Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảng bộ TP.Biên Hòa: Còn những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng

08:05, 27/05/2021

Đảng bộ TP.Biên Hòa có hệ thống tổ chức Đảng phong phú, nhiều loại hình, đông đảng viên nhất tỉnh... nên công tác xây dựng Đảng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố nói riêng và của tỉnh nói chung.

Đảng bộ TP.Biên Hòa có hệ thống tổ chức Đảng phong phú, nhiều loại hình, đông đảng viên nhất tỉnh... nên công tác xây dựng Đảng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố nói riêng và của tỉnh nói chung. Đồng thời, đây là địa phương có rất nhiều tổ chức Đảng, lực lượng đảng viên đông, nhiều loại hình tổ chức Đảng nên quá trình thực hiện công tác xây dựng Đảng cũng phát sinh một số vướng mắc.

Thường trực Thành ủy Biên Hòa trao huy hiệu Đảng cho đảng viên. Ảnh: Phương Hằng
Thường trực Thành ủy Biên Hòa trao huy hiệu Đảng cho đảng viên. Ảnh: Phương Hằng

Điều này đặt ra cho các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Trung ương để có quy định cụ thể, rõ ràng hơn nhằm giải quyết được những vướng mắc xuất phát từ thực tế.

* Cụ thể hóa nhiều nội dung

Đồng chí Võ Văn Chánh, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Biên Hòa cho biết, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận để tạo thuận lợi cho việc thi hành Điều lệ Đảng nói chung và triển khai thực hiện các nội dung của công tác xây dựng Đảng. Trong đó, đã cụ thể hóa nhiều nội dung về công tác đảng viên và quản lý đảng viên như: nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo; kết luận một số vấn đề về đảng viên làm kinh tế tư nhân; về xác định tuổi của đảng viên; về kết nạp người vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình vào Đảng... Các quy định về đảng viên và quản lý đảng viên cơ bản phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, được cấp ủy và tổ chức Đảng triển khai thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã cụ thể hóa nhiều nội dung về nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng, về cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Trung ương và địa phương, về tổ chức Đảng trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam, về công tác kiểm tra giám sát của Đảng và của ủy ban kiểm tra các cấp, về khen thưởng và kỷ luật, về Đảng lãnh đạo Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, về Đảng lãnh đạo Đoàn TNCSHCM và về tài chính Đảng... Các quy định này cơ bản phù hợp tình hình thực tế, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng Đảng bộ TP.Biên Hòa trong sạch, vững mạnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều quy định, hướng dẫn để công tác xây dựng Đảng được thực hiện có hiệu quả nhưng thực tế cuộc sống luôn sinh động, phát sinh nhiều vấn đề mới, trong khi các quy định, hướng dẫn chưa theo kịp.

Bí thư Đảng ủy P.Long Bình Nguyễn Thị Hà bộc bạch, trên địa bàn phường có trường hợp sau khi nghỉ hưu địa phương không thể liên lạc được để chuyển sinh hoạt Đảng cho trường hợp này. Nhiều trường hợp khác, sau khi về hưu đã chuyển sinh hoạt Đảng về nơi thường trú là P.Long Bình (theo sổ hộ khẩu) nhưng thực tế lại không sống ở P.Long Bình mà sống nơi khác nên Đảng ủy phường rất khó khăn trong việc quản lý đảng viên.

Ngoài ra, theo Bí thư Đảng ủy P.Long Bình, thực hiện chủ trương của Trung ương về nhất thể hóa một số chức danh, P.Long Bình có 12 khu phố đã thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu phố; nhiệm kỳ của trưởng khu phố là 5 năm, trong khi nhiệm kỳ của chi bộ khu phố là 2,5 năm, đây là điều bất cập đang diễn ra trong thực tế khi thực hiện nhất thể hóa mô hình này. Do vậy, Trung ương nên xem xét điều chỉnh nhiệm kỳ chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở là 5 năm, giống như nhiệm kỳ của chi bộ cơ sở.

* Một số vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ

Một bất cập khác được Phó bí thư thường trực Đảng ủy P.Tân Phong Cao Quý đề cập là hiện nay một số chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở có quá đông đảng viên nên đã thành lập Đảng bộ bộ phận. Tuy nhiên, Đảng bộ bộ phận không quyết định các vấn đề về tổ chức, cán bộ và không có con dấu. Thậm chí, dù Đảng ủy bộ phận quản lý đông đảng viên nhưng không triệu tập được đảng viên ở các chi bộ thuộc Đảng bộ bộ phận cho nên nhiều việc cần xin ý kiến toàn thể đảng viên trong Đảng bộ bộ phận thì Đảng ủy bộ phận không làm được mà phải thông qua bí thư chi bộ thuộc Đảng bộ bộ phận. Do đó, Trung ương cần bổ sung quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Đảng bộ bộ phận và tổ Đảng; đồng thời có chế độ chính sách cho chức danh đảng vụ và bí thư các chi bộ thuộc Đảng bộ bộ phận.

Trong khi đó, theo Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt, hiện nay còn có tình trạng nhiều đảng viên mới về hưu được 2-3 năm, sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn, hoạt bát nhưng vẫn muốn làm đơn miễn sinh hoạt Đảng, điều này làm các chi bộ lúng túng trong việc xem xét, giải quyết. Trung ương cần có quy định cụ thể hơn về điều kiện để được miễn sinh hoạt Đảng (ví dụ, cần quy định rõ thế nào là tuổi cao, sức yếu), từ đó nhằm tránh lợi dụng nội dung ghi trong Mục 7.1, Điều 7 của Quy định 29-QĐ/TW ngày 25-7-2016 của Ban chấp hành Trung ương: “Đảng viên tuổi cao, sức khỏe yếu, không thể tham gia sinh hoạt Đảng được tự làm đơn hoặc trực tiếp báo cáo với chi bộ xem xét giảm, miễn công tác và sinh hoạt Đảng”.

Cũng theo đồng chí Huỳnh Tấn Đạt, có đảng viên bị mất trí, đi lạc, gia đình đã tìm kiếm nhiều năm nhưng chưa thấy, nay gia đình đề nghị Đảng ủy cơ sở xem xét miễn đóng đảng phí cho đảng viên này nhưng gia đình lại chưa có ý định đề nghị tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết. Vậy trường hợp này có phải đóng đảng phí không?

Ngược lại, có trường hợp là đảng viên đang sống ở TP.Biên Hòa nhưng chưa nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt Đảng về Đảng bộ TP.Biên Hòa hoặc đã nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt Đảng nhưng không đến nhận hồ sơ, đến khi cơ quan công an thông báo là đảng viên này đang bị điều tra liên quan đến các vụ án thì việc tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng hoặc xóa tên đảng viên này thuộc thẩm quyền của cấp ủy nào?

Bên cạnh đó, ở Điểm 8.1, Khoản 8 trong Quy định 29-QĐ/TW ngày 25-7-2016 của Ban chấp hành Trung ương có quy định đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng hoặc không đóng đảng phí 3 tháng/năm mà không có lý do chính đáng thì bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên, do đó cần có hướng dẫn cụ thể “lý do chính đáng” là gì để cấp ủy cơ sở giải quyết.

Quy định 220-QĐ/TW ngày 27-12-2013 của Ban Bí thư về biên chế nhân sự các cơ quan tham mưu cho cấp ủy cấp huyện có quy định: Ban tổ chức cấp huyện tối đa 8 biên chế; ủy ban kiểm tra tối đa 7 biên chế. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp thực tế, vì hiện nay Đảng bộ TP.Biên Hòa có gần 22 ngàn đảng viên, chiếm gần 25% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh nhưng biên chế của Ban Tổ chức và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng giống như các địa phương chỉ có 2-3 ngàn đảng viên. Đây là một bất cập lớn, cần xem xét bổ sung biên chế cho các đơn vị đặc thù như Đảng bộ TP.Biên Hòa để Đảng bộ thành phố có điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.

Đảng bộ TP.Biên Hòa hiện có 68 tổ chức cơ sở Đảng (gồm 39 Đảng bộ và 29 chi bộ cơ sở) với tổng số gần 22 ngàn đảng viên. Trong số 39 Đảng bộ cơ sở, có 519 chi bộ trực thuộc; một số chi bộ trực thuộc có quá đông đảng viên đã phải thành lập Đảng bộ bộ phận. Bên cạnh đó, trong số gần 22 ngàn đảng viên, có gần 7 ngàn đảng viên hưu trí và mất sức; hơn 1 ngàn đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo...

Phương Hằng

Tin xem nhiều