗ trợ bán hàng online, kết nối bán hàng đa kênh, cung cấp kiến thức về thương mại điện tử, xu hướng kinh doanh mới trên mạng xã hội… cho ĐVTN.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn dự kiến sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm lập nghiệp của ĐVTN, nhất là các sản phẩm liên quan đến nông sản, đặc sản nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất, kinh doanh của ĐVTN. Đồng thời, Tỉnh đoàn cũng đang có ý định xây dựng cộng đồng thanh niên lập nghiệp theo hướng cùng ngành, cùng lĩnh vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng mang tính chuyên sâu và đặc biệt là tạo điều kiện để các ĐVTN có cùng ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có thể hỗ trợ lẫn nhau từ kinh nghiệm cho đến thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Liên quan đến khởi nghiệp, anh Kiên cho rằng, thời gian tới, Tỉnh đoàn cũng như các cấp bộ Đoàn cần hỗ trợ cho ĐVTN hiểu đúng, hiểu rõ về khởi nghiệp. Trước mắt, Tỉnh đoàn sẽ xây dựng chương trình phối hợp với các sở, ngành liên quan như: Sở KH-CN, Sở Công thương, Liên minh HTX… để tranh thủ nguồn lực nhằm xây dựng được nền tảng, cơ chế, cộng đồng hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp của ĐVTN.

Các cuộc thi khởi nghiệp cũng sẽ được đổi mới bằng cách tổ chức thành các hành trình khởi nghiệp để ĐVTN trải qua những chặng thử thách, qua đó để lựa chọn được những ý tưởng khởi nghiệp khả thi, những ĐVTN có đủ quyết tâm, kỹ năng khởi nghiệp để đầu tư phát triển thành dự án khởi nghiệp trong thực tiễn nhằm tạo ra mô hình mẫu cho ĐVTN học tập. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng xác định lựa chọn đối tượng học sinh THPT và sinh viên khối cao đẳng, đại học để tập trung triển khai các hoạt động khởi nghiệp. Bởi đây là lực lượng có kiến thức, có khả năng nắm bắt những cái mới, ưu thế về ứng dụng khoa học -công nghệ và sẵn sàng chấp nhận cả thất bại để thành công. Với đối tượng lựa chọn là học sinh, sinh viên, Tỉnh đoàn sẽ liên hệ gặp gỡ, làm việc với Ban giám hiệu các trường để trao đổi, phối hợp nhằm góp phần tạo ra sản phẩm khởi nghiệp thành công của thanh niên.

Theo chia sẻ của Phó bí thư Tỉnh đoàn NGUYỄN MINH KIÊN, để cuối nhiệm kỳ tới có được sản phẩm khởi nghiệp thành công của thanh niên, Tỉnh đoàn dự kiến sẽ đưa nội dung khởi nghiệp trở thành một trong những nội dung của Nghị quyết Đại hội Đoàn nhiệm kỳ 2022-2027 nhằm tạo sự thống nhất trong hệ thống của Đoàn.

Nguyễn Tuyết

Tin xem nhiều