(ĐN)- Như tin đã đưa, sáng 22-12, tại di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Chiến khu Đ (1946-2016) và 55 năm thành lập Trung ương Cục miền Nam (1961-2016). Tại đây, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Đồng Nai điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này...
(ĐN)- Như tin đã đưa, sáng 22-12, tại di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu), Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Chiến khu Đ (1946-2016) và 55 năm thành lập Trung ương Cục miền Nam (1961-2016). Tại đây, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Đồng Nai điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này...
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Huy Anh |
Kính thưa:
- Đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
- Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
- Đồng chí Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam và nguyên lãnh đạo Khu ủy miền Đông Nam bộ;
- Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh;
- Các đồng chí lãnh đạo các ban đảng và Văn phòng Trung ương Đảng;
- Các đồng chí lão thành cách mạng, quý mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ;
- Thưa toàn thể quý đại biểu và đồng bào.
Hòa chung không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016) và 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/11/1944 - 22/12/2016), hôm nay tại khu căn cứ địa cách mạng anh hùng năm xưa, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm thành lập Chiến khu Đ (1946-2016), 55 năm thành lập Trung ương Cục miền Nam (1961-2016).
Thay mặt Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, tôi nhiệt liệt chào mừng và chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí nguyên lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ, cùng toàn thể quý đại biểu và đồng bào đến dự và theo dõi qua hệ thống phát thanh - truyền hình Lễ kỷ niệm hôm nay.
Kính thưa toàn thể quý đại biểu, đồng chí, đồng bào,
Hiện tại, chúng ta đang đứng chân trên mảnh đất Chiến khu Đ anh hùng, mảnh đất của những chiến công và huyền thoại. Chiến khu Đ - Vùng đất địa linh nhân kiệt, căn cứ địa quan trọng của miền Đông Nam bộ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi che giấu, nuôi dưỡng, rèn luyện các lực lượng cách mạng, là bàn đạp tấn công kẻ thù, nỗi kinh hoàng, khiếp sợ của bọn thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai bán nước.
Kẻ thù luôn coi Chiến khu Đ là một thành lũy cách mạng nguy hiểm, quyết định đến sự sống còn của chế độ ngụy quyền Sài Gòn “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”. Chiến khu Đ chính là niềm tin, niềm tự hào của nhân dân miền Đông Nam bộ trong suốt gần một thế kỷ qua.
Chiến khu Đ được hình thành từ vùng rừng Tân Uyên, nơi đứng chân của Đội du kích Biên Hòa trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11/1940. Tháng 12/1945, Hội nghị Quân sự toàn Nam bộ được triệu tập tại Đức Hòa (Long An), Khu bộ 7 được thành lập do đồng chí Nguyễn Bình làm Tư lệnh.
Ngày 20/02/1946, để xây dựng hậu phương tại chỗ, tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài, Bộ Tư lệnh Khu 7 quyết định xây dựng căn cứ địa gồm 04 khu vực với các mật danh: A, B, C, Đ. Trong đó, Đ là mật danh dùng để chỉ nơi đặt “Tổng hành dinh” của Bộ Tư lệnh Khu 7. Chiến khu Đ ra đời từ đó với trung tâm là xã Lạc An (quận Tân Uyên).
Tháng 4 năm 1946, Hội nghị cán bộ tỉnh Biên Hòa được triệu tập tại Cù lao Bình Hòa (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu) quyết định xây dựng Chiến khu Đ thành căn cứ chính thức của tỉnh Biên Hòa. Phạm vi của Chiến khu Đ gồm 05 xã thuộc quận huyện Tân Uyên là: Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang và Lạc An.
Trong hai cuộc kháng chiến, phạm vi của Chiến khu Đ không ngừng được mở rộng, phát triển theo yêu cầu của cách mạng. Toàn bộ căn cứ địa nằm ở phía Bắc sông Đồng Nai, phía Tây giáp hai tỉnh Bình Long, Phước Long cũ, phía Bắc giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, phía Đông giáp ba tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắc Lắc, kéo dài đến rừng Cát Tiên phía thượng nguồn sông Đồng Nai bên hữu ngạn.
Chiến khu Đ là căn cứ quan trọng đối với chiến trường toàn Nam bộ. Lưng dựa vào dãy Trường Sơn và vùng rừng núi miền Nam Đông Dương, phía trước lấn sát vùng đồng bằng đông dân cư và các đô thị lớn, các đường giao thông chiến lược, chỉ cách Sài Gòn từ 20 - 30km, Chiến khu Đ có một vị trí đặc biệt nằm án ngữ, nối liền các chiến trường với nhau, là bàn đạp quân sự “khi tiến có thể đánh, lùi có thể giữ”.
Địa thế lý tưởng của Chiến khu Đ dùng để cho các lực lượng cách mạng xây dựng, giữ gìn, cất trữ kho tàng, phát triển mọi mặt của một căn cứ kháng chiến. Nhiều cơ quan lãnh đạo Tỉnh ủy Biên Hòa, Tỉnh ủy Thủ Biên, Liên Tỉnh ủy, Khu ủy miền Đông Nam bộ, Ban Quân sự Bộ Tư lệnh miền Đông đã lấy Chiến khu Đ làm nơi đứng chân lãnh đạo phong trào cách mạng.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chiến khu Đ tiếp tục là hậu phương vững chắc tiếp nhận hàng chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, nơi mở đường, nối thông với đường 559 (hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh).
Từ chiến khu Đ có thể liên lạc với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, với chiến trường Cực Nam Trung bộ và chiến trường Tây Nguyên, cùng với các căn cứ Bắc Tây Ninh, Củ Chi... tạo thế áp sát các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn.
Trong từng giai đoạn hình thành và phát triển với mỗi nhiệm vụ cách mạng khác nhau, Chiến khu Đ đã tổ chức huấn luyện quân sự, chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng cho các tỉnh miền Đông Nam bộ, nơi hình thành nên những đơn vị vũ trang đầu tiên không chỉ của tỉnh Biên Hòa, của miền Đông Nam bộ như: Chi đội 10, Trung đoàn 301, 320, 761; Sư đoàn 9, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7.
Chiến khu Đ với những địa danh như: Lạc An, Nhà Nai, Suối Sâu, Bà Đã, Bà Hào, Suối Linh, Suối Nhung, Mã Đà, Suối Dênh Dênh, Bù Cháp, Lý Lịch… đã trở nên bất tử, gắn liền với những chiến công oanh liệt của quân và dân miền Đông Nam bộ.
Ôn lại hào khí xưa, chúng ta cũng không thể quên được những khó khăn của trận lụt năm Nhâm Thìn 1952 đã làm nhiều người chết do lũ cuốn, lương thực nhà cửa bị phá hủy, nương rẫy tan hoang, nạn đói xảy ra trầm trọng, địch bao vây phong tỏa các ngã đường...
Rất nhiều lần địch tổ chức những trận càn lớn, dài ngày vào căn cứ với hàng chục ngàn quân, có xe tăng, pháo binh yểm trợ. Và sau đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã thả chất khai quang, máy bay B52 ném bom rải thảm, thiêu hủy hàng vạn hécta rừng, phá hủy môi trường sinh thái, nhưng đồng bào, chiến sĩ Chiến khu Đ vẫn kiên cường, một lòng trung thành với Đảng, với Bác Hồ, hết lòng bám trụ bảo vệ căn cứ, ủng hộ kháng chiến, bảo vệ, xây dựng Chiến khu Đ trở thành căn cứ vững chắc ở Đông Nam Bộ.
Đây là nơi chuẩn bị các chiến dịch lớn và là nơi tổ chức các trận đánh lớn làm thay đổi tình thế trên chiến trường, xây dựng lực lượng vũ trang ngày một trưởng thành, tiến tới giành thắng lợi quyết định.
Trong kháng chiến chống Pháp, Chiến khu Đ là nơi tổ chức trận tập kích đầu tiên vào tỉnh lỵ Biên Hòa vào đêm ngày 01 rạng sáng ngày 02/01/1946 và một loạt trận đánh giao thông đường sắt trong năm 1947 như: Gia Huynh, Trảng Táo, Bảo Chánh, Bàu Cá, Chiến dịch Bến Cát... Các trận đánh diệt yếu khu quân sự Trảng Bom (1951), diệt đồn Long Điền (1951), đánh bại âm mưu lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng của thực dân Pháp.
Đặc biệt, Chiến khu Đ là nơi tổ chức trận phục kích La Ngà nổi tiếng ngày 01/3/1948, tiêu diệt 59 xe quân sự Pháp, 150 lính lê dương, trong đó có hai viên đại tá Pháp. Đây là trận đánh giao thông lớn nhất trên chiến trường miền Đông Nam bộ cho đến lúc bấy giờ.
Chiến khu Đ cũng là nơi sản sinh cách đánh đặc công, khởi đầu là trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên ở Tân Uyên ngày 19/3/1948, để từ đó hình thành nên bộ đội đặc công, phát triển kỹ thuật đánh đặc công ra cả nước.
Thưa đồng bào, đồng chí, với đặc điểm địa chính trị đặc biệt
quan trọng của Chiến khu Đ, ngày 23/01/1961 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 (khóa III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam bộ để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau.
Đây là căn cứ đầu tiên, nơi diễn ra hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Cục đề ra những nhiệm vụ chiến lược lãnh đạo cách mạng miền Nam. Tại cứ địa lịch sử này, Trung ương Cục Miền Nam đã chỉ đạo hình thành bộ máy các cơ quan tham mưu quan trọng của Trung ương Cục như Văn phòng Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam, Ban giao bưu vận, Ban thông tin liên lạc, Đài phát thanh và Thông tấn xã giải phóng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn, Ban bảo vệ An ninh Trung ương Cục.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và cơ quan tham mưu, các cơ quan phục vụ Trung ương Cục đã nỗ lực, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh thử thách, tham mưu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào chiến tranh nhân dân ở miền Nam; xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị.
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại chiến khu Đ là biểu hiện của lòng quyết tâm của Trung ương, của toàn Đảng bộ và quân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Mặc dù chỉ đứng chân trên địa bàn Mã Đà, Chiến khu Đ trong 2 năm 1961 – 1962, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, nhiều quyết sách, đường lối chiến lược lãnh đạo cách mạng miền Nam đã ra đời, làm nên những chiến thắng vang dội trên chiến trường miền Nam.
Việc thành lập Trung ương Cục miền Nam tại căn cứ lịch sử này có một ý nghĩa chính trị hết sức to lớn; đó chính là thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Trung ương Đảng đã đúc kết kinh nghiệm hàng ngàn năm giữ nước của dân tộc và kinh nghiệm tiến hành chiến tranh cách mạng từ khi có Đảng để hình thành nên những căn cứ địa độc đáo của cách mạng Việt Nam.
Việc xây dựng Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Chiến khu Đ ngày ấy, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, với biết bao công sức, xương máu, hy sinh của các đảng viên, cán bộ, đồng bào, đồng chí còn là sự thể hiện của quyết tâm “Giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, của ý chí “dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập-tự do cho dân tộc”, của tấm lòng cao cả “miền Nam luôn trong trái tim tôi” của Đảng và Bác Hồ kính yêu; là sự thể hiện của tinh thần sục sôi yêu nước mà đỉnh cao là chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó không chỉ là niềm tự hào của vùng đất Chiến khu Đ, của Đảng bộ, nhân dân Đồng Nai, của Đảng bộ và nhân dân các tỉnh miền Đông, mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.
Từ Chiến khu Đ đã hình thành chủ trương đánh Mỹ của Liên Tỉnh ủy Miền Đông. Từ đây tập kết, chuẩn bị lực lượng tiến công vào Đoàn cố vấn quân sự Mỹ đầu tiên ở Văn phòng Nhà máy cưa BIF, thường gọi là Nhà Xanh (nay thuộc phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa).
Chiến khu Đ là nơi hình thành lực lượng vũ trang giải phóng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ; nơi xuất phát trận đánh vào Tua Hai ở Tây Ninh); mở đầu cho phong trào kết hợp vũ trang - chính trị, thực hiện Đồng Khởi ở miền Đông Nam bộ. Ngày 19/8/1961, lần đầu tiên quân giải phóng miền Nam tấn công đánh chiếm tỉnh lỵ Phước Thành.
Ngày 31/10/1964, từ Chiến khu Đ, lần đầu tiên đoàn pháo binh Miền (U80) đã tập kích bằng pháo vào sân bay chiến lược Biên Hòa, phá hủy 59 máy bay các loại và nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ, mở đầu cho hàng loạt trận đánh bằng pháo binh, đặc công vào sân bay Biên Hòa - sân bay chiến lược lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Châu Á lúc bấy giờ.
Chiến khu Đ cũng là nơi xuất kích chiến dịch giải phóng tỉnh lỵ Phước Long (06/01/1975) và nơi xuất phát kích chiến dịch 12 ngày đêm (từ ngày 09 đến ngày 21/4/1975) giải phóng thị xã Long Khánh đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc, tuyến phòng ngự cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn ở hướng Đông Bắc Sài Gòn, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bài học lịch sử của Chiến khu Đ, chính là bài học về sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nắm vững đường lối chiến tranh nhân dân, tư tưởng quân sự về xây dựng căn cứ địa của Đảng phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn lịch sử, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để xây dựng căn cứ một cách toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa. Xây dựng đi đôi với bảo vệ căn cứ, chủ động tích cực, lấy tiến công để phòng thủ, dựa vào quần chúng, lấy căn cứ lòng dân làm căn bản cho quá trình xây dựng và bảo vệ căn cứ. Những bài học này của Chiến khu Đ đến hôm nay vẫn vẹn còn nguyên giá trị.
Kính thưa toàn thể đồng bào, đồng chí,
70 năm đã đi qua kể từ khi Chiến khu Đ được thành lập đến nay là 70 năm của những trang sử vẻ vang và những chiến công vang dội, hôm nay, chúng ta tề tựu tại đây để long trọng ôn lại sự kiện lịch sử đặc biệt, đầy hào hùng; ôn lại truyền thống kiên trung, bất khuất của Đảng bộ, quân và dân miền Đông Nam bộ, tiếp thêm sức mạnh, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thưa quí vị đại biểu,
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí,
Căn cứ Chiến khu Đ anh hùng - hiện thân của tinh thần “Miền Đông gian lao mà anh dũng” với những đóng góp cực kỳ to lớn, những thành tích rất đáng tự hào, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Bảy mươi năm kể từ ngày thành lập đến nay, trong đó ba mươi năm ròng rã kiên cường chiến đấu, anh dũng chống kẻ thù xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Chiến khu Đ đã phát huy truyền thống anh hùng bất khuất, một lòng đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi gian lao thử thách, quyết chiến, quyết thắng, xây dựng nên truyền thống Chiến khu Đ anh hùng trên vùng đất anh hùng.
Trong không khí trọng thể của buổi Lễ kỷ niệm này, thế hệ chúng ta hôm nay và các thế hệ con cháu mai sau mãi mãi tri ân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh; ghi nhớ công sức xương máu của hàng vạn đồng bào đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước, ghi nhớ công lao to lớn cho cách mạng của các thế hệ đồng bào Châu Ro, S’Tiêng ở Bù Cháp, Lý Lịch, Tứ Hiệp, Vĩnh An, đồng bào vùng căn cứ và đồng bào miền Đông Nam bộ.
Từ đóng góp tiền của, lương thực, hàng hoá cho kháng chiến, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, đến động viên con em lên đường gia nhập lực lượng cách mạng, trực tiếp chiến đấu với quân thù, bảo vệ căn cứ. Không có sự đóng góp, hy sinh to lớn của đồng bào trong vùng căn cứ, thì Chiến khu Đ không thể tồn tại và đứng vững để làm tròn được nhiệm vụ cách mạng giao.
Cũng trong buổi lễ hôm nay, chúng ta rất vui mừng, xúc động được gặp mặt những cựu cán bộ, chiến sĩ chiến khu miền Đông và Trung ương cục trước đây, ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của Chiến khu Đ năm xưa.
Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, xin gửi những tình cảm thân thiết, kính trọng và biết ơn sâu sắc đến các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, quý mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông qua các thời kỳ; các đồng chí, đồng bào đã từng sống, chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Chiến khu Đ.
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí,
Hơn 4 ngàn năm dựng nước, giữ nước, lịch sử dân tộc và đất nước Việt Nam chúng ta đã trải qua bao gian truân, thăng trầm để trường tồn và phát triển, mỗi địa danh của Tổ quốc đều gắn liền với các sự tích, chiến công của cha ông, đều chứa đựng dấu ấn trong những chặng đường lịch sử quan trọng, thể hiện ý chí bất khuất và tinh thần độc lập của dân tộc được hình thành, bồi đắp qua hàng ngàn năm đấu tranh chống ngoại xâm, giữ vững sự thống nhất vẹn toàn bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau hơn 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã quan tâm đầu tư trùng tu, xây dựng nhiều di tích cách mạng tiêu biểu trong khu căn cứ Chiến khu Đ năm xưa như: Di tích Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961 - 1962, Địa đạo Suối Linh, căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, các di chỉ khảo cổ quan trọng (Đồi Phòng không, Suối Linh, Nhà Dài…).
Hiện nay, Chiến khu Đ thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, được quy hoạch tổng thể đến năm 2020 với diện tích trên 100 ngàn hécta, gắn liền với vườn Quốc gia Cát Tiên đã được Unessco công nhận là Khu Sinh quyển thiên nhiên thế giới. Đây sẽ là nơi hội đủ các yếu tố của một trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử hấp dẫn với nhiều địa chỉ đỏ để tổ chức các chuyến du khảo về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng, tạo nên một tiềm năng to lớn về du lịch sinh thái tại địa phương.
Tỉnh Đồng Nai và miền Đông Nam bộ luôn tự hào vì có Chiến khu Đ anh hùng bất khuất. Truyền thống cũng như những bài học lịch sử từ Chiến khu Đ vẫn mãi là tài sản tinh thần vô giá cho các thế hệ người dân Đồng Nai, người dân miền Đông Nam bộ tiến bước vào tương lai.
Là một trong những địa phương nằm trong địa bàn Chiến khu Đ anh hùng, Đảng bộ, quân và dân Đồng Nai luôn tự hào và phát huy truyền thống “Chiến khu Đ năm xưa”, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được nhiều thắng lợi to lớn trên mặt trận xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Nhiệm vụ của Đảng bộ, quân và dân Đồng Nai thời gian tới là rất nặng nề, với mục tiêu đặt ra là: “Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng và phát triển con người toàn diện; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh; xây dựng Đồng Nai giàu mạnh, văn minh”.
Thực hiện mục tiêu trên, đến nay Đồng Nai đã trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội; là một trong những đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đồng Nai cũng là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước về xây dựng nông thôn mới; sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao có bước phát triển; các chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách, giải quyết việc làm được chú trọng; khoa học - công nghệ và môi trường ngày càng tiến bộ; tập trung xây dựng chính quyền địa phương dựa trên bản chất xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Công tác Dân vận, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và vai trò làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực có nhiều chuyển biến tốt. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đạt một số kết quả đáng kể, làm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trãi qua hơn 40 năm, với sự chăm lo của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, mảnh đất Chiến khu Đ bom đạn tàn phá năm xưa, nay đã không ngừng thay da đổi thịt; những dự án, công trình văn hóa tiêu biểu đã, đang và sẽ triển khai tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa, Lịch sử Đồng Nai; đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện. Nhà trẻ, trường học, trạm y tế, đường giao thông được đầu tư xây dựng. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tổ chức đời sống tốt đã trở nên trù phú. Bản sắc truyền thống văn hóa các dân tộc được khơi dậy và phát huy. Một phần đất rừng Chiến khu Đ đã trở thành lòng hồ thủy điện Trị An, hóa thân thành dòng điện hùng vĩ, thắp sáng cho các tỉnh miền Đông Nam bộ và cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long hôm nay.
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí,
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tỉnh Đồng Nai đã được Đảng và Nhà nước vinh danh là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thành tựu trong đấu tranh, xây dựng của Đảng bộ, quân và dân Đồng Nai trong 70 năm qua có sự hỗ trợ, giúp đỡ rất to lớn và rất đáng trân trọng của các tỉnh miền Đông Nam bộ, của Trung ương, của các đồng chí từng tham gia lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương Cục miền Nam năm xưa, của cán bộ, đảng viên và nhân dân 5 xã Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang và Lạc An trước đây hiện có mặt tại buổi lễ trang trọng này.
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Chiến khu Đ, 55 năm Trung ương Cục miền Nam, là dịp để chúng ta khơi dậy tinh thần yêu nước, giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, đồng chí, đồng bào trong toàn tỉnh phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo; tiếp tục huy động cao độ mọi nguồn lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi và sâu rộng ở các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, tạo đà cho việc tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng Đồng Nai thành tỉnh giàu mạnh, văn minh.
Một lần nữa, thay mặt Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo các địa phương bạn; quý vị đại biểu, khách quý; các cơ quan thông tấn báo chí, cùng toàn thể nhân dân vùng căn cứ địa cách mạng Chiến khu Đ anh hùng năm xưa về dự buổi lễ trọng thể này.
Tinh thần Chiến khu Đ anh hùng đời đời bất diệt.
Xin cảm ơn quý vị đại biểu, đồng bào, đồng chí./.