Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân làm chủ

10:09, 19/09/2018

Nhiệm kỳ 2013-2018, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển, trong đó đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhiệm kỳ 2013-2018, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển, trong đó đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ông Trần Thụy Nguyên (xã Xuân Tân, TX.Long Khánh) giới thiệu vườn trái cây đặc sản cho thu nhập cao.
Ông Trần Thụy Nguyên (xã Xuân Tân, TX.Long Khánh) giới thiệu vườn trái cây đặc sản cho thu nhập cao.

Đến cuối nhiệm kỳ, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 47,6 triệu đồng/người/năm, cao gần gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh đã phát huy vai trò là cầu nối hỗ trợ nông dân trong sản xuất - kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật...

* Ngày càng nhiều “tỷ phú nông dân”

Toàn tỉnh có 158/171 phường, xã có tổ chức Hội Nông dân với 861 chi hội và 4.870 tổ hội. Đến cuối năm 2017, Hội Nông dân tỉnh có 152.461 hội viên; trong đó, hội viên nòng cốt chiếm 36,6%. Trong nhiệm kỳ Hội kết nạp mới được 39.589 hội viên. Theo kết quả phân loại hội viên, toàn tỉnh có trên 62 ngàn hội viên đạt hội viên xuất sắc; gần 43 ngàn hội viên đạt loại khá.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ... Các “tỷ phú nông dân” xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng quê.

Ông Trần Thụy Nguyên (ngụ tại ấp Nông Doanh, xã Xuân Tân, TX.Long Khánh) là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2012-2016, 2 năm liền là nông dân giỏi cấp trung ương. Ông là người tiên phong trong chuyển đổi giống mới tại địa phương khi quyết định bỏ vườn cà phê già cỗi sang trồng giống sầu riêng hạt lép Ri6 và Monthong. Theo lời ông Nguyên, cách đây hơn 10 năm, gia đình ông phải quyết tâm rất lớn trong việc chuyển đổi cây trồng giống mới vì hầu hết số tiền đầu tư đều từ nguồn vốn đi vay. Thời gian đầu chuyển đổi cũng rất gian nan, kinh nghiệm chăm sóc cây sầu riêng chưa nhiều nên ông gặp khó khăn khi cây trồng xảy ra dịch bệnh.

Ông Nguyên kể: “Tôi không chỉ học hỏi từ những nhà vườn giàu kinh nghiệm, từ thực tế sản xuất mà ở đâu có lớp tập huấn về cây sầu riêng, tôi đều tham gia. Nhờ đó, tôi tiếp cận được những kiến thức, kỹ thuật mới trong sản xuất”. Ông còn đầu tư thêm trại nuôi heo để vừa tăng thêm thu nhập, vừa tạo ra nguồn phân chuồng bón cho vườn cây để giảm chi phí đầu tư. Vườn sầu riêng xen canh măng cụt của ông phát triển xanh tốt, luôn đạt năng suất cao nên được công nhận là “Vườn cây kiểu mẫu thị xã Long Khánh năm 2018”.

Ông Thổ Hùng (người dân tộc Chơro tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) khoe con bò giống đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Thổ Hùng (người dân tộc Chơro tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) khoe con bò giống đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Cũng từ bước khởi đầu khó khăn chỉ với vài triệu đồng tiền vốn đầu tư nuôi gà, ông Lâm Thanh Đức trở thành chủ của một trong số ít những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi với quy mô lớn tại Đồng Nai. Hiện Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) đầu tư dây chuyền khép kín, tự động với công nghệ hiện đại từ khâu nuôi gà đến thu hoạch, xử lý trứng. Doanh nghiệp còn đầu tư dây chuyền hiện đại sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn chất thải chăn nuôi; là chủ dự án cánh đồng lớn sản xuất gạo hữu cơ.

Theo ông Đức: “Chúng tôi đang triển khai dự án đầu tư chế biến sâu làm các dòng sản phẩm trứng ăn liền, bột trứng... với vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Mục tiêu vừa đa dạng sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa, vừa mở rộng kênh xuất khẩu vào những thị trường khó tính”.

Nhiệm kỳ 2013-2018, toàn tỉnh có gần 125,6 ngàn lượt hộ đăng ký trở thành nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, gần 33 ngàn lượt hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp cơ sở và trên 1,7 ngàn lượt hộ giỏi cấp tỉnh, cấp trung ương. Phần lớn các hộ giữ vững danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi nhiều năm liền.

Ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhận xét: “Trong nhiệm kỳ, số hộ đăng ký và đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi tăng khoảng 12 ngàn hộ so với nhiệm kỳ trước. Từ phong trào, gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi được nhân rộng với nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Số hộ có mức thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên cao gấp 2,8 lần so với giai đoạn trước”.

* Hội là cầu nối

Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, Hội Nông dân tỉnh đã vận động gần 17 ngàn lượt hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, hộ khá giàu đóng góp trên 2,6 tỷ đồng; trên 58 ngàn cây, con giống; hàng chục tấn phân bón và lương thực... hỗ trợ cho các hộ nông dân nghèo. Ngoài hình thức giúp về vốn, giống, ngày công lao động, các thành viên trong Hội còn hỗ trợ nhau kỹ thuật sản xuất, cách làm ăn...

Trong nhiệm kỳ 2013-2018, Hội Nông dân tỉnh vận động giúp đỡ trên 1,9 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo về giống cây trồng, vật nuôi; cho vay tiền không lãi, cho mượn đất sản xuất và hợp đồng mua phân bón trả chậm... trị giá hàng chục tỷ đồng.

Ông Thổ Chuột là một trong những hộ dân tộc nghèo tại xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) được hỗ trợ một phần vốn để mua bò giống về nuôi. Sau gần 4 năm, từ 1 con bò giống đầu tiên, gia đình ông có được đàn bò 5 con.

Ông Thổ Chuột cho biết: “Đây là một tài sản quá lớn với gia đình tôi. Trước đây, thu nhập của gia đình chỉ dựa vào vài sào ruộng của cha mẹ và làm thuê làm mướn thêm. Vợ chồng tôi có 4 con nhỏ nên rất khó khăn. Giờ có đàn bò, bò cái tôi để lại nuôi, con đực tôi nuôi lớn rồi bán đi để cho con có tiền ăn học”.

Bà Thị Đường, một hộ nông dân nghèo cùng xã Xuân Thạnh được hỗ trợ vốn nuôi dê khoe với cán bộ Hội Nông dân xã: “Tôi vừa bán 2 con dê đực để có tiền sửa lại căn bếp. Con dê bầu tui để lại gầy giống. Lứa trước đó nhờ tiền bán dê tôi mới trả được 10 triệu đồng nợ ngân hàng”. 

Theo ông Đoàn Văn Tuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thạnh, toàn xã có 47 hộ người dân tộc Chơro. Các hộ dân đều có cuộc sống khó khăn vì đa số không có đất sản xuất, nhà nào nhiều cũng chỉ có vài sào ruộng nên mô hình chăn nuôi rất phù hợp. Nhờ đồng vốn hỗ trợ từ nhiều nguồn, bà con dân tộc Chơro mới mạnh dạn mua bò, mua dê về nuôi. Cả làng chỉ mất vài công lao động để dẫn bò, dê đi chăn thả nên các hộ dân vẫn có thời gian làm vườn hoặc làm thuê làm mướn thêm.

“Chiều về, đàn bò, đàn dê nuôi thả được lùa về làng đông vui lắm. Từ vài con giống đầu tiên, có nhà đã gầy dựng được cả đàn hàng chục con. Cuộc sống của người dân từ cảnh nợ nần, túng thiếu đã dần khá lên” - ông Tuyên nói.  

Bà Hồ Thị Mai Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Tân (TX.Long Khánh) cho biết, ở địa phương không thiếu những nông dân hết lòng với công tác Hội. Như ông Trần Thụy Nguyên từ nông dân trở thành Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Nông Doanh. Ông thành lập một đội lao động chuyên cung cấp các dịch vụ về nông nghiệp, như: lắp hệ thống tưới tiết kiệm, dịch vụ phun thuốc, xử lý vườn cây dịch bệnh, thu mua nông sản cho nông dân...

Theo bà Thủy: “Chính nhờ đội ngũ cán bộ Hội cơ sở năng nổ, nhiệt tình này mà Hội Nông dân thật sự trở thành cầu nối giúp nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới; tiếp cận được những nguồn quỹ, nguồn vốn hỗ trợ...khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi giống mới cho thu nhập cao hơn”.

Bà Ngô Thị Hương Thoa, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Trảng Bom cũng là một cán bộ Hội làm cầu nối giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay. Bà Thoa cho biết: “Tính đến nay, toàn huyện có 7.450 khách hàng vay 1.340 tỷ đồng theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thông qua tổ chức Hội Nông dân huyện, trên 3,8 ngàn lượt hộ được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ hơn 91 tỷ đồng. Ngoài ra, có 278 hộ nông dân được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số vốn trên 6 tỷ đồng”.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều