Báo Đồng Nai điện tử
En

Lợi ích dịch vụ công trực tuyến

09:05, 26/05/2019

Dịch vụ công trực tuyến đang dần trở thành hình thức giao dịch phổ biến giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính.

Dịch vụ công trực tuyến đang dần trở thành hình thức giao dịch phổ biến giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa huyện Long Thành
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa huyện Long Thành

Dịch vụ này giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp, còn cơ quan nhà nước sẽ giảm được thời gian phục vụ, chi phi in ấn và bảo quản hồ sơ đồng thời nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả.

* Tiện lợi cho người dân

Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết, dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.

Theo Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2019, trung tâm đã xử lý thành công trên 2.800 hồ sơ thủ tục hành chính thông qua hình thức dịch vụ công trực tuyến, tăng 10% so với cùng kỳ. Nhiều sở, ngành có tỷ lệ giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến đạt trên 90%.

Dịch vụ này có 4 mức độ khác nhau. Ở mức độ 1 đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời hạn, phí và lệ phí thực hiện dịch vụ thông qua môi trường mạng. Mức độ 2 được nâng cấp cao hơn cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Cả 2 hình thức này đã khá dễ dàng thực hiện với người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, ở mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Hình thức giao dịch này đã được nhiều sở, ngành của tỉnh đạt đến. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Còn đối với mức độ 4 cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh từ tháng 2-2018 đã đưa vào áp dụng hình thức dịch vụ công trực tuyến khi cấp đổi hộ chiếu cho người dân. Theo đó, người dân có thể lên mạng tải tờ khai, điền thông tin, đặt lịch hẹn sau đó mang đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện các bước tiếp theo.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Phương Lan cho hay, 2 năm trước Sở Ngoại vụ loay hoay chuyện làm thế nào để người dân biết và sử dụng đến dịch vụ công trực tuyến mà Sở cung cấp. Thay vì người dân đến trực tiếp tại Sở giải quyết thủ tục thì có thể lên mạng xử lý, kết quả của thủ tục người dân cần có thể gửi về tận nhà thông qua bưu điện. “Điều đáng mừng là đến nay đã có đến 90% hồ sơ của người dân và doanh nghiệp được cung cấp qua dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3” - bà Lan cho biết.

* Cần có nhiều “công dân số”

Hiện nay, Sở GD-ĐT đã cung cấp đến 17 dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 1 đến mức độ 3. Theo đó, người dân có thể lên mạng tìm hiểu các thông tin về thủ tục hành chính mình cần giải quyết, tải các biểu mẫu hồ sơ để điền trực tiếp và gửi về Sở hoặc có thể điền trực tuyến và tải các hồ sơ giấy tờ liên quan lên hệ thống. Hồ sơ sẽ được cán bộ của sở xử lý và trả qua đường bưu điện. Với việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã giảm đáng kể thời gian đi lại, chờ đợi cho người dân.

Cán bộ Sở Nội vụ hướng dẫn nhập dữ liệu xử lý hồ sơ trực tuyến của người dân tại xã Lộ 25 (huyện Trảng Bom).
Cán bộ Sở Nội vụ hướng dẫn nhập dữ liệu xử lý hồ sơ trực tuyến của người dân tại xã Lộ 25 (huyện Trảng Bom).

Chị Đặng Thị Thu Phương (ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) cho biết, bị thất lạc bằng tốt nghiệp THPT, chị đã làm thủ tục yêu cầu cấp bản sao bằng tốt nghiệp THPT một cách khá thuận tiện khi đăng ký tài khoản trên website dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. “Dịch vụ công có nhiều thuận tiện, vì không phải tốn thời gian đi lại, quy trình các bước tiến hành điền hồ sơ nhanh gọn, tốc độ xử lý của phần mềm khá tốt nên tôi không gặp khó khăn gì. Chỉ mất 3 ngày tôi đã nhận được kết quả gửi về tận nhà” - chị Phương nói.

Theo Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai, sau một thời gian các sở, ngành cử cán bộ trực tiếp đến trung tâm để tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của người dân và doanh nghiệp, đến nay một số sở như: Ngoại vụ, Văn hóa - thể thao và du lịch, Khoa học - công nghệ... đã “rút” cán bộ trở lại. Một trong những nguyên nhân chính là những lĩnh vực này lượng hồ sơ tương đối thấp. Hơn nữa tỷ lệ người dân xử lý hồ sơ trực tuyến đạt trên 90%, do đó tiết kiệm được nhân lực cho đơn vị.

Văn phòng UBND tỉnh cho hay đến nay đã có 1.935 hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến các sở, ngành đã được niêm yết công khai trên trang dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Người dân ngồi ở nhà vẫn có thể vào truy cập để tải các biểu mẫu về và điền sẵn thông tin ở nhà trước khi đến cơ quan nhà nước thực hiện giao dịch. Nếu người dân có kỹ năng công nghệ thông tin tốt có thể giao dịch trực tiếp hoàn toàn trên mạng mà không nhất thiết phải đi lại nhiều lần để giải quyết hồ sơ mà vẫn hoàn thành được thủ tục.

Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh TRẦN VĂN VĨNH cho biết, cải cách hành chính tốt sẽ mang lại những động lực lớn có tính đột phá thực sự cho kinh tế, lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào chính quyền. Do đó, cần phải có những hình thức cải cách hành chính mạnh hơn nữa, trong đó các sở, ngành đều phải nâng cao tỷ lệ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Khi ngày càng có nhiều giao dịch hành chính công được cung cấp trực tuyến quá trình xây dựng Chính phủ điện tử của tỉnh sẽ thúc đẩy nhanh hơn.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều