Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng hành cùng lao động khuyết tật

10:11, 16/11/2018

Thời gian qua, bằng trách nhiệm xã hội của mình, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đã tiếp nhận hàng ngàn người lao động khuyết tật vào làm việc.

Thời gian qua, bằng trách nhiệm xã hội của mình, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đã tiếp nhận hàng ngàn người lao động khuyết tật vào làm việc.

Người lao động khuyết tật tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức.
Người lao động khuyết tật tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức.

Qua đó giúp lao động khuyết tật có thu nhập ổn định, hòa nhập với cộng đồng và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

* Tạo mọi điều kiện thuận lợi

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, toàn tỉnh hiện có khoảng 100 doanh nghiệp nhận lao động khuyết tật vào làm việc. Trong đó, các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài nhận nhiều lao động khuyết tật như: Công ty TNHH Fashion Garments (Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2), Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (KCN Biên Hòa 2), Công ty TNHH Unipax (KCN Amata), Công ty TNHH Sanlim Furniture Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), Công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom)…

Từ năm 2016 đến nay, có 450 lao động khuyết tật được hỗ trợ học nghề từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các trường, trung tâm dạy nghề; hơn 90 lao động khuyết tật được đào tạo nghề từ nguồn kinh phí hỗ trợ lao động khuyết tật học nghề của tỉnh. Các nghề phổ biến là: massage, may công nghiệp, chăn nuôi gia cầm và một số nghề thủ công khác.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam Đặng Tuấn Tú cho hay, công ty hiện đang sử dụng 335 lao động khuyết tật. Những lao động này có điểm mạnh là chăm chỉ, tính kỷ luật cao và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Còn tại Công ty TNHH Sanlim Furniture Việt Nam đến nay có 40 lao động khuyết tật đang làm việc. Mức thu nhập của những lao động này dao động từ 4,8-6,3 triệu đồng/tháng.

Cũng nổi tiếng với việc thường xuyên tuyển, tiếp nhận lao động khuyết tật vào làm việc là Công ty TNHH Fashion Garments (KCN Biên Hòa 2). Bà Nguyễn Thị Ngoan, Trưởng phòng Nhân sự công ty cho biết, đến nay công ty có khoảng 40 lao động khuyết tật. Hầu hết số đó đều là lao động nữ. Họ được bố trí các vị trí như: may, cắt chỉ và những công việc phụ khác…

“Trừ những lao động bị khiếm thị, còn lại những lao động khuyết tật dạng khác nếu có đủ điều kiện sức khỏe và đáp ứng được yêu cầu công việc thì công ty đều nhận. Để người lao động thích ứng với công việc, công ty sẽ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn để người lao động nắm được những kiến thức cơ bản về công việc, nội quy công ty… và bắt tay vào làm việc” - bà Ngoan cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, cán bộ Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Fashion Garments, người lao động khuyết tật được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi như những lao động bình thường, thậm chí có phần ưu ái hơn. Lao động khuyết tật được khám sức khỏe định kỳ, được tham gia các chương trình, ngày hội do Công đoàn, công ty tổ chức, được đi du lịch hằng năm…

* Hướng tới cộng đồng tốt đẹp

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn Minh, công nhân Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial cho biết, cách đây hơn 10 năm, ông được nhận vào làm việc tại công ty, sau đó gặp và kết hôn với vợ ông bây giờ cũng là người khuyết tật. Nhờ có công ăn việc làm và thu nhập khá mà đến nay cuộc sống gia đình ông ổn định. Không những thế, con ông còn được học tại Trường mầm non tư thục Thái Quang - trường mầm non do công ty đầu tư xây dựng với mức học phí rất thấp.

Người lao động khuyết tật (nam, ngồi) của Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial được lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo công ty, Công đoàn cơ sở thăm hỏi ngay tại xưởng sản xuất.
Người lao động khuyết tật (nam, ngồi) của Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial được lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo công ty, Công đoàn cơ sở thăm hỏi ngay tại xưởng sản xuất.

“Vào những dịp lễ, tết, những lao động khuyết tật như tôi đều được ưu tiên trao tặng quà. Năm 2017, trong lần Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào thăm công ty, tôi cũng được lựa chọn là một trong số những lao động được Thủ tướng tặng quà. Tôi rất vui trước sự quan tâm đó và cảm thấy đây là động lực để bản thân không ngừng phấn đấu hơn nữa” - ông Tuấn Minh chia sẻ.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial Đinh Sỹ Phúc cho hay, công ty hiện có hơn 300 người lao động khuyết tật. Thu nhập bình quân của người lao động khuyết tật khoảng 7 triệu đồng/tháng. Để người khuyết tật có được việc làm, Công đoàn đã thuyết phục người sử dụng lao động có trách nhiệm nhận những lao động còn khả năng lao động vào làm việc. Đồng thời  ký kết thỏa ước với chủ doanh nghiệp nhằm chăm lo cho đối tượng này. Theo đó, người lao động được bố trí những công việc phù hợp với dạng khuyết tật, phần lớn được bố trí vào các khâu đơn giản như: dán tem, ép tem, buộc dây giày, đóng hộp. Ngoài ra, hằng ngày lao động khuyết tật còn được nghỉ trước 1 giờ làm việc nhưng vẫn hưởng nguyên lương.

“Không chỉ tạo việc làm, Công đoàn còn “se duyên” cho nhiều đôi lao động khuyết tật đến với nhau. Khi họ đã lập gia đình, công ty lại bố trí cho họ làm gần nhau để giúp đỡ nhau hoàn thành công việc.  Con của lao động khuyết tật cũng được ưu tiên gửi ở nhà trẻ do công ty xây dựng. Ngoài ra, những cháu có thành tích học tập tốt được Công đoàn và công ty tổ chức khen thưởng hằng năm” - ông Phúc cho hay.

Không có quy định nào bắt buộc các doanh nghiệp phải nhận lao động khuyết tật vào làm việc, tuy nhiên bằng trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, các doanh nghiệp đã góp phần cùng xã hội nâng đỡ lao động khuyết tật, giúp họ vượt qua rào cản của bản thân, vươn lên làm chủ cuộc sống.

“Ngoài vấn đề lợi nhuận kinh doanh, công ty luôn chú trọng đến trách nhiệm xã hội, gắn bó với cộng đồng tại địa phương bằng những việc làm thiết thực. Qua đó, góp phần giảm bớt gánh nặng cho các gia đình, ổn định tình hình an sinh xã hội tại địa phương” - bà Nguyễn Thị Ngoan, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Fashion Garments bộc bạch.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều