Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh: Đừng để giậm chân tại chỗ

09:11, 20/11/2016

Những năm qua, bên cạnh việc quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển đúng định hướng, đúng luật pháp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động và chủ doanh nghiệp, Đồng Nai đặc biệt quan tâm việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị trong doanh nghiệp.

Những năm qua, bên cạnh việc quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển đúng định hướng, đúng luật pháp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động và chủ doanh nghiệp, Đồng Nai đặc biệt quan tâm việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị trong doanh nghiệp.

Bí thư Chi bộ Công ty TNHH điện lực Amata (doanh nghiệp 100% vốn Thái Lan) Trần Hoàng (đứng) chia sẻ nếu bí thư chi bộ không đứng ở vai trò lãnh đạo công ty thì hoạt động của tổ chức Đảng nơi đó cực kỳ khó.
Bí thư Chi bộ Công ty TNHH điện lực Amata (doanh nghiệp 100% vốn Thái Lan) Trần Hoàng (đứng) chia sẻ nếu bí thư chi bộ không đứng ở vai trò lãnh đạo công ty thì hoạt động của tổ chức Đảng nơi đó cực kỳ khó.

Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng nhưng việc thành lập và hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân, còn hạn chế.

Chủ doanh nghiệp chưa mặn mà

Một đảng viên của chi bộ Công ty TNHH Fashy Viễn Đông (100% vốn Cộng hòa liên bang Đức; trụ sở tại lô 1, Cụm may mặc Tân Hiệp, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Chi bộ được thành lập tháng 8-2011, với 5 đảng viên ban đầu, nay sau hơn 5 năm chỉ tăng được 2 đảng viên, đủ thấy công tác phát triển Đảng ở đây gần như “giậm chân tại chỗ”. Để thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, chúng tôi toàn “đi ngầm” trong quần chúng, tự động viên mình, động viên người lao động làm việc chăm chỉ để công ty được phát triển, người lao động mới có thu nhập. Đáng buồn, hiện nay công ty làm ăn không hiệu quả, nhiều công nhân đã nghỉ việc, từ 500 người vài năm trước nay còn hơn 400 người. Thực trạng của công ty như vậy, nên chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm một điều duy nhất: lợi nhuận. Hoạt động của tổ chức Đảng vì thế không được quan tâm. Chi bộ phải tự tìm thời gian sinh hoạt cho mình”.

Tính đến tháng 9-2016, toàn Đảng bộ tỉnh có 123 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 2.933 đảng viên. Nếu so với năm 2015, số tổ chức Đảng trong loại hình này đã tăng thêm 10 và tăng thêm 186 đảng viên. Tuy nhiên kết quả đạt được còn quá khiêm tốn so với tổng số gần 24.700 doanh nghiệp và 900 ngàn lao động đang có mặt ở Đồng Nai.

Phó bí thư Đảng ủy Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sacom (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) Trần Văn Quân chia sẻ công tác Đảng trong doanh nghiệp cổ phần cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chủ doanh nghiệp luôn cho rằng trong giờ làm việc thì phải tập trung công tác chuyên môn. Do vậy, chi bộ công ty phải sinh hoạt ngoài giờ, không khi nào đúng ngày quy định. Mỗi khi có thông báo sinh hoạt chi bộ toàn tỉnh bằng hình thức truyền hình trực tiếp, chi bộ công ty không thể sắp xếp để đảng viên được dự.

Tiền thân của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sacom là Nhà máy vật liệu bưu điện II, đến năm 1998 được cổ phần hóa. Khi cổ phần hóa, lợi ích của các cổ đông được đặt lên trên hết, Nhà nước không còn là “bà đỡ” thì hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể thực chất phụ thuộc vào ý chí của người quản lý và lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi làm ăn hiệu quả, ông chủ mới có động lực tiếp tục đầu tư; khi không sinh lời, doanh nghiệp được bán. Mỗi lần công ty có chủ mới, một loạt cán bộ chủ chốt cũ bị thay thế bằng đội ngũ nhân sự mới của chủ mới. Do vậy, công tác nhân sự ở những công ty cổ phần hóa thường xuyên bị thay đổi. Có năm công ty thay 2 lần chủ, thậm chí vừa nghe giới thiệu có chủ mới hồi đầu tháng, đến giữa tháng đã thấy ông chủ đó nghỉ. Nói là “ông chủ”, là người điều hành công ty nhưng thực chất đó là những người được chủ đầu tư thuê làm ông chủ. Vì là người làm thuê nên họ không hề quan tâm đến vấn đề Đảng, đoàn thể của doanh nghiệp.

Ông Quân nói: “Chúng tôi ủng hộ sự thay đổi của công ty nếu sự thay đổi đó có lợi cho công ty. Song, mỗi lần công ty thay chủ là lại đem đến lo lắng, bất an cho cán bộ, công nhân viên: không biết ngày mai mình sẽ ra sao!”.

Cần gỡ “nút thắt”

Thực tế ở doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân cho thấy, nơi nào bí thư là chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc hoặc là những ông chủ hiểu về vị trí, vai trò, ý nghĩa của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thì hoạt động của tổ chức Đảng nơi đó mới được thuận lợi. Ngược lại, chủ doanh nghiệp hoặc nhiều thành viên trong hội đồng quản trị, ban giám đốc không phải là đảng viên, không quan tâm đến công tác Đảng thì vai trò của tổ chức Đảng ở đó bị lu mờ. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch của cấp ủy những nơi đó khó sát thực tế của công ty do đảng viên không trực tiếp tham gia vào việc lãnh đạo, quản lý hoạt động sản xuất của công ty.

Một số đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có ý kiến rằng, cấp ủy cấp trên nên thường xuyên sâu sát cơ sở, hướng dẫn cơ sở cách thức hoạt động, mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng đối thoại, nghiệp vụ công tác chính trị cho đảng viên, cấp ủy viên. Cấp trên cũng nên nghiên cứu, giảm bớt họp hành cho cấp dưới, bớt công văn giấy tờ, áp dụng mạnh mẽ thư điện tử, họp trực tuyến, tích cực gặp gỡ chủ doanh nghiệp để tuyên truyền về công tác Đảng, công tác chính trị trong doanh nghiệp.

Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Trương Văn Vở nhận định tới đây cần phải quan tâm nhiều hơn đến công tác bồi dưỡng, tập huấn về xây dựng Đảng; cải tiến nội dung, phương thức sinh hoạt chi bộ để phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp.

Phương Hằng

 

 

Tin xem nhiều