Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay xây dựng cộng đồng dân tộc phát triển bền vững

10:11, 14/11/2019

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp khẳng định, giai đoạn 2014 - 2019, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực, chung tay chăm lo xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS),...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp khẳng định, giai đoạn 2014 - 2019, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực, chung tay chăm lo xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tạo mọi điều kiện để đồng bào DTTS có cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao bằng khen của  UBND tỉnh cho các hộ đồng bào dân tộc sản xuất kinh doanh giỏi
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao bằng khen của UBND tỉnh cho các hộ đồng bào dân tộc sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: N.Trinh

[links()]Theo đó, nhiều chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang được triển khai. Việc thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng ổn định, cải thiện và nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào DTTS, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao của tỉnh.

* Chăm lo đời sống đồng bào DTTS

Trưởng phòng Dân tộc TP.Long Khánh Đặng Thanh Hiếu cho biết, TP.Long Khánh có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đặc điểm của đồng bào DTTS trên địa bàn là sống xen kẽ, không thành khu riêng biệt nên có sự gắn bó, giao thoa, đa dạng phong phú về văn hóa, tín ngưỡng.

“Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc giai đoạn 2014-2019, cấp ủy, chính quyền các đoàn thể thành phố đã tạo mọi điều kiện để đồng bào DTTS được phát huy tốt bản sắc văn hóa truyền thống như lễ hội  Sayangva (mừng lúa mới) của dân tộc Chơro; lễ Tả tài phán (vạn nhân duyên) của dân tộc Hoa... đóng góp tích cực vào xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn” - ông Hiếu khẳng định.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp (giữa) lắng nghe chia sẻ của các đại biểu người dân tộc thiểu số tiêu biểu được tuyên dương tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ I-2018. Ảnh: V.Truyên
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp (giữa) lắng nghe chia sẻ của các đại biểu người dân tộc thiểu số tiêu biểu được tuyên dương tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ I-2018. Ảnh: V.Truyên

Các chính sách, chương trình giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường, đầu tư các công trình bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường... vùng đồng bào DTTS được thực hiện hiệu quả. Cùng với đó, việc vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS đã tiếp tục đạt kết quả, góp phần củng cố hệ thống chính trị, tình hình an ninh trật tự tại các vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.

Giai đoạn 2014-2019, tỉnh Đồng Nai đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng thực hiện các chương trình, dự án chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS. Đến nay, 100% xã có trạm truyền thanh, ấp có cụm loa truyền thanh; 99,9% tổng số hộ dân toàn tỉnh có điện; 100% hộ dân được cấp nước hợp vệ sinh; duy trì kết quả 100% đơn vị cấp xã, huyện đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS; sưu tầm lưu giữ hơn 170 hiện vật văn hóa của đồng bào DTTS...

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung nhìn nhận, cùng với việc tuyên truyền đến toàn dân thực hiện tốt cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - thường trực Quỹ Vì người nghèo tỉnh đã trích 1,5 tỷ đồng hỗ trợ Quỹ Vì người nghèo tỉnh hai huyện Tân Phú, Định Quán để triển khai đề án hỗ trợ vốn chăn nuôi, sản xuất, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời hỗ trợ 2 mô hình nuôi dê lấy sữa vùng đồng bào dân tộc tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) và Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), từng bước giúp đồng bào DTTS thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa nghèo đã và đang được duy trì. Mô hình vay vốn làm kinh tế gia đình tại xã Núi Tượng (huyện Tân Phú) đã được bà con vùng đồng bào DTTS tích cực hưởng ứng. Ông Ban Xuân Triều, Bí thư Chi bộ ấp 1 cho hay, toàn ấp hiện có 346 hộ với hơn 1,6 ngàn nhân khẩu. Giai đoạn 2014-2019, bà con ở đây vay vốn trồng cây có múi trên diện tích 760 hécta cho thu lãi khoảng 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ước tổng thu từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt trên 45 tỷ đồng. “Có điều kiện kinh tế tốt, bà con tích cực hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, đóng góp trên 40 triệu đồng, kéo điện thắp sáng hơn 3,8km các tuyến đường chính trong ấp” - ông Triều nhấn mạnh.

Là một hộ dân tộc được hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh, ông Lầu Sy Sương (dân tộc Hoa, ngụ xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) đã tổ chức sản xuất thành công mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap. Trung bình vườn bưởi của gia đình ông đạt trên 20 tấn/héc-ta/năm, thu lãi gần 900 triệu đồng...

Đó còn là mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giúp đỡ hỗ trợ người khó khăn của bà Điểu Thị Út, dân tộc Chơro tại ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Mô hình trồng điều, bưởi da xanh trên diện tích 4,5 hécta của bà đã hỗ trợ, giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động DTTS, đồng thời bà còn hỗ trợ 6 hộ vay vốn mua bò giống phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo; vận động xây tặng 2 căn nhà tình thương; vận động 150 triệu đồng lắp đèn thắp sáng 3,8km tuyến đường nông thôn mới...

* Xóa hoàn toàn ấp đặc biệt khó khăn

Theo kết quả điều tra năm 2014, toàn tỉnh có 1.884 hộ nghèo là đồng bào dân tộc, chiếm 1% số hộ DTTS và chiếm 13,7% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Đến cuối năm 2018, hộ nghèo DTTS tiếp cận đa chiều giảm còn 862 hộ, chiếm 0,46% hộ dân toàn tỉnh và 0,03% số hộ nghèo toàn tỉnh; hộ cận nghèo DTTS còn 1.447 hộ, chiếm 1,3% so với số hộ DTTS và 0,07% trong tổng số hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều toàn tỉnh.

Lễ hội cúng mừng lúa mới và uống rượu cần của đồng bào dân tộc Chơro ở TP.Long Khánh
Lễ hội cúng mừng lúa mới và uống rượu cần của đồng bào dân tộc Chơro ở TP.Long Khánh. Ảnh: N.Trinh

Phó trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Thổ Út cho biết, với nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, kinh tế vùng đồng bào DTTS có bước phát triển đáng kể. “Đặc biệt, trong công cuộc giảm nghèo, tỉnh đã xóa hoàn toàn 5 ấp đặc biệt khó khăn gồm ấp 3, ấp 7 (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) và ấp 4, ấp 7 (xã Tà Lài), ấp Bon Gõ  (xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú). Qua rà soát, đến nay Đồng Nai không còn ấp đặc biệt khó khăn ở 87/170 xã, phường, thị trấn có khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS”.

Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần vùng đồng bào DTTS được quan tâm chăm lo. Chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng đi vào thực chất, được nhân dân đồng thuận cao; tình làng nghĩa xóm, nét đẹp của truyền thống văn hóa các dân tộc được bảo tồn, phát huy hiệu quả thiết thực...

Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc được quan tâm chỉ đạo, được đồng bào DTTS tích cực hưởng ứng. Người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy vai trò nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ III-2019 diễn ra trong 2 ngày 14 và 15-11-2019. 250 đại biểu chính thức đại diện cho gần 190 ngàn người là đồng bào DTTS đang sinh sống trên địa bàn tỉnh về dự đại hội.

Đại hội sẽ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II và bàn phương hướng hoạt động cho giai đoạn tới; đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh... cùng chung tay, đoàn kết vì cộng đồng dân tộc phát tiển bền vững.

Nguyệt Trinh


Già làng Nguyễn Văn Long, dân tộc Chơro (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh): Cầu nối giữa Đảng,
chính quyền với đồng bào dân tộc

Từ năm 2012, khi tôi được tín nhiệm làm già làng của dân tộc tại địa phương, tôi luôn xác định già làng phải là người có uy tín, luôn gương mẫu, thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào DTTS. Tích cực tuyên truyền vận động để đồng bào tin theo Đảng, chính quyền, hiểu rõ chính sách, pháp luật, cảnh giác với các âm mưu của các thế lực thù địch, đoàn kết thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cùng các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống...

Bà Đinh Thị Mê (dân tộc Hrê, ngụ ấp 2, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc): Đời sống của đồng bào dân tộc chuyển biến tích cực

Tham dự Đại hội đại biểu DTTS tỉnh Đồng Nai lần thứ III-2019, tôi mong muốn đại hội tiếp tục bàn thảo nhiều giải pháp tốt để hỗ trợ, giúp đồng bào dân tộc nói chung, đồng bào DTTS ở  xã Xuân Tâm nói riêng phát triển mọi mặt, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, giữa các dân tộc và tiếp tục phát huy xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững bền.

Người dân tộc Hrê ở xã Xuân Tâm có 5 hộ với 13 người. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp từ tỉnh đến xã, đời sống mọi mặt của người dân tộc Hrê có chuyển biến tích cực. Trong đó, 4/5 hộ gia đình người dân tộc Hrê đã được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ngoài ra, con em của đồng bào được tạo điều kiện về học tập, làm việc. Người dân tộc nằm trong hộ nghèo, cận nghèo đều được hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước nên cuộc sống cũng ngày một khá lên.

V.Truyên - N.Anh - C.Tú (ghi)


 

Tin xem nhiều