Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

09:10, 14/10/2019

Mở đầu bài báo Dân vận, Bác Hồ viết: "Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại". Với tinh thần trung thực, thẳng thắn, chúng ta thấy 70 năm qua, không phải lúc nào, ở đâu cũng đã "hiểu thấu, làm dân vận đúng".

Mở đầu bài báo Dân vận, Bác Hồ viết: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Với tinh thần trung thực, thẳng thắn, chúng ta thấy 70 năm qua, không phải lúc nào, ở đâu cũng đã “hiểu thấu, làm dân vận đúng”.

Bác Hồ thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (tháng 3-1962). Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (tháng 3-1962). Ảnh: Tư liệu

* Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở...

Theo cách hiểu thông thường, dân vận là “tuyên truyền, vận động nhân dân” (Từ điển tiếng Việt, 1988, trang 267). Điều ấy không sai, nhưng chỉ là kiểu giải thích nghĩa theo từ điển. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân vận là: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Như vậy, là phải vận động toàn thể nhân dân, bởi chỉ một bộ phận, thậm chí là cả một tầng lớp, cũng chưa “góp thành lực lượng toàn dân” và không thể tạo thành “một lực lượng vô cùng to lớn”. Tư tưởng ấy xuyên suốt trong cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người quan niệm: “Việc nước là việc chung, mỗi một người con Rồng cháu Tiên, bất kỳ già, trẻ, gái, trai, giàu nghèo, quý tiện, đều phải gánh một phần”.

Lâu nay, không ít nơi đã nghĩ, dân vận là hô hào, khuyến khích dân ủng hộ, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cách nghĩ, cách làm ấy không sai, nhưng đơn giản hóa một công việc hệ trọng bậc nhất của Đảng, dẫn đến quá chú trọng hình thức, trống giong cờ mở, “chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”.

Dân vận, theo Bác Hồ, trước nhất là “phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Trong Thư gửi các đồng chí Bắc bộ, ngày 1-3-1947, Hồ Chủ tịch phê bình: “Nhiều nơi, những hình thức tuyên truyền cổ động chỉ biết kẻ khẩu hiệu, trưng cờ biển và trang hoàng nhà thông tin tuyên truyền cho đẹp, lập chòi diễn thuyết chỉ làm vì, còn hằng ngày không chịu gần gũi quần chúng để giải thích cho họ hiểu chu đáo những chủ trương của đoàn thể”. Cũng năm này, trong bài báo Người tuyên truyền và cách tuyên truyền, Bác căn dặn: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”.

Ngày nay, trong bối cảnh bùng nổ thông tin dẫn đến nhiễu động thông tin, việc “giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng” càng quan trọng và phải thật sự đổi mới, nếu không dân sẽ không theo, không làm.

Điều thứ hai của dân vận là “làm bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Kế đến, “trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”. Khi làm xong, “phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Bác Hồ đã quy trình hóa công tác Dân vận một cách chặt chẽ, rõ ràng và dễ hiểu. Quy trình này đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã trở thành phương châm: Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra. Đến năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217 về Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và sau đó là nhiều chỉ thị của Đảng và nghị định của Chính phủ về thực hiện quyền làm dân của nhân dân chính là những bước tiếp theo trong việc thực hành dân vận.

* Những “sai lầm rất to, rất có hại”

Bác Hồ nói “vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng”. Theo Người, “đó là sai lầm rất to, rất có hại”.

Trong đường lối, quan điểm của Đảng từ trước đến nay luôn nhất quán, ở nước ta, tất cả cán bộ Đảng, chính quyền hay MTTQ, các đoàn thể nhân dân đều là cán bộ của Đảng, tức là chung một hệ thống, chỉ khác nhau ở sự phân công công việc. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào, ở đâu cũng vậy. Từ đó dẫn đến suy nghĩ, dân vận là công việc của cán bộ dân vận, cán bộ Mặt trận và các đoàn thể nhân dân; cán bộ này quan trọng hơn cán bộ khác... Những câu nói trong dân gian như: “Lính Ủy ban hơn quan đoàn thể”, hoặc một “đúc kết” có vẻ chữ nghĩa hơn như: “Tiến vi Bộ (ngành của Chính phủ), thoái vi Ban (cơ quan của Đảng), tàn vi Hội (đoàn thể)” hẳn có một phần thực tế, dù là rất nhỏ. 70 năm trước, Bác Hồ cảnh báo nhiều nơi: “Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận”. Người gọi đó là “xem khinh việc dân vận”, là “khuyết điểm to”.

Hồ Chủ tịch dạy: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận”. Có điều, cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể (Đảng), cán bộ Mặt trận, đoàn thể nhân dân, cán bộ trung ương, cán bộ địa phương phải “cùng nhau bàn tính rõ ràng, cùng nhau chia công rõ rệt”, tức là trong thực hiện dân vận phải có sự phân công. Chính quyền các cấp nghiên cứu, ban hành các chính sách, cơ chế thật tốt và cán bộ chính quyền làm cho các chủ trương, chính sách ấy thể hiện đúng đường lối, chính sách, tư tưởng Đảng, đem lại hiệu quả ích nước, lợi dân đấy là nội dung quan trọng nhất của công tác Dân vận của chính quyền. Khi nghiên cứu để ban hành chính sách, chủ trương, chính quyền bàn bạc, lắng nghe ý kiến phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; khi đã có chính sách đúng, phù hợp, cơ quan và cán bộ chính quyền tổ chức điều hành việc thực hiện, giải quyết nhanh và hiệu quả các công việc liên quan trực tiếp đến dân cũng là những nội dung cốt lõi trong công tác Dân vận của chính quyền. Nếu chỉ khi có lễ hội rình rang hay xuân thu nhị kỳ mới gặp mặt dân, nói những câu thật hoa mỹ, người cán bộ dù ở cấp nào đi nữa cũng dễ rơi vào bẫy của chủ nghĩa dân túy, điều hoàn toàn xa lạ với tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh.

Hai năm trước khi viết bài báo Dân vận, nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, ngày 20-2-1947, Bác Hồ căn dặn: “Phải nhớ đoàn thể (Đảng) làm việc cho dân, đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”. Trong bài Dân vận, Người chỉ rõ: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. 

Huấn luyện cán bộ, Bác Hồ đặc biệt chú trọng đến việc “làm gương cho dân”. Người nói, “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Vì thế, “phải thật thà nhúng tay vào việc”, nhưng trước đó, phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe”, tức là có hiểu biết, có kiến thức, cả về lý luận lẫn thực tiễn. Cán bộ, nếu “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” sẽ là những “quan cách mạng“, nhưng óc không chịu nghĩ, mắt không chịu trông, tai không chịu nghe lại dễ dẫn đến làm bừa, thậm chí làm hại cho dân, cho nước.

Cũng tại buổi nói chuyện ở Thanh Hóa, Hồ Chủ tịch dặn dò cán bộ: “Trước hết, phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau. Có việc địa phương này làm có lợi nhưng hại cho địa phương khác… Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát do d”.

Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận, theo chủ trương của Trung ương, cả hệ thống chính trị nước ta cùng học lại để thực hành đúng tư tưởng dân vận của Người. Đấy cũng là mong muốn và ước nguyện của Bác Hồ, bởi “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Bùi Quang Huy

 

 

Tin xem nhiều