Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà lãnh đạo có những đóng góp lớn cho cách mạng Việt Nam

10:08, 06/08/2021

Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá đồng chí Lê Quang Đạo "là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí đã đi trọn cuộc đời một cách vẻ vang và để lại cho chúng ta tấm gương về cuộc đời cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đầy lòng vị tha, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng và chu đáo, chân thành và thủy chung, gần gũi và đoàn kết với mọi người".

Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá đồng chí Lê Quang Đạo “là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí đã đi trọn cuộc đời một cách vẻ vang và để lại cho chúng ta tấm gương về cuộc đời cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đầy lòng vị tha, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng và chu đáo, chân thành và thủy chung, gần gũi và đoàn kết với mọi người”.

Đồng chí Lê Quang Đạo. Ảnh tư liệu
Đồng chí Lê Quang Đạo. Ảnh tư liệu

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Quang Đạo đã có những đóng góp không nhỏ đối với đất nước và dân tộc.

* Nhà cách mạng với tay bút, tay súng

Lê Quang Đạo trước hết là một nhà cách mạng, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà yêu nước bởi ông đã tham gia cách mạng từ rất sớm trong phong trào Dân chủ ở Hà Nội năm 1938.

Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ Bí thư chi bộ đầu tiên của H.Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh; Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh; Ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ; Bí thư Ban Cán sự tỉnh Phúc Yên; Ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ. Năm 1946, đồng chí đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó lần lượt giữ các nhiệm vụ quan trọng như: Phó bí thư Khu ủy Khu XI, tiếp tục làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (tháng 11-1947), Bí thư liên tỉnh Hà Nội - Hà Đông, Phó ban Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (năm 1949)…

Là một nhà cách mạng buổi đầu lập quốc, giống như nhiều nhà cách mạng đàn anh khác, đồng chí Lê Quang Đạo đã dùng ngòi bút làm phương tiện để đấu tranh cách mạng. Lê Quang Đạo là biên tập viên các Báo Cứu quốc, Cờ giải phóng, phụ trách Báo Quyết thắng.

Khi viết Báo Cứu quốc, đồng chí Lê Quang Đạo lấy bút danh là Ái Dân. Khi đồng chí qua đời, nhà báo Hoàng Phong đã khóc ông: “Ái Dân dẫu mất vẫn còn yêu dân”. Đồng chí Lê Quang Đạo đã đi trọn cuộc đời bằng chính ý nghĩa của bút danh mà ông đã chọn.

Ông cũng được giao nhiệm vụ các lớp đào tạo cán bộ Việt Minh ở Chiến khu Hoàng Hoa Thám và trực tiếp giảng bài ở các lớp bồi dưỡng lý luận về Đảng và công tác cách mạng cho các nhóm cốt cán của Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội và Hội Văn hóa cứu quốc.

Trong những năm giữ các cương vị lãnh đạo của TP.Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Lê Quang Đạo đã thu phục, tập hợp văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, lên đường tranh đấu.

Năm 1950, Lê Quang Đạo được điều động sang công tác bên quân đội. Trên lĩnh vực công tác mới này, Lê Quang Đạo đã giữ các cương vị khác nhau của công tác tuyên huấn quân đội. Đồng chí từng đảm nhiệm vị trí phụ trách công tác tuyên huấn Chiến dịch Biên giới năm 1950, Phó chủ nhiệm chính trị trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quyền Chính ủy Đại đoàn 308 trong cuộc tấn công sang Thượng Lào, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1955-1976)…

Gần 30 năm hoạt động trong quân đội với quân hàm cao nhất là trung tướng, đồng chí Lê Quang Đạo đã khoác áo lính, có mặt ở các chiến trường nóng bỏng và đã có những đóng góp xuất sắc, nổi bật. Lê Quang Đạo được xem là anh cả của ngành Tuyên huấn Quân đội nhân dân Việt Nam.


* Tư duy đổi mới ở nghị trường

Đồng chí Lê Quang Đạo được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa VIII (1987-1992). Đây là nhiệm kỳ Quốc hội đầu tiên của công cuộc đổi mới đất nước.

Trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, nhiều sáng kiến về đổi mới hoạt động của nghị trường đã được quyết định góp phần đổi mới hoạt động của nghị trường dân chủ, minh bạch hơn, để tiếng nói của người dân được phản ánh lên diễn đàn Quốc hội. Việc Quốc hội biểu quyết bằng nhấn nút điện tử thay vì giơ tay cũng ra đời từ nhiệm kỳ của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.

Nhà văn Hữu Mai trong cuốn Người lữ hành lặng lẽ cho biết, năm 1988, Quốc hội do đồng chí Lê Quang Đạo làm Chủ tịch điều hành nội dung quan trọng là bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT). Khi ấy, Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng trong chuyến công tác tại TP.HCM để bàn việc vận chuyển lương thực ra miền Bắc vừa qua đời. Đồng chí Đỗ Mười khi ấy là Thường trực Ban Bí thư được Bộ Chính trị giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch HĐBT thay đồng chí Phạm Hùng. Tuy nhiên, có đoàn đại biểu phía Nam đã giới thiệu một đồng chí nữa. Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã ủng hộ giải pháp này và báo cáo xin ý kiến Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Kết quả, lần đầu tiên trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam, có 2 ứng cử viên được đưa ra để Quốc hội bầu chọn lấy một. Kết quả bầu cử sau đó, đồng chí Đỗ Mười trúng cử. Câu chuyện này cũng đã để lại một dấu ấn của sự thay đổi rất căn bản và đó là những gợi mở cho hôm nay…


* Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam

Từ năm 1983, đồng chí Lê Quang Đạo đã cùng với các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy và Huỳnh Tấn Phát đề xuất với Trung ương xây dựng và ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18-4-1983 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là chỉ thị đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng ta về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam.

Đầu năm 1993, đồng chí Lê Quang Đạo được điều sang chuyên trách công tác Mặt trận, với cương vị Bí thư Đảng đoàn và Ủy viên Đoàn chủ tịch và sau đó là Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (từ tháng 8-1994), đồng chí đã dành nhiều công sức, tâm huyết và trí tuệ cho công tác Mặt trận và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Nhà văn Nguyệt Tú, phu nhân của đồng chí Lê Quang Đạo trong cuốn hồi ký Đường sáng trăng sao đã viết: “Anh Đạo nhiều lần phàn nàn với tôi: Làm sao để ý kiến của người dân có thể lên tận Trung ương, Bộ Chính trị. Người dân bình thường khó phát biểu được với Quốc hội. Nơi họ dễ nói nhất, gần họ nhất là MTTQ Việt Nam. Bằng cách nào đây để chính sách đề ra phù hợp với nguyện vọng của nhân dân?”.

Đồng chí Lê Quang Đạo đã cùng Đảng đoàn Mặt trận tham mưu cho Đảng xây dựng và ban hành Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 17-11-1993 của Bộ Chính trị về đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất. Nghị quyết này được xem là chủ trương quan trọng, thể hiện tư duy đổi mới sâu sắc của Đảng về công tác mặt trận và đã phát huy vai trò của Mặt trận, nhất là vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Mấy tháng trước khi mất, đồng chí Lê Quang Đạo vẫn đau đáu với việc xây dựng và thông qua Luật MTTQ Việt Nam. Cho dù gặp nhiều khó khăn khi phải đeo tai nghe, song ông đã kiên nhẫn đến từng đại biểu phản đối dự thảo để giải thích, thuyết phục. Cuối cùng, Luật MTTQ Việt Nam đã chính thức được Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X thông qua với số phiếu rất cao.

Nhà văn Nguyệt Tú cho biết: “Anh Đạo vui lắm. Nhưng người cựu chiến binh cũng đã kiệt sức. Nụ cười chiến thắng của anh cũng là nụ cười vĩnh biệt nhân dân, đất nước”. Sở dĩ phu nhân của ông viết điều này bởi Luật MTTQ Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 12-6-1999, thì sau đó hơn 1 tháng, ngày 24-7-1999, đồng chí Lê Quang Đạo từ trần.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều