Đặc điểm cơ bản trong giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chính là trên cơ sở lập trường nhân dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân và đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
[links()]Đặc điểm cơ bản trong giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chính là trên cơ sở lập trường nhân dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân và đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang (ngoài cùng bìa trái) giám sát công tác bầu cử tại xã Phú Lập, H.Tân Phú. Ảnh: Nguyệt Hà |
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, từ năm 2015 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội đối với các dự thảo, đề án, dự án, công trình, nghị quyết... Qua đó, góp phần để những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước khi đi vào thực tiễn thực sự có hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân trên cơ sở đúng quy định của pháp luật.
* Hiệu quả rõ nét
* Ông có thể cho biết hiệu quả của công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh thời gian qua?
- Giai đoạn 2015-2020, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức thực hiện 628 cuộc giám sát, 48 hội nghị phản biện. Ngoài ra, phối hợp cùng thường trực HĐND và các ban HĐND các cấp khảo sát, giám sát hơn 4,1 ngàn cuộc với các vấn đề về các hoạt động của các cơ quan nhà nước, giám sát hoạt động của đại biểu dân cử trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đồng thời, phối hợp với HĐND cùng cấp tổ chức trên 1 ngàn cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Các hội nghị tiếp xúc có trên 229 ngàn lượt cử tri tham dự; hơn 23,2 ngàn lượt đóng góp ý kiến phản ảnh, kiến nghị các nội dung thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Toàn tỉnh có trên 7,6 ngàn công trình, dự án được sự giám sát của cộng đồng, thể hiện sự dân chủ, công khai, minh bạch trong đầu tư xây dựng. Có hơn 5 ngàn vụ việc mâu thuẫn ở cộng đồng dân cư được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công, góp phần thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm ở khu dân cư.
Ngoài ra, MTTQ Việt Nam các cấp đã nhận 1.858 đơn khiếu nại của công dân và hướng dẫn, chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết 1.073 đơn (đã nhận trả lời phản hồi 931 đơn) và tiếp 731 lượt công dân và kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết hàng ngàn đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu bầu thành viên hội thẩm TAND cấp tỉnh, cấp huyện…
* Hiệu quả của giám sát, phản biện xã hội đã tác động như thế nào đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
- Có thể nói, những tác động tích cực từ giám sát, phản biện xã hội của các cấp MTTQ trong tỉnh là khá tích cực. Qua đó, tác động trực tiếp trong việc đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh vào thực tiễn, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, tạo sự đồng thuận, ổn định và thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp, tỉnh đã đạt kết quả toàn diện về mọi mặt trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân mỗi năm tăng 8,14%, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Quy mô GRDP tính theo giá hiện hành đến năm 2020 đạt gần 400 ngàn tỷ đồng (tương đương 17,2 tỷ USD), gấp 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 124 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 5,3 ngàn USD, gấp hơn 1,7 lần năm 2015. Cơ cấu lao động dịch chuyển mạnh mẽ từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Đồng Nai là một trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành trước chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chính sách an sinh xã hội đền ơn đáp nghĩa được bảo đảm, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện và đạt kết quả thiết thực, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,04%...
* Góp phần đưa nghị quyết vào thực tiễn
* So với các hình thức giám sát, phản biện của các cơ quan quyền lực nhà nước thì giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp có điểm khác như thế nào?
- Giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp không mang tính quyền lực, là giám sát mang tính nhân dân. Mặt trận là nơi thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân giám sát, tham gia giám sát hoặc trực tiếp giám sát theo nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định với cơ chế là “theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị” đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, đồng thời giám sát việc giải quyết kiến nghị đó.
Điểm mới và quan trọng nhất trong giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị là đối tượng của giám sát xã hội đã mở rộng hơn, không chỉ là đội ngũ cán bộ, đảng viên địa phương (cấp xã). Đồng thời, nội dung giám sát, phản biện xã hội bao gồm việc xây dựng cũng như thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở các cấp... Vì vậy, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cùng các đoàn thể chính trị - xã hội giải quyết đơn thư, phản ánh kiến nghị, thắc mắc cũng sẽ công phu, phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian hơn.
Một hoạt động có ý nghĩa quan trọng và cũng là điểm khác biệt trong giám sát, phản biện xã hội thời gian qua là MTTQ các cấp đã tích cực phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức được các cuộc đối thoại trực tiếp. Kết quả của hoạt động này đã góp phần tạo môi trường dân chủ, cởi mở, kết hợp đối thoại với nhiều bên, nhiều cấp cùng tham gia... Qua đó, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền đã trực tiếp trả lời, tiếp thu và giải quyết những vấn đề liên quan đến từng tổ chức, đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
MTTQ các cấp đã đi đầu trong thực hiện việc giám sát cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên về thực hiện quy định nêu gương, bước đầu đã đạt được một số kết quả, như thu hút sự quan tâm, vào cuộc của quần chúng nhân dân. Qua đó, có tác dụng ngăn chặn, phòng ngừa những vi phạm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; bước đầu đã tạo nên sự quan tâm của người dân trong theo dõi, nhận xét, phản ánh những biểu hiện không lành mạnh trong đạo đức, lối sống, thực hiện không đúng với các quy định của Đảng và Nhà nước liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân, nhất là người đứng đầu…
* Việc giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp thời gian qua còn điểm gì hạn chế, thưa ông?
- Bên cạnh những kết quả rõ nét, tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp trong tỉnh còn một số điểm đáng lưu ý.
Đó là, một số cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức thành viên nhận thức về nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội còn chưa đầy đủ, chưa sâu sắc và toàn diện, dẫn đến coi nhẹ công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng của MTTQ; chưa quan tâm bố trí cán bộ bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ nên ít nhiều đã hạn chế tác dụng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Mặt khác, khi thực hiện nhiệm vụ này, lãnh đạo MTTQ một số địa phương chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… Chính sách và pháp luật về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ hiện nay vẫn cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện mới đáp ứng được yêu cầu về cơ sở pháp luật cho hoạt động giám sát của MTTQ. Tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân sự cũng như các điều kiện khác để bảo đảm cho hoạt động giám sát của MTTQ còn rất hạn chế…
* Xin cảm ơn ông!
Trong 5 năm qua, thực hiện Luật Mặt trận, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham gia góp ý vào 202 văn bản các loại. Ủy ban MTTQ cấp huyện và cấp xã đã góp ý 3.038 văn bản các loại như dự thảo nghị quyết của Đảng bộ cấp huyện, cấp xã về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… |
Nguyệt Hà (thực hiện)
Bài 3: Tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát, phản biện xã hội