Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều thách thức khi hội nhập

06:01, 11/01/2016

Cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Đồng Nai mới đây về Cộng đồng kinh tế ASEAN - cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết sau 30 năm đổi mới đất nước, nước ta đã đạt những thành tựu ngoạn mục nhưng cũng còn nhiều hạn chế.

Cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Đồng Nai mới đây về Cộng đồng kinh tế ASEAN - cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết sau 30 năm đổi mới đất nước, nước ta đã đạt những thành tựu ngoạn mục nhưng cũng còn nhiều hạn chế.

Du khách đến tham quan, du lịch tại Khu du lịch Giang Điền, huyện Trảng Bom.
Du khách đến tham quan, du lịch tại Khu du lịch Giang Điền, huyện Trảng Bom.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, những năm qua Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đứng thứ nhì thế giới nhưng tăng theo kiểu “con kiến”, còn các nước trong khu vực tăng trưởng theo tốc độ “con thỏ”. Nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7%/năm nhưng tăng trên nền GDP quá thấp nên giá trị tăng không cao, còn các nước tuy con số tăng trưởng thấp nhưng trên nền GDP cao nên giá trị thực tế là rất lớn. Cứ thế, theo thời gian phát triển kinh tế, Việt Nam ngày càng cách xa các nước đi trước, nhất là Trung Quốc.

* Thị trường chung

Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam đang “có vấn đề”, bởi 35 lao động của Việt Nam mới làm bằng năng suất 1 lao động Singapore. 30 năm qua, năng suất lao động của Việt Nam không thay đổi, cứ theo kiểu “bò trườn”. Quy mô doanh nghiệp của Việt Nam thì chỉ ở mức nhỏ và quá nhỏ. Không những thế, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành công nghệ cao chỉ chiếm 2%, còn đa số lại tham gia công đoạn có công nghệ thấp.

Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành, ASEAN cơ bản trở thành một thị trường chung, hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ, lao động có tay nghề... được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ hàng rào hay sự phân biệt đối xử nào giữa các thành viên. Gia nhập ASEAN, Việt Nam có cơ hội dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực, qua đó mở rộng thị trường, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn. Cho nên, sản phẩm của nước nào tốt, chất lượng nhưng giá cả thấp sẽ thắng. Khi đó, sự cạnh tranh trong khối ASEAN sẽ trở nên rất khốc liệt.

* Cạnh tranh thế nào?

Vậy, với thực trạng của nền kinh tế Việt Nam như hiện nay sẽ cạnh tranh thế nào?

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu các trụ cột, đó là các tập đoàn kinh tế tư nhân. Thời gian qua, Việt Nam chỉ có các tập đoàn Nhà nước nhưng loại hình này lại tiêu tốn tiền của, ngân sách  của Nhà nước. Khi có các tập đoàn mạnh sẽ là trụ cột cho các doanh nghiệp khác bám vào. Tập đoàn kinh tế của các nước trong khu vực gắn với công nghiệp chế tạo, còn tập đoàn của Việt Nam chỉ khai thác khoáng sản, tài nguyên của đất nước.

Sản xuất sợi để xuất khẩu tại một công ty ở huyện Long Thành.
Sản xuất sợi để xuất khẩu tại một công ty ở huyện Long Thành.

PGS.TS Trần Đình Thiên còn cho biết, Việt Nam phải biết thúc đẩy phát triển kinh tế nội địa bởi từ khi Việt Nam gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), khu vực FDI tăng mạnh, còn doanh nghiệp nội địa phát triển chậm. Đồng thời nước ta phải mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế hơn nữa. Hiện nay, nền công nghiệp nước ta nặng về khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp. Nền nông nghiệp thì chuyển dịch cơ cấu theo kiểu “đèn cù”, năm nào cũng nói thay cây, thay con nhưng quanh quẩn vẫn những cây theo kiểu sản lượng cao, chất lượng thấp, cứ năm nay trồng ổi, sang năm trồng đu đủ... Nông nghiệp Việt Nam cũng đang theo kiểu thích sản lượng, năng suất, chưa quan tâm chất lượng.

Theo PGS.TS Trn Đình Thiên, Đồng Nai là tỉnh quan trọng trong kết nối hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đồng Nai muốn vượt lên trong hội nhập phải trở thành đặc khu, phải xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển, phải quan tâm phát triển du lịch; đồng thời quan tâm phát triển nông nghiệp, phải biết kêu gọi những doanh nghiệp mạnh vào nông nghiệp thì những sản phẩm của Đồng Nai mới cạnh tranh được với các nước, nhất là Thái Lan. Những năm qua, Đồng Nai có bước tiến mạnh. Khi hội nhập, Đồng Nai có thuận lợi là sân bay Long Thành, các tuyến đường cao tốc, cảng biển nên phải có tư duy toàn cầu, hiện đại hóa, biết phát huy những lợi thế này.

Một cản trở trong phát triển của Việt Nam nữa là thể chế. Số giờ nộp thuế của một doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện trong năm là 872 giờ, các nước trong ASEAN chỉ tốn 171 giờ (chênh lệch hơn 700 giờ). Các cấp, các ngành cần xem lại bộ máy đã phục vụ doanh nghiệp chưa hay chỉ làm khổ doanh nghiệp.

Khi hội nhập, nước nào có nhiều trí tuệ, công nghệ cao thì nước đó thành công. Nơi nào có định hướng công nghệ rõ ràng thì thắng. Do đó, muốn phát triển phải tôn trọng tri thức, trọng dụng nhân tài, liên tục đổi mới, phải có tinh thần quốc gia khởi nghiệp và phải biết học những cái tiến bộ đi trước.

Phương Hằng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều