Báo Đồng Nai điện tử
En

Khao khát vươn lên

09:02, 19/02/2017

Từ vùng đất hoang tàn do chiến tranh, hiện nay các xã Mã Đà và Phú Lý của huyện Vĩnh Cửu đã có sự phát triển vượt bậc.

Từ vùng đất hoang tàn do chiến tranh, hiện nay các xã Mã Đà và Phú Lý của huyện Vĩnh Cửu đã có sự phát triển vượt bậc.

Đảng viên người dân tộc ở xã Phú Lý nhận quà Tết 2017 từ Đại tá Nguyễn Văn Nam (bên trái), Phó tham mưu trưởng Quân khu 7.
Đại tá Nguyễn Văn Nam (bên trái), Phó tham mưu trưởng Quân khu 7 trao tặng quà Tết 2017 cho đảng viên là bà con đồng bào dân tộc ít người ở xã Phú Lý.

Tuy nhiên, vùng chiến khu xưa đang cần được quan tâm nhiều hơn nữa…

* Cần có kết nối vùng

Đồng chí Phan Thanh Chương, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lý, cho biết sau ngày đất nước giải phóng, đời sống bà con trong xã chủ yếu sống bằng nghề rừng, số hộ đói nghèo cao; không điện, đường, trường, trạm... Đến nay người dân Phú Lý đã biết sản xuất theo kiểu hàng hóa. Bình quân mỗi hộ ở Phú Lý có 5 sào đất trồng trọt, cá biệt nhiều hộ có từ 50-100 hécta đất.

Hiện nay, mỗi ngày ở Phú Lý còn có 6 chuyến xe chở lao động của xã ra làm việc trong các công ty ở huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom. Có việc làm, có thu nhập, số hộ nghèo trong xã chỉ còn 43/2.856 hộ. Phú Lý đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016.

Một mặt phát triển về kinh tế, những năm qua Phú Lý cũng được đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng. Trong xã đã có đầy đủ các trường học từ mầm non đến THPT, mỗi năm tỷ lệ học sinh thi đậu vào cao đẳng, đại học chiếm 30-35%.

Đồng chí Phan Thanh Chương nhận định: “Sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, Phú Lý đã có bước tiến vững chắc”. Tuy nhiên, Bí thư Chương vẫn trăn trở, hơn 70% dân số ở Phú Lý làm nông nghiệp nhưng hiện tại xã chưa có hệ thống thủy lợi.

Trên địa bàn xã hiện có 3 dòng suối nhưng không có hồ tích nước nên mùa khô không có nước trữ. Ngay cả nước sinh hoạt, người dân vẫn phải sử dụng giếng khoan. Nếu xã có hệ thống thủy lợi và nước máy, vừa phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi, vừa giúp địa phương chủ động phòng chống cháy rừng.

Phú Lý cũng đang còn 2,5km đường 761 (do tỉnh quản lý) chưa được trải nhựa. Ở ấp 2 của xã chưa có đường nhựa nên việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Phú Lý được coi là trung tâm của vùng Chiến khu Đ nhưng đến nay chưa có kết nối vùng. Phú Lý cũng cần có nhà máy chế biến nông sản để phát huy hết thế mạnh về đất đai và cây trồng trên địa bàn xã.

* Ổn định dân để phát triển

Đối với xã Mã Đà, cái khó nhất hiện nay là ấp 3 và ấp 4 với khoảng 600 hộ chưa có điện, người dân phải sử dụng bình ắc quy và năng lượng mặt trời. Thêm vào đó, phần lớn cuộc sống của người dân chưa ổn định. Khi xây dựng đề án nông thôn mới, xã chỉ thực hiện được ở ấp 1 và ấp 2, còn lại 5 ấp nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên -  văn hóa Đồng Nai vẫn “vướng”.

Đồng chí Đinh Quốc Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà, chia sẻ xã có quyết định thành lập năm 2003 nhưng đến nay mới chỉ được cấp 1/3 số đất theo quy định, còn lại đang trong tình trạng phải di dời. Để Mã Đà phát triển, quan trọng nhất là phải ổn định dân cư, phải giao đất cho xã quản lý, phải cấp chủ quyền cho dân. Không có chủ quyền, dân không được xây dựng nhà cửa, không làm được hộ khẩu, chứng minh nhân dân…

Nhiều năm nay, người dân Mã Đà còn mong mỏi có được tuyến đường ven hồ Trị An để ổn định cuộc sống. Trong những ngày đầu năm mới 2017, một tin vui đã đến với người dân Mã Đà khi UBND tỉnh vừa làm việc với các sở, ngành và nhà đầu tư để triển khai dự án đường ven hồ Trị An. Tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 166 tỷ đồng, với chiều dài 27km, dự kiến hoàn thành năm 2018. Khi tuyến đường đượcđưa vào sử dụng, phục vụ tốt công tác bảo vệ rừng, ổn định dân cư và phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND xã Mã Đà Đinh Quốc Sơn còn mong muốn tỉnh và huyện tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã, đặc biệt là đường giao thông vào các ấp và điện cho 2 ấp còn lại, qua đó tạo những cú hích quan trọng để người dân có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, Mã Đà còn hơn 200 hộ nghèo.

Phương Hằng

Tin xem nhiều