Báo Đồng Nai điện tử
En

Điểm sáng về hoạt động Đoàn trong doanh nghiệp

09:05, 07/05/2017

Thành lập tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp đã khó, duy trì hoạt động Đoàn trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân lại càng khó khăn hơn.

Thành lập tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp đã khó, duy trì hoạt động Đoàn trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân lại càng khó khăn hơn.

Anh Lê Hùng Mạnh (bên trái), Giám đốc, Bí thư Chi đoàn Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Hùng Cường cùng làm việc với đoàn viên thanh niên.
Anh Lê Hùng Mạnh (bên trái), Giám đốc, Bí thư Chi đoàn Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Hùng Cường cùng làm việc với đoàn viên thanh niên.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều cơ sở Đoàn trong doanh nghiệp ở huyện Trảng Bom bằng việc bố trí thời gian sinh hoạt phù hợp, duy trì các mô hình thiết thực đã tạo được sức hút mạnh mẽ đối với đoàn viên, thanh niên.

* Uyển chuyển trong hoạt động

Huyện Trảng Bom hiện có 17 tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp với trên 400 đoàn viên. Hàng năm, Huyện đoàn được giao chỉ tiêu phát triển 5 tổ chức Đoàn, 3 tổ chức Hội trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Con số này không lớn, nhưng để đạt chỉ tiêu cũng “toát mồ hôi”.

Cách đây 2 năm, anh Làu Du Tiến, Bí thư Chi đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo), kiến nghị Ban giám đốc cho chi đoàn triển khai mô hình vườn rau sạch để gây quỹ hoạt động Đoàn trên khu đất trống trong khuôn viên công ty. Chi đoàn đã trích quỹ đầu tư phân bón, hạt giống, được Ban giám đốc tạo điều kiện trang bị hệ thống tưới nước.

Từ đó đến nay, sau giờ tan ca, 33 đoàn viên thanh niên của chi đoàn lại thay nhau cuốc đất, gieo hạt, tưới nước, nhổ cỏ, bón phân... Đoàn viên  Đỗ Thị Kim Tuyến chia sẻ việc tham gia chăm sóc vườn rau không chỉ góp phần tạo kinh phí cho Đoàn mà bản thân chị sau giờ tan ca tìm đến với vườn rau như một hình thức xua tan mệt mỏi.

Niềm vui, phấn khởi lại càng được nhân lên khi thu hoạch, công nhân viên trong công ty được ăn rau sạch do chính tay mình làm ra với giá rẻ hơn ngoài chợ, đồng thời chi đoàn lại có thêm nguồn kinh phí dành cho các hoạt động thiện nguyện.

Với Chi đoàn Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Hùng Cường ở xã Sông Trầu thì sự uyển chuyển trong tổ chức sinh hoạt, hoạt động càng được thể hiện rõ nét. Anh Lê Hùng Mạnh, Giám đốc đồng thời là Bí thư Chi đoàn Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Hùng Cường chia sẻ, doanh nghiệp chỉ có 12 công nhân đồng thời là đoàn viên.

Hầu hết đoàn viên đều là người địa phương, nghỉ học sớm và có cá tính khá mạnh. Mặc dù nhà gần nhưng để đoàn viên chuyên cần làm việc, anh Mạnh tạo điều kiện “nơi ăn, chốn nghỉ” vào buổi trưa, trong giờ làm việc mở nhạc với các ca khúc nhạc trẻ phù hợp với sở thích của đoàn viên.

Hướng đoàn viên thanh niên đến giá trị sống đẹp, anh Mạnh vận động đoàn viên trong chi đoàn tham gia các hoạt động xã hội, làm những việc có ích cho cộng đồng.

* Cần giải pháp đồng bộ

Có thể nói, thời gian qua mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ở Trảng Bom đã tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp (nếu có), tổ chức Đoàn cấp trên và sự ủng hộ của Ban giám đốc công ty triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên của huyện.

Các chi đoàn, chi hội đã phát động phong trào “Sáng tạo trẻ”, tổ chức các hoạt động văn nghệ - thể thao, vận động đoàn viên hiến máu tình nguyện, các hoạt động vì cộng đồng...nhằm khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện trong đoàn viên thanh niên, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đó chỉ là kết quả của một số cơ sở Đoàn, Hội tiêu biểu, một số cơ sở Đoàn, Hội khác hoạt động cho có. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện lao động của đoàn viên thanh niên công nhân nhiều áp lực, thời gian làm việc căng thẳng, công nhân làm việc theo ca kíp, do đó thời gian sinh hoạt Đoàn, Hội trong doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Tâm lý của đoàn viên, thanh niên công nhân sau tan ca là nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Các thiết chế văn hóa lành mạnh phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của thanh niên công nhân chưa có...

Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn thừa nhận thủ lĩnh Đoàn, Hội ở một số doanh nghiệp còn thụ động, thiếu sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ. Trong khi thủ lĩnh cơ sở Đoàn không có nghiệp vụ công tác Đoàn thì tổ chức Đoàn cấp trên sau khi vận động thành lập chi đoàn “đem con bỏ chợ”, chưa sâu sát, dìu dắt, định hướng hoạt động cho cơ sở Đoàn...

Theo chị Trần Thị Thìn, Phó bí thư Huyện đoàn Trảng Bom, để một chi đoàn vừa mới ra đời lớn mạnh và hoạt động hiệu quả cần có những giải pháp đồng bộ. Giải pháp đầu tiên chính là “đả thông” tư tưởng để doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp trong quá trình vận động thành lập.

Bên cạnh sự hỗ trợ của giới chủ, sau khi ra đời, cơ sở Đoàn cần được quan tâm, định hướng thậm chí là “cầm tay chỉ việc” của tổ chức Đoàn cấp trên. Thời gian đầu khi mới thành lập, cơ sở Đoàn cần được hỗ trợ kinh phí hoạt động, có chế độ đối với cán bộ Đoàn.

"Riêng đối với các cơ sở Đoàn cần tổ chức các mô hình theo sở thích, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để thu hút đoàn viên thanh niên. Đặc biệt, các phong trào Đoàn phải hướng đến phát triển doanh nghiệp, làm lợi cho doanh nghiệp - là điều kiện để doanh nghiệp tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn hoạt động" - Phó bí thư Huyện đoàn Trảng Bom nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyết

Tin xem nhiều