Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẻ vang Công đoàn Việt Nam

09:07, 15/07/2019

Giữa thế kỷ 19, trước sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp đối với giai cấp công nhân, các tổ chức Công hội đỏ ở cơ sở lần lượt ra đời nhằm tập hợp công nhân, chuyển hướng từ đấu tranh tự phát sang tự giác.

Giữa thế kỷ 19, trước sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp đối với giai cấp công nhân, các tổ chức Công hội đỏ ở cơ sở lần lượt ra đời nhằm tập hợp công nhân, chuyển hướng từ đấu tranh tự phát sang tự giác.

Ông Nguyễn Đình Thắng, nguyên Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh các khóa IV, V, VI (bên phải) ôn lại những kỷ niệm của tổ chức Công đoàn với cán bộ Công đoàn đang công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh. Ảnh: H.DUNG
Ông Nguyễn Đình Thắng, nguyên Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh các khóa IV, V, VI (bên phải) ôn lại những kỷ niệm của tổ chức Công đoàn với cán bộ Công đoàn đang công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh. Ảnh: H.DUNG

Ngày 28-7-1929, tại Hà Nội, hội nghị đại biểu Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất được tổ chức. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu là người phụ trách. Đây cũng chính là tổ chức tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay. Qua 90 năm, tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, phát triển của đất nước.

* Vượt qua mọi gian khó

Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ được thành lập có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Đó vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất lượng của phong trào công nhân Việt Nam, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tổ chức của phong trào công nhân Việt Nam. Việc thành lập tổ chức Công đoàn đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào cộng sản công nhân quốc tế.

Tuy nhiên, những năm sau đó, tổ chức Công hội Đỏ gặp rất nhiều khó khăn, phải nhiều lần đổi tên và chuyển sang hoạt động bán công khai rồi bí mật. Sau Cách mạng Tháng Tám, Công đoàn đã tổ chức, vận động công nhân lao động tham gia bảo vệ chính quyền, xây dựng cơ sở sản xuất, kịp thời chế tạo, sửa chữa vũ khí cung cấp cho các lực lượng vũ trang.

Tính đến nay, sau 10 lần đại hội, tổ chức Công đoàn Đồng Nai có hơn 2,9 ngàn Công đoàn cơ sở với 727,1 ngàn đoàn viên/768,6 ngàn người lao động. Tỷ lệ tập hợp đoàn viên đạt 94,6%.

Từ ngày 1 đến 15-1-1950, tại tỉnh Thái Nguyên, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức. Lúc này, tổ chức Công đoàn có hơn 241,7 ngàn đoàn viên. Mục tiêu mà đại hội đề ra là: “Động viên công nhân viên chức cả nước, nhất là công nhân ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi”.

Tại đại hội, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng thư ký.

Từ đó trở đi, tổ chức Công đoàn đã tích cực vận động giai cấp công nhân cùng giai cấp nông dân xây dựng khối liên minh công nông vững chắc, làm nòng cốt xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

Trải qua 12 lần đại hội, đến nay tổ chức Công đoàn Việt Nam có hơn 10 triệu đoàn viên, không chỉ là nơi tập hợp đội ngũ công nhân mà còn tập hợp đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau từ Trung ương đến địa phương.

Với mục tiêu “lấy người lao động làm trung tâm, vì lợi ích đoàn viên”, những năm gần đây, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

* Công đoàn Đồng Nai ngày càng lớn mạnh

Cùng với cả nước, giai cấp công nhân ở Biên Hòa cũng được hình thành từ rất sớm và chịu sự áp bức, bóc lột dã man của thực dân Pháp. Trong giai đoạn lịch sử khó khăn nhất của thời kỳ đầu cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân ở Biên Hòa vừa là lực lượng bảo vệ cán bộ cách mạng, vừa tham gia đấu tranh tại các nhà máy, đồn điền cao su, tạo được tiếng vang lớn.

Trong cuốn sách Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Tổ chức Công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Giai cấp công nhân ở Biên Hòa ngày càng phát triển lớn mạnh cả về số lượng lẫn tay nghề và ý thức giác ngộ cách mạng. Những năm kháng chiến chống Mỹ sau đó, phong trào công nhân ở Biên Hòa tiếp tục diễn ra sôi nổi, hiệu quả.

Tháng 1-1976, tỉnh Đồng Nai được thành lập trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh và Tân Phú. Liên hiệp Công đoàn tỉnh Đồng Nai chính thức ra đời.

Trước tình trạng thiếu hụt nguyên, nhiên, vật liệu để sản xuất và nhiều máy móc bị hư hỏng nặng sau chiến tranh, tổ chức Công đoàn Đồng Nai phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh phát động trong công nhân lao động các phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, sáng tạo để khôi phục và ổn định sản xuất. Đông đảo công nhân lao động đã tích cực hưởng ứng và đem lại những kết quả đáng mừng. Năng suất lao động ngày càng tăng, nhiều nhà máy, xí nghiệp tìm được nguồn nguyên, nhiên vật liệu để sản xuất hàng hóa.

Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Đồng Nai khóa I được tổ chức vào tháng 7-1977. Lúc này, toàn tỉnh có 156 Công đoàn cơ sở với gần 19,4 ngàn đoàn viên/51,4 ngàn người lao động, tỷ lệ tập hợp đạt 37,7%. Tại đại hội, đồng chí Huỳnh Thị Phượng, Tỉnh ủy viên được bầu giữ chức vụ Thư ký.

Từ đó đến nay, Công đoàn Đồng Nai đã có sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt. Không chỉ góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn góp phần công sức không nhỏ trong tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung.

* Chỗ dựa vững chắc của người lao động

Nhớ lại thời kỳ đầu của tổ chức Công đoàn Đồng Nai, bà Huỳnh Thị Phượng, nguyên Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Đồng Nai khóa I chia sẻ, trong thời kỳ bao cấp, tiền lương của công nhân còn thấp, chưa đảm bảo cuộc sống. Là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi người lao động, Công đoàn đã tham gia đóng góp ý kiến về việc tăng cấp định lượng các mặt hàng thiết yếu như: nước mắm, đường, muối, vải cho cá nhân và tăng định lượng gạo, thịt, cá, rau sống cho tập thể để đảm bảo sức khỏe cho công nhân làm việc. Công đoàn tham gia ý kiến về việc bù giá vào lương để rút ngắn chênh lệch với giá thương nghiệp…

Với ông Nguyễn Việt Trân, nguyên Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Biên Hòa (giai đoạn năm 1975), nguyên Thư ký Liên hiệp Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa, điều ông tâm đắc nhất ở tổ chức Công đoàn là Công đoàn đã kịp thời phối hợp phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất trong công nhân.

Những cán bộ Công đoàn cơ sở đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn năm 2018 được lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên dương, khen thưởng.
Những cán bộ Công đoàn cơ sở đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn năm 2018 được lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên dương, khen thưởng.

Qua các phong trào thi đua đã đem đến nhiều kết quả đáng mừng. Đó là nhà xưởng, máy móc hoạt động trở lại cho năng suất cao hơn. Nhiều chủ xí nghiệp, nhà máy cũng được tuyên truyền nên dám nghĩ, dám làm, có những chính sách thúc đẩy công nhân lao động hăng say sản xuất,

Còn ông Nguyễn Đình Thắng, nguyên Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh các khóa IV, V, VI thì cho rằng, sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và giai cấp công nhân Đồng Nai nói riêng luôn gắn liền với sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn.

Từ đầu thời kỳ đổi mới đến nay, tổ chức Công đoàn ở Đồng Nai luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động, chăm lo cho công nhân lao động. Để tập hợp đông đảo công nhân lao động tin tưởng và tự nguyện tham gia tổ chức Công đoàn, các cán bộ Công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều cách làm hay nhằm tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chức năng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn để người lao động hiểu và tham gia.

Đồng thời, các Công đoàn cơ sở cũng tham gia thương lượng, thỏa thuận với chủ công ty, doanh nghiệp xây dựng các bản thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho công nhân lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp hài hòa, ổn định, vừa có lợi cho cả chủ doanh nghiệp và cả người lao động.

“Bản thân tôi luôn cảm thấy tự hào vì mình là một cán bộ Công đoàn Việt Nam, góp một phần công sức nhỏ bé vào sự phát triển chung của tổ chức Công đoàn nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung” - ông Nguyễn Đình Thắng bộc bạch.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều