Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay xây dựng quê hương

10:06, 25/06/2014

Cán bộ Mặt trận ở cơ sở là cầu nối gắn kết giữa chính quyền địa phương với quần chúng nhân dân.

Cán bộ Mặt trận ở cơ sở là cầu nối gắn kết giữa chính quyền địa phương với quần chúng nhân dân.

Để hoàn thành tốt vai trò này, cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã có những cách làm sáng tạo, gắn với tình hình thực tế của từng địa phương.

* Gắn kết tình làng nghĩa xóm

Là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Nùng, đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) nên mỗi khi trong xã xảy ra tranh chấp, ông Lý Văn Hồng luôn được người dân tìm đến nhờ phân xử. Ông Lý Văn Cường, một người dân ở ấp Đông Hải, kể: “Khi được người dân nhờ phân xử vụ việc, ông Hồng đã dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến từ các bên, sau đó phân tích cho mọi người thấy được phải trái của sự việc. Đặc biệt, ông Hồng đã không ngại khó khăn để đến với từng hộ gia đình có liên quan trong vụ việc tranh chấp, khuyên nhủ mọi người cùng đoàn kết dẹp bỏ hiềm khích cũ để cùng sống hòa thuận”. 

Ông Lý Văn Hồng (bìa trái) đến thăm một gia đình người dân tộc Nùng trong xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom).
Ông Lý Văn Hồng (bìa trái) đến thăm một gia đình người dân tộc Nùng trong xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom).

Cách nơi ông Hồng làm việc hơn 60km cũng có một cán bộ Mặt trận đóng góp tích cực trong việc gắn kết nghĩa tình xóm làng, đó là ông Hoàng Xuân Việt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, thành viên Ủy ban MTTQ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh. Thực tế ở địa phương, các giao dịch vay - mượn hay đặt cọc tiền trong mua bán của bà con trong xã thường chỉ dùng lời nói làm giao kèo, khi có tranh chấp xảy ra không có giấy tờ làm chứng nên tranh chấp kéo dài ảnh hưởng đến tình nghĩa xóm làng. “Khi nắm bắt được vấn đề này, tôi đã chủ động phối hợp cùng ban công tác Mặt trận, các cụ cao tuổi, cựu chiến binh từng ấp, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền các quy định của pháp luật trong mua bán kinh doanh để bà con nắm rõ, tránh thiệt hại cho bản thân cũng như mất tình đoàn kết” - ông Việt chia sẻ kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, khi nhận được tin báo của người dân về những vụ việc cần hòa giải, nhất là các vụ việc phát sinh trong gia đình bà con, dù là ngày hay đêm ông Việt đều kịp thời có mặt để nắm bắt tình hình và tham gia giải quyết.

* Chung tay xây dựng quê hương

Theo ông Nguyễn Thiện Tâm, cán bộ Ủy ban MTTQ huyện Định Quán, bên cạnh việc nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân, cán bộ Mặt trận ở cơ sở còn có nhiều đóng góp trong việc xây dựng quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Nắm bắt được mong mỏi của người dân trong ấp muốn được nhà văn hóa ấp để tổ chức sinh hoạt hay hội họp cộng đồng cho tươm tất, năm 2013 ông Nguyễn Đắc Bang, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 5, xã Gia Canh (huyện Định Quán), đã đề xuất với chính quyền địa phương vận động người dân trong ấp đóng góp xây dựng nhà văn hóa. Sau khi được chính quyền chấp thuận, ông tiếp tục vận động nhân dân và được mọi người đồng tình, ủng hộ hết mình. Sau một thời gian triển khai, người dân trong ấp đã đóng góp được 90 triệu đồng (cùng với 20 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ) để xây dựng nhà văn hóa ấp có diện tích 360m2, được trang bị đầy đủ bàn ghế, dàn âm thanh mới.

Bà Lưu Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trảng Bom, cho biết: “Vai trò của cán bộ Mặt trận ở cơ sở rất quan trọng. Nơi nào cán bộ Mặt trận năng động, nhiệt tình và tháo vát trong công việc thì sự gắn kết giữa chính quyền địa phương với quần chúng nhân dân luôn được đảm bảo tốt. Đặc biệt, trong thời gian qua cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã làm rất tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt việc xây dựng các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng tại địa phương đã mang lại nhiều kết quả nội bật; công tác chăm lo cho đời sống của người nghèo từ các nguồn lực xã hội hóa luôn được phát huy”.

Một trường hợp khác là ông Hà Văn Vang, Trưởng ấp Tân Thịnh, xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom). Năm 2000, khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động, ông Vang liên tục có nhiều sáng kiến hay gắn với thực tiễn của địa phương. Trong đó, từ thực trạng là cổng ấp văn hóa Tân Thịnh xuống cấp, ông đã vận động các mạnh thường quân đóng góp được 21 triệu đồng để xây dựng mới cổng ấp khang trang, to đẹp hơn. Ngoài ra, ông mạnh dạn đứng ra vận động kinh phí để xây dựng hàng trăm cột cờ và may mới cờ Tổ quốc để treo đồng nhất trước cửa mỗi nhà vào dịp lễ, tết; gắn 24 bảng pa nô tuyên truyền có nội dung liên quan đến việc xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” dọc theo các trục đường chính trong ấp để mọi người đều có thể nắm rõ và cố gắng thực hiện, tránh vi phạm. Ông Vang chia sẻ: “Tôi chỉ mong sao xóm làng sạch đẹp, không có tệ nạn để xứng đáng là ấp văn hóa”.

Cùng có mong muốn làm đẹp cho xóm làng nên suốt nhiều năm qua, mặc dù 2 chân bị tật nhưng ông Võ Phi Hùng, 53 tuổi, Tổ trưởng tổ 20, thành viên Ban công tác Mặt trận ấp Bảo Vinh B, xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) vẫn thường xuyên tự mình dọn dẹp vệ sinh những đoạn đường trong tổ. Thấy nhiều nhánh cây do các hộ dân trồng làm hàng rào mọc lấn ra đường gây vướng víu, che khuất tầm nhìn của người đi đường, ông Hùng lại tự mình dùng dao phát dọn cho gọn gàng, sạch sẽ. Mới đây nhất, ông Hùng đã vận động 27 hộ dân trong tổ tham gia đóng góp tiền cùng nhiều ngày công lao động để đổ đất, nâng cao đường nhằm tránh bị ngập lụt mỗi khi trời mưa. Ông Hùng khiêm tốn cho biết: “Làm những điều có ích cho những người xung quanh chính là niềm vui trong cuộc sống đối với tôi”.

Văn Truyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều