Ngày 3-4, tại hội trường Tỉnh ủy đã diễn ra hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 8 (khóa X) nhằm tập trung thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 06...
Ngày 3-4, tại hội trường Tỉnh ủy đã diễn ra hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 8 (khóa X) nhằm tập trung thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy trong quý I- 2017. Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: P.HẰNG |
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Cao Tiến Dũng, ngay trong quý I-2017, Đồng Nai đã có nhiều tín hiệu vui trong phát triển sản xuất. Công nghiệp phát triển mạnh, các doanh nghiệp thuộc ngành giày da, may mặc, sản xuất cao su và plastic đang có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn để đáp ứng yêu cầu sản xuất, do các doanh nghiệp này đã có hợp đồng xuất khẩu ổn định.
Kinh tế phát triển
Trên lĩnh vực nông nghiệp tuy thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nhưng với sự chủ động của các địa phương, 3 ngành: nông, lâm và thủy sản đều tăng trưởng ở mức 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi cũng phát triển, nhất là ở loại hình trang trại, số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng từ 3-4% và không phát sinh dịch bệnh lớn.
Đối với thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, ngay ở quý I đã thu hút được 6.380 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, đạt 71% kế hoạch năm và tăng 128% so với cùng kỳ.
Công tác an sinh xã hội, nhất là việc chăm lo tết cho nhân dân được đặc biệt quan tâm. Trong đó dịp Tết 2017 vừa qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo Nghị định 153 của Chính phủ và việc thưởng tết cho công nhân nên ở quý I toàn tỉnh chỉ xảy ra 8 vụ đình công, giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Toàn tỉnh cũng đã hoàn thành xong việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Tìm giải pháp cho những hạn chế
Bên cạnh đánh giá các kết quả đạt được, hội nghị tập trung tìm giải pháp để khắc phục nhiều vấn đề còn tồn tại, yếu kém.
Trước việc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Nai còn thấp so với các tỉnh trong khu vực, đồng chí Trần Văn Vĩnh, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thẳng thắn nhìn nhận đến nay 171/171 xã, phường, thị trấn và 20 sở của tỉnh đã thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông hiện đại nhưng còn nhiều việc chậm được giải quyết do sự phối hợp chưa tốt. Năng lực công tác và ý thức trách nhiệm công vụ ở cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa chưa đạt yêu cầu. Để tăng cường hiệu quả cải cách hành chính, dự kiến ngày 15-5-2017 Trung tâm hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động tại cao ốc Sonadezi (phường An Bình, TP.Biên Hòa). Đồng thời, tới đây hồ sơ thuộc cấp tỉnh giải quyết, người dân có thể nộp ở huyện, nhận và trả hồ sơ qua bưu điện; hồ sơ thuộc cấp huyện giải quyết, người dân có thể nộp ở cấp xã.
Đối với những bất cập của ngành y tế, Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn thông tin: khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề ra định mức mỗi bác sĩ chỉ được khám 45 bệnh nhân/ngày, định mức này đối với tuyến tỉnh có thể sắp xếp được nhưng gây nhiều khó khăn cho tuyến huyện và xã. Nhiều xã chỉ có 1 bác sĩ, trong khi mỗi ngày có tới 70-80 bệnh nhân đến khám. Việc thông tuyến và chuyển tuyến theo quy định của ngành bảo hiểm hiện nay cũng đang gây khó khăn cho Đồng Nai. Trước đây, người bệnh đi khám và chữa bệnh ở các bệnh viện chuyên khoa được thanh toán bảo hiểm y tế, nhưng hiện tại bệnh nhân phải chuyển tuyến hoặc phải chi trả 100% viện phí. Do vậy, các bệnh viện chuyên khoa của tỉnh rơi vào tình trạng vắng bệnh nhân. Sở Y tế đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội và tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết vướng mắc này. Song, đến nay Đồng Nai chưa nhận được câu trả lời.
Một vấn đề khác được hội nghị đề cập nhiều là sản xuất nông nghiệp. Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề tiêu thụ sản phẩm là cốt lõi và liên kết sản xuất là điều quan trọng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị. |
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát. Tỉnh đã quy hoạch cho phát triển nông, lâm, thủy sản nhưng người dân không làm theo quy hoạch. Điển hình là sản xuất chuối và hồ tiêu. Đối với cây tiêu, tỉnh chỉ quy hoạch 7 ngàn hécta, nhưng hiện đã có khoảng 14 ngàn hécta hồ tiêu phát triển mạnh không chỉ ở Đồng Nai mà còn ở nhiều địa phương khác. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn quy hoạch cả nước có 50 ngàn hécta tiêu, nhưng hiện tại cả nước có khoảng 130 ngàn hécta.
Bên cạnh đó, chăn nuôi heo cũng phát triển không theo quy hoạch. Năm 2015, tỉnh quy hoạch tổng đàn từ 1,7 triệu-1,8 triệu con nhưng đến cuối năm 2016 đã tăng đến 2 triệu con. Từ đó đẩy giá heo khoảng 40-50 ngàn đồng/kg xuống còn 30 ngàn đồng/kg, dẫn đến người chăn nuôi bị lỗ. Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn khuyến cáo phải giảm đàn heo chứ không thể tăng như hiện nay.
Ngoài ra, để sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, có hiệu quả cao phải coi trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2017 đã được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn chọn là năm tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhiều vấn đề khác cũng được đề cập tại hội nghị, như: ô nhiễm môi trường từ khai thác tài nguyên khoáng sản; xử lý tình trạng đổ trộm chất thải ra môi trường, hiếp dâm trẻ em; nước sạch cho người dân; rà soát, xóa quy hoạch “treo”…
Phương Hằng
Đại tá Văn Quyết Thắng, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh: Vụ cháy ở TP.Cần Thơ vừa qua là bài học để nhiều nơi rút kinh nghiệm. Quan trọng nhất vẫn là công tác phòng cháy, khi đã xảy ra cháy rồi thì thiệt hại rất lớn. Thời gian qua, UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Đồng Nai có 5 xe thang chữa cháy và trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiện đại. Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Trương Văn Vở: Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm 2017 tỉnh nên đổi mới các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp theo đối tượng phục vụ. Đồng thời, phải xác định các đối tượng ưu tiên phục vụ; xem lại việc công khai các thủ tục đầu tư đã rõ chưa. Hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ngoài ra, trong xúc tiến đầu tư không chỉ xúc tiến nước ngoài mà phải quan tâm cả xúc tiến trong nước, khu vực, làm một cách sát sườn hơn. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng: Hiện nay, việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất ra hàng hóa đồng đều về chất lượng. Tỉnh đã có những cánh đồng mẫu lớn nhưng cũng vẫn còn một số diện tích nhỏ lẻ nên khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình mua nông sản. Tỉnh đã có trung tâm khuyến công, khuyến nông nhưng hàng hóa nông sản của người dân vẫn chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Sản xuất của bà con còn theo kiểu truyền thống. Thời gian tới, đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức đối thoại với người dân về các chính sách đầu tư cho nông dân. Dương An (ghi) |