Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác Hồ trong tim mỗi người

11:09, 10/09/2017

Đó là chia sẻ của vợ chồng đảng viên lão thành có tổng cộng 138 năm tuổi Đảng Tô Thị Long và Trần Xuân Dương (ngụ ấp Hương Phước, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) khi nói về việc thờ di ảnh của Bác Hồ...

Đó là chia sẻ của vợ chồng đảng viên lão thành có tổng cộng 138 năm tuổi Đảng Tô Thị Long và Trần Xuân Dương (ngụ ấp Hương Phước, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) khi nói về việc thờ di ảnh của Bác Hồ để tưởng nhớ như những người ruột thịt đã mất của gia đình.

Già làng Thổ Khuyển (ngụ tại xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) dâng hương lên Bác Hồ tại bàn thờ lập ở nhà.
Già làng Thổ Khuyển (ngụ tại xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) dâng hương lên Bác Hồ tại bàn thờ lập ở nhà.

Tình cảm, lòng biết ơn với Bác Hồ không chỉ được vợ chồng ông bà ghi nhớ mà lan tỏa đến con cháu trong gia đình.

* Từ những bàn thờ hiện hữu…

Ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đồng Nai, cho biết qua tìm hiểu thực tế từ cộng đồng, tại Đồng Nai có khá nhiều gia đình giữ di ảnh, lập bàn thờ Bác Hồ tại nhà và xem Bác như một người thân đã mất của gia đình. Việc làm này không mang ý nghĩa tôn giáo, tâm linh mà thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với người có công với dân, với nước, với gia đình.

Ở cách đó hơn 50km, tại xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất), gia đình già làng Thổ Khuyển đang cùng nhau lau chùi di ảnh của Bác, bàn thờ và sắp xếp trái cây, hoa thơm để chuẩn bị kỷ niệm 48 năm ngày mất của Bác Hồ.

Theo già làng Thổ Khuyển, nhờ có Bác Hồ, có Đảng, Nhà nước mà đời sống của đồng bào Chơro đã có nhiều đổi thay tích cực: có nhà kiên cố để ở, làm nông thì có máy tưới nước, máy phun thuốc, đường sá đi lại sạch đẹp, xe máy chạy bon bon trên đường, con cháu trong cộng đồng được đi học. Đồng bào được đối xử bình đẳng như bao dân tộc khác.

Vậy nên, không riêng gì ngày mất của Bác mà mỗi khi tết đến, các nghi thức thờ cúng gia tiên cũng được gia đình già làng Thổ Khuyển thực hiện với Bác một cách thành kính. Trong những dịp này, bà con hàng xóm cũng tìm đến với gia đình già làng để thắp nhang cho Bác và cùng nhau họp mặt cộng đồng.

Cách đó không xa, bà Ngô Thị Sáu (ngụ ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) cứ khoảng 18 giờ hàng ngày bà đều đặn thực hiện việc dâng hương lên Bác Hồ và những người thân đã mất của gia đình như một nét sinh hoạt truyền thống.

Theo bà Sáu, việc lập bàn thờ Bác trang trọng ngay tại nhà xuất phát từ chính tình cảm của gia đình dành cho Bác. “Kính mến Bác, quý Bác như người thân của gia đình nên tôi lập bàn thờ Bác ở nhà để tỏ lòng thành kính” - bà Sáu cho hay.

Đó chỉ là chia sẻ, tình cảm của 3 trong số rất nhiều gia đình tại Đồng Nai có lưu giữ di ảnh, lập bàn thờ Bác Hồ trong gia đình.

Bên cạnh việc làm đầy ý nghĩa của mỗi gia đình, hàng năm đúng ngày giỗ Bác (21-7 âm lịch) lãnh đạo tỉnh, các tầng lớp nhân dân, ban quý tế, ban trị sự, ban quản lý các đình đền trong tỉnh lại tề tựu đông đủ về Văn miếu Trấn Biên để dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ.

Theo ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, lễ tưởng niệm ngày mất của Bác được thực hiện theo nghi thức dân gian Nam bộ do ban quý tế các đình, đền tại TP.Biên Hòa thực hiện ngay tại Nhà bái đường - nơi có gian thờ đặt tượng chân dung Bác.

Bên cạnh đó, các hoạt động như: thi trưng bày mâm ngũ quả tại bàn thờ, khám thờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh; triển lãm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu diễn ca múa nhạc tưởng nhớ Bác Hồ... cũng được thực hiện.

* ... đến những bàn thờ Bác Hồ trong tâm

Bên cạnh những bàn thờ của Bác hiện hữu trong mỗi gia đình, ở đình, đền, di tích văn hóa - lịch sử... còn đó rất nhiều những bàn thờ Bác trong tâm tưởng của mỗi người dân Đồng Nai. Trong dịp nghỉ lễ 2-9 vừa qua, rất đông người dân các nơi, nhất là đoàn viên thanh niên, học sinh các trường trên địa bàn tỉnh tìm đến Văn miếu Trấn Biên để thành kính dâng hương lên Bác Hồ.

“Khi em lớn lên chỉ được nghe kể những câu chuyện về Bác Hồ. Nhờ có Bác mà đất nước có ngày hôm nay, để những thanh niên như em được sống trong hòa bình, được cắp sách đến trường. Vậy nên dù là ngày nghỉ lễ, nhưng em cùng nhiều bạn học khác đã hẹn nhau đến dâng hương lên Bác Hồ tại văn miếu đúng sáng 2-9, ngày mà cách đây 72 năm, tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”- nữ sinh Trường đại học Đồng Nai Nguyễn Phương Thảo chia sẻ.

Đối với ông Nguyễn Gia Lộc (xã Gia Canh, huyện Định Quán), hình ảnh về Bác Hồ luôn trong tâm trí của người cựu chiến binh này: “Tôi may mắn và cũng là niềm tự hào vì từng vinh dự là một trong những chiến sĩ được tuyển chọn để xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1973. Những ngày đó ngoài trách nhiệm được giao, bất kỳ ai cũng lao động vì cái tâm của mỗi người hướng về Bác. Sau này khi công trình hoàn thành và tôi chuyển vào Nam sinh sống, mỗi khi tết đến xuân về, những cựu chiến binh như tôi khi có dịp họp mặt đều cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, câu nói của Bác với lòng kính yêu, dặn lòng cố gắng noi theo”.

Văn Truyên

Tin xem nhiều