Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 25 năm thành lập huyện Xuân Lộc: Xuân Lộc vững vàng ở tuổi 25

11:06, 29/06/2016

25 năm thành lập, Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Lộc đã đồng lòng, dốc sức vượt qua những khó khăn để tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ.

25 năm thành lập, Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Lộc đã đồng lòng, dốc sức vượt qua những khó khăn để tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ.

Thành công của Xuân Lộc ngoài những danh hiệu cao quý được Đảng và nhà nước ghi nhận, còn được thể hiện rõ ở những tiêu chí như: diện mạo Xuân Lộc khang trang hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao…

* Đi lên từ gian khó

Gắn bó với vùng đất này nên Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Hồ Văn Hà hiểu rõ những đổi thay trên quê hương. Ông Hà nhận xét, Xuân Lộc là huyện miền núi nghèo, xuất phát điểm thấp, ngoài lao động và đất đai không có một thế mạnh nào khác.

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Phạm Văn Thuận tiễn các tân binh lên đường nhập ngũ.  Ảnh: Đoàn Ngọc An
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Phạm Văn Thuận tiễn các tân binh lên đường nhập ngũ. Ảnh: Đoàn Ngọc An

Thời điểm thành lập huyện ngày 1-7-1991, bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội không mấy sáng sủa: nông nghiệp là ngành sản xuất chính chiếm trên 85% tổng sản phẩm xã hội, thu hút 90% lao động, song trình độ sản xuất thấp, manh mún; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu; hạ tầng cơ sở vật chất nghèo nàn, giao thông nông thôn hầu hết là đường tạm, không có điện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đều thiếu, thương mại - dịch vụ không đáng kể… Mặt khác, do tình hình di dân tự do gây biến động về dân số, việc tăng dân số cơ học lớn, tranh chấp đất đai diễn biến phức tạp, rừng bị tàn phá nghiêm trọng, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, đặc biệt là vùng giáp ranh…

Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Thuận nhớ lại, khi Đảng bộ mới thành lập, gần 50% trong hơn 800 đảng viên là cán bộ hưu trí, nghỉ chế độ chính sách. Cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị hầu hết mới được bổ nhiệm, trình độ năng lực còn hạn chế. Để thực hiện nhiệm vụ chính trị nặng nề, cán bộ và nhân dân Xuân Lộc đã ra sức thi đua, khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội qua các kỳ đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

* Làm giàu từ đất

Xem phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, Đảng bộ và chính quyền Xuân Lộc đã có nhiều quyết sách tốt trong việc đầu tư hạ tầng. Ông Hồ Văn Hà cho hay: việc chi ngân sách của huyện được bố trí phù hợp với nhiệm vụ phát triển của địa phương, ưu tiên chi cho hạ tầng, từng bước giải quyết các yêu cầu cấp thiết của sản xuất và đời sống, với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của huyện tăng bình quân 50%/ năm. Trong xây dựng nông thôn mới, Xuân Lộc còn khơi dậy được nguồn lực từ trong dân khá mạnh... Kinh nghiệm này của Xuân Lộc đã được nhiều địa phương trong cả nước đến học tập.

Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Xuân Lộc hàng năm đạt trên 12%/ năm. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 44 triệu đồng, tăng gấp 20 lần so với năm 1991.

Khi có được tiền đề cơ bản, Xuân Lộc đã năng động tìm phương thức làm ăn hiệu quả để duy trì tốc độ phát triển kinh tế ổn định, toàn diện và đúng hướng: sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng vụ gắn với sản xuất hàng hóa; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển gắn với sản xuất nông nghiệp; thương mại - dịch vụ phát triển nhanh và đa dạng… Đặc biệt, thực hiện bài bản chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân Xuân Lộc với tinh thần chịu thương chịu khó đã làm giàu ngay trên mảnh đất của chính mình, đưa địa phương cùng với TX.Long Khánh trở thành 2 địa phương đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Giờ đây những nông dân triệu phú, những “vua” tiêu, “vua” bắp; những vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao của địa phương đã nổi tiếng khắp vùng...

* Nâng cao chất lượng sống của người dân

Theo lãnh đạo huyện Xuân Lộc, thước đo thành công, hiệu quả của những quyết sách và các chương trình kinh tế của huyện chính là: thu nhập, đời sống vật chất của bà con chuyển biến như thế nào, các nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế, đời sống tinh thần… được đáp ứng ra sao? Các tiêu chí ấy vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của toàn hệ thống chính trị của huyện. Do vậy, những năm qua ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, huyện còn chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao... để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thu hoạch bắp ở Xuân Lộc.  Ảnh: Vũ Tiến Chương
Thu hoạch bắp ở Xuân Lộc. Ảnh: Vũ Tiến Chương

Đặc biệt, công tác chăm lo thực hiện các chính sách an sinh xã hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực. Cụ thể bằng nhiều nguồn vận động, hỗ trợ, từ năm 1991 đến nay Xuân Lộc đã xây dựng được gần 3.200 căn nhà tình nghĩa, tình thương với kinh phí gần 43 tỷ đồng. Công tác giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, huyện đã vận động nhiều nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo; kết quả đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,64% năm 2000 xuống còn 1,37% năm 2015.

Bên cạnh đó, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được quan tâm chỉ đạo cả về chiều rộng và chiều sâu, gắn việc thực hiện phong trào này với công tác an sinh xã hội. Lực lượng công an từ huyện đến cơ sở được xây dựng ngày càng vững mạnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tình hình an ninh nông thôn, tôn giáo, dân tộc được giữ vững ổn định...

Lâm Viên

 
 

 

Tin xem nhiều