Vượt qua những cung đường quanh co một bên là thung lũng, một bên là vách núi, chúng tôi đặt chân đến xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ) để tìm gặp những đồng bào dân tộc cách đây 60 năm đã đứng ra vận động bản làng góp trâu, góp gạo nuôi quân ủng hộ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vượt qua những cung đường quanh co một bên là thung lũng, một bên là vách núi, chúng tôi đặt chân đến xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ) để tìm gặp những đồng bào dân tộc cách đây 60 năm đã đứng ra vận động bản làng góp trâu, góp gạo nuôi quân ủng hộ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo lời một đồng nghiệp Báo Điện Biên Phủ, những người này “quả thật là những báu vật sống của bản làng, của núi rừng Tây Bắc”.
Cụ Lù Thị Đôi đã 100 tuổi (bìa phải) bên người con gái. Ảnh: Đ.Tùng |
Cả bản, cả làng đi giã gạo nuôi quân
Đặt chân đến đất Mường Phăng, khó khăn đầu tiên chúng tôi gặp phải là rào cản ngôn ngữ. Phần lớn những người lớn tuổi ở đây đều không nói được tiếng Việt, vì vậy chúng tôi phải nhờ ông Lò Văn Biên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng làm “phiên dịch”. Phải mất nhiều thời gian, chúng tôi mới tìm được nhà bà Cà Thị Lôi (80 tuổi), dân tộc Thái ở bản Co Mận, xã Mường Phăng.
Bà Cà Thị Lôi (bên trái) kể về những ngày giã gạo nuôi quân |
Bà Cà Thị Đôi chỉ biết nói tiếng Thái, tiếng Mông. Ngày xưa người Kinh ở đất Tây Bắc rất ít nên thời điểm đó cả bản, cả làng không có mấy người nói được tiếng Việt. Bà Cà Thị Lôi cho biết, năm xưa bộ đội về đây đánh Pháp rất bí mật, chính bà đi giã gạo nuôi quân nhưng cũng chỉ biết là đi làm theo lời người lớn trong bản. Đến khi chiến dịch bắt đầu, pháo nổ rung trời ở phía Mường Thanh, khi ấy cả bản, cả làng mới biết là bộ đội từ đồng bằng lên đánh Pháp.
“Ngày ấy khi đã biết bộ đội lên đánh Pháp, cả bản Co Mận này và các bản xung quanh, người dân đều nô nức đem gạo, gà, thậm chí là trâu để tiếp tế cho bộ đội. Bọn Pháp bị đánh mạnh quá nên co cụm lại ở xung quanh Mường Thanh, không chú ý đến người dân tộc chúng tôi làm gì. Lúc đi giã gạo cho bộ đội, chúng tôi còn làm lén lút ban đêm, chứ đến khi đưa trâu, gà, lương thực thì chúng tôi đi bất kể đêm ngày. Bọn Pháp có biết cũng chẳng làm gì được, vì chặn đường tiếp tế này chúng tôi lại đi đường khác. Người Thái chúng tôi ở đây từ rất lâu rồi, đường đi nước bước ở vùng này nằm trong lòng bàn tay ấy mà” - bà Lôi hào hứng kể.
Bà Lù Thị Đôi (bên phải) chụp với đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004 |
Dường như trong trí nhớ của người phụ nữ lớn tuổi này, tất cả như vừa diễn ra ngày hôm qua. Đôi mắt sáng ngời và lời kể liền mạch sau mỗi câu hỏi của chúng tôi khiến câu chuyện của bà trở nên rất sống động. Bà nói thêm, có một thời gian trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, vì sợ người dân các bản đem lương thực cho bộ đội, quân Pháp còn bắt nhiều bản của người Thái, người Mông quây quần lại sống tập trung ở bản Đông Mệt (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên ngày nay) để chúng dễ bề quản lý. Nhưng đồng bào dân tộc nơi đây cũng tìm được cách trốn dần dần để đi giã gạo cho bộ đội, đến khi chúng co cụm lại ở Mường Thanh, không thể kiểm soát được nữa thì đồng bào lại quay về sinh sống ở bản cũ.
Ký ức không phai
“Bây giờ nhiều bà cũng đã chết rồi, chỉ còn một mình em thôi, tôi giờ cũng hết sức rồi. Thôi, bây giờ anh em mình cố gắng sống cho khỏe mạnh, vươn lên cho con cháu noi theo” - cụ Lù Thị Đôi (100 tuổi), người dân tộc Thái ở bản Phăng, xã Mường Phăng nhắc lại lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với mình khi lên thăm xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 2004).
Cùng với cụ Lù Thị Đôi, ở bản Phăng còn có ông Lò Văn Bóng (90 tuổi, đã qua đời cách đây 2 năm). Thời điểm Chiến dịch Điện Biên diễn ra, ông là du kích xã và được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài Chỉ huy sở Mường Phăng. Ngày ấy, do yêu cầu bí mật nên ông Bóng chỉ được quán triệt rằng đấy là khu đặc biệt quan trọng, cần được bảo đảm an toàn đặc biệt. Sau ngày Điện Biên giải phóng, ông Bóng là người bảo vệ tự nguyện cho Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch suốt từ đó cho đến lúc qua đời ở tuổi 90. |
Cũng như những người già ở đây, cụ Đôi không nói được tiếng Việt, tất cả những gì cụ nói với chúng tôi đều được người con gái phiên dịch lại. Cụ Đôi kể những năm Pháp đổ quân lên khắp vùng Điện Biên, cụ đã tay bồng, tay bế con thơ đứng lên vận động dân làng không được đi theo giặc, không để giặc phá hoại bản làng.
Trong lúc Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, cụ Đôi đã đi khắp các bản người Thái vận động góp trâu, heo, gà, gạo… để đem ủng hộ bộ đội ngoài Mường Thanh. Cụ còn nhớ như in mình đã vận động được 3 con trâu, hàng tấn gạo, riêng heo, gà thì rất nhiều. “Người Thái chúng tôi năm xưa chỉ ăn củ mài, củ khoai thôi, còn bao nhiêu gạo nếp, gạo tẻ, thịt, cá thì đem ra mặt trận cả. Tôi còn dặn dò người trong bản rằng tuyệt đối không được nghe theo lời quân Pháp, ai có sức thì tham gia chiến đấu, ai yếu hơn thì vận chuyển thương binh, người già, trẻ con thì ở nhà...” - ở tuổi 100, cụ Đôi vẫn còn rất minh mẫn khi kể lại cho chúng tôi.
Cụ Đôi xúc động nhớ lại: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn, cố gắng làm việc, chiến đấu để giải phóng Điện Biên, giải phóng đất nước thì sau này con cháu sẽ không còn phải khổ nữa... Tôi nghe thế nên về truyền đạt lại cho người trong bản, dành hết niềm tin vào Bác Hồ, vào Đại tướng. Chiến thắng kẻ thù, ngươì Thái được sống bình yên trên mảnh đất Mường Phăng này...”.
Hướng đôi mắt lên phía sở chỉ huy chiến dịch trên ngọn đồi, cụ Đôi không ngăn được nước mắt khi nhớ về những ngày tháng gian khổ nhưng rất hào hùng cách đây 60 năm. Có lẽ trong ký ức của người phụ nữ ấy, một lần nữa, những “thước phim” lịch sử về Chiến dịch Điện Biên Phủ lại được hiện ra, rõ ràng và không phai mờ theo năm tháng...
Đăng Tùng (từ Điện Biên)
Bài 2: Cuộc sống mới ở vùng “đất chết”