Báo Đồng Nai điện tử
En

Thanh niên nông thôn "khát" vốn

10:11, 19/11/2014

Phát huy vai trò xung kích trong phát triển kinh tế, nhiều thanh niên nông thôn trong tỉnh đã phấn đấu vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của một số thanh niên trong quá trình lập nghiệp là khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

 

Phát huy vai trò xung kích trong phát triển kinh tế, nhiều thanh niên nông thôn trong tỉnh đã phấn đấu vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của một số thanh niên trong quá trình lập nghiệp là khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Mô hình nuôi tôm của anh Lưu Trung Hậu, ấp 5, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch).
Mô hình nuôi tôm của anh Lưu Trung Hậu, ấp 5, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch).

Trước khó khăn về vốn, hầu hết thanh niên đều thực hiện phương án khả năng có tới đâu làm tới đó. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thành lập mô hình mới, mở rộng quy mô, hạn chế hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

* Tự lực là chính

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Lưu Trung Hậu, ấp 5, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) đã chọn mô hình nuôi tôm để khởi nghiệp. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm khiến cho quá trình lập nghiệp của anh gặp không ít khó khăn.  Anh Lưu Trung Hậu chia sẻ hiện anh đang cần khoảng 200 triệu đồng để mở rộng mô hình nuôi tôm nhưng chưa biết sẽ vay ở đâu vì nguồn vốn vay ưu đãi từ nguồn quỹ của Đoàn thanh niên có hạn và chủ yếu là dành hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy chưa có cuộc khảo sát nào về nhu cầu vay vốn của thanh niên, nhưng trong thực tế thanh niên có nhu cầu vay vốn như anh Hậu không phải ít. Anh Phùng Thanh Sang, Phó bí thư Huyện đoàn Vĩnh Cửu, dẫn chứng trong các ý kiến, kiến nghị của Đoàn thanh niên các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đề cập đến việc tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên vay vốn làm kinh tế. Trong khi đó nguồn vốn vay do Đoàn thanh niên quản lý không đáp ứng được nhu cầu, khiến cho dự định bám trụ lại quê nhà làm ăn, ổn định cuộc sống trở nên khó thực hiện với một số thanh niên ở nông thôn.

Khó tiếp cận nguồn vốn vay không chỉ xảy ra đối với cá nhân, mà đến mô hình kinh tế tổ hợp tác thanh niên cũng gặp khó khăn về vốn, khiến cho hoạt động của tổ hợp tác không hiệu quả. Từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi heo xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) mới chỉ dừng lại ở việc trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi. Anh Bùi Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ hợp tác, lý giải anh em không có khả năng góp vốn; thủ tục vay vốn tín chấp của Đoàn thanh niên rườm rà, trong khi số vốn được vay lại không đủ để làm mô hình chăn nuôi heo tập thể nên anh em không đồng ý. Việc vay vốn thế chấp lại càng khó bởi đa số anh em đang ở với gia đình, không có tài sản thế chấp. Do vậy, mang tiếng là tổ hợp tác nhưng thực tế các thành viên trong tổ mạnh ai nấy làm theo kiểu cá thể hộ gia đình.

* Ưu tiên vốn cho mô hình kinh tế hiệu quả

Anh Nguyễn Cao Cường, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, cho biết Đoàn thanh niên hiện đang quản lý một số nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn, Quỹ Đồng hành cùng thanh niên tỉnh Đồng Nai, Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự, Liên minh Hợp tác xã và các câu lạc bộ, tổ, nhóm tương trợ… với tổng số vốn gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn này mới chỉ giải quyết được nhu cầu vay vốn của bộ phận thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Để đối phó với tình trạng “khát” vốn của thanh niên, Tỉnh đoàn đang nỗ lực để tăng nguồn vốn do Đoàn thanh niên quản lý thông qua việc liên kết với Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, xây dựng quỹ tương trợ trong thanh niên; đề xuất Trung ương Đoàn tăng cường nguồn vốn, huy động vốn trong thanh niên để tăng thêm nguồn Quỹ Đồng hành với thanh niên tỉnh; khuyến khích các mô hình tương trợ của thanh niên...

Theo anh Phùng Thanh Sang, nếu như thanh niên thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, không có cơ sở vật chất ban đầu, có vay được số vốn 20-30 triệu đồng cũng khó phát huy được hiệu quả cao. “Thay vì nguồn vốn chỉ dành cho thanh niên thuộc hộ nghèo, cần mở rộng đối tượng cho vay căn cứ vào hiệu quả của mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Từ mô hình kinh tế của thanh niên được vay vốn làm ăn hiệu quả sẽ là cơ sở để tổ chức Đoàn huy động vốn cho nguồn Quỹ Đồng hành với thanh niên của tỉnh” - anh Sang nói.

Trong khi đó, từ thực tế tại cơ sở, anh Bùi Tiến Dũng cho rằng để thanh niên tiếp cận được với nguồn vốn vay, thủ tục vay vốn nên đơn giản hơn và có hướng dẫn cụ thể về quy trình vay vốn; nếu không đáp ứng hoàn toàn nhu cầu về vốn của thanh niên, cũng nên đáp ứng từ 50-70% nhu cầu vốn để thanh niên không thấy “nản” khi làm thủ tục.

Nguyễn Tuyết

 

 

 

Tin xem nhiều