Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuốn sổ tay của Đại tá, Tỉnh trưởng Long Khánh

12:04, 30/04/2015

Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Xuân Lộc (30-4-1975 – 30-4-2015), qua sự hướng dẫn của ông Dẫn, chúng tôi đã cùng Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng đến TP.Hồ Chí Minh, nơi người lính trinh sát đặc công Ngô Huy Hoàng thuộc Tiểu đoàn 20 năm xưa (người đang giữ cuốn nhật ký), tìm hiểu sự thật.

Cách đây 5 năm, khi đi thu thập tư liệu viết bài nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, chúng tôi được ông Nguyễn Tá Dẫn, cựu chiến binh Tiểu đoàn 20 trinh sát đặc công Quân khu 7 trong chiến tranh, tiết lộ: “Trong lúc truy kích địch ở mặt trận Xuân Lộc năm 1975, có một chiến sĩ Tiểu đoàn 20 thu được cuốn nhật ký của Đại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng Long Khánh. Không biết trong cuốn nhật ký ghi chép những gì, nhưng mấy mươi năm rồi, kỷ vật của chiến trường xưa vẫn được người cựu binh ấy gìn giữ…”.

Ông Ngô Huy Hoàng (bên trái) kể lại chuyện thu được cuốn nhật ký của Đại tá Phạm Văn Phúc.
Ông Ngô Huy Hoàng (bên trái) kể lại chuyện thu được cuốn nhật ký của Đại tá Phạm Văn Phúc.

Cuốn sổ tay của Tỉnh trưởng Long Khánh

Lúc ấy, nhiều người còn nghi ngờ về độ xác thực của thông tin ông Dẫn cung cấp, thậm chí có người còn nói đó chỉ là tin đồn thiếu căn cứ. Nhưng đối với chúng tôi, thông tin ấy thật quý giá.

Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Xuân Lộc (30-4-1975 – 30-4-2015), qua sự hướng dẫn của ông Dẫn, chúng tôi đã cùng Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng đến TP.Hồ Chí Minh, nơi người lính trinh sát đặc công Ngô Huy Hoàng thuộc Tiểu đoàn 20 năm xưa (người đang giữ cuốn nhật ký), tìm hiểu sự thật.

Cuốn sổ bút
Cuốn nhật ký của Đại tá Phạm Văn Phúc.

Cựu chiến binh Ngô Huy Hoàng chia sẻ, cuốn nhật ký của Đại tá Phạm Văn Phúc đã được ông gìn giữ cẩn thận suốt 40 năm qua. Xét về mặt nội dung, trong ấy không ghi chép gì nhiều, nhưng để có được cuốn nhật ký ấy đồng đội của ông đã mất nhiều xương máu trong cuộc chiến 12 ngày đêm tại mặt trận Xuân Lộc cách đây 40 năm.

Ông Ngô Huy Hoàng cho biết, vào ngày 9-4-1975, quân ta nổ súng tiến công Xuân Lộc, Tiểu đoàn 20 trinh sát đặc công Quân khu 7 được giao nhiệm vụ trinh sát bám địch ở đèo Con Rắn để tiêu diệt địch khi chúng tháo chạy qua lộ 2. Sau 12 ngày đêm chiến đấu giằng co với địch bên trong TX.Long Khánh, quân địch đã bị vỡ trận. Chiều tối 20-4-1975, toàn bộ quân địch ở mặt trận Xuân Lộc bắt đầu rút chạy dưới cơn mưa tầm tã. Do phát hiện địch rút chạy hơi muộn nên Tiểu đoàn 20 và lực lượng vũ trang địa phương chỉ tiêu diệt được một số tên, số còn lại chạy vào rừng cao su để về Long Thành.

Ký ức về một thời hoa lửa

Trong cuộc tháo chạy hỗn loạn đó, đơn vị của ông Ngô Huy Hoàng phát hiện một chiếc xe Jeep chạy sau cùng, trên xe có 5 tên địch còn mặc đồ lính trên người nên đã chặn bắt sống. Trước những họng súng đen ngòm của bộ đội giải phóng, 5 tên địch trên xe đã riu ríu bước xuống xe và giơ tay đầu hàng. Lo sợ bị tiêu diệt, một tên trong bọn run run lên tiếng: “Tôi là sĩ quan cao cấp, Đại tá, Tỉnh trưởng Long Khánh, đề nghị các ông đối xử với chúng tôi theo đúng công ước quốc tế tù hàng binh chiến trường”.

Kể đến đây, giọng ông  Ngô Huy Hoàng trở nên sôi nổi. Lúc đầu, các chiến sĩ không biết đó là Đại tá Phạm Văn Phúc, nhưng nghĩ đây có lẽ là những chỉ huy cao cấp trong quân đội Sài Gòn nên buộc họ cởi bỏ hết quần áo lính và áp giải về Sở chỉ huy Tiểu đoàn 20. Sau đó, ông Hoàng cùng đồng đội quay lại hiện trường, nơi chiếc xe Jeep đang đậu để kiểm tra thì phát hiện trên xe có cuốn sổ tay màu đỏ cỡ 10x20cm để trước cabin xe. Thấy cuốn sổ tay có màu sắc khá đẹp, mọi người mở ra xem thì thấy bên trong, trang đầu cuốn nhật ký có ghi: “Bổ nhiệm ngày 17-9-1974. Đại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng Long Khánh. DT 45637. DS 21/9/1974”. Còn lại khoảng 10 trang kế tiếp, Đại tá Phạm Văn Phúc đã ghi chép, bày tỏ nỗi sợ hãi trước các đợt pháo kích, tấn công liên tục của “Việt cộng”, cầu nguyện được bình an để sống và nuôi vợ con.

Cũng theo ông Ngô Huy Hoàng, căn cứ nội dung ghi chép của Đại tá Phạm Văn Phúc trên trang đầu tiên cuốn sổ tay có thể đoán ông này từ Tiểu khu trưởng Bình Long mới được điều về giữ chức Tỉnh trưởng Long Khánh tháng 9-1974. Chưa “ngồi nóng ghế”, ông ta đã bị quân giải phóng đánh cho tan tác.

Ông Ngô Huy Hoàng còn cho biết, tuy nội dung trong cuốn sổ tay của Đại tá Phạm Văn Phúc không có nhiều thông tin quý giá, nhưng đây là kỷ vật chiến tranh nên ông để dành tặng lại đơn vị trưng bày trong nhà truyền thống của Tiểu đoàn 20 để nhắc nhớ về một thời hoa lửa tại “cánh cửa thép” Xuân Lộc.

Đức Việt

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích