1. Gần 20 năm trước, tháng 10-1994, từ miền Đông Nam bộ, nhân dịp về thăm quê ở huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), lần thứ hai tôi đến thăm gia đình Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót (làng Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên), cách nhà tôi trên 30km.
1. Gần 20 năm trước, tháng 10-1994, từ miền Đông Nam bộ, nhân dịp về thăm quê ở huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), lần thứ hai tôi đến thăm gia đình Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót (làng Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên), cách nhà tôi trên 30km.
Sau tuần hương bái vọng, chúng tôi ngồi trong ngôi nhà mới khang trang, mái lợp ngói tây còn tươi rói dưới ánh nắng chan hòa. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa do cán bộ và anh chị em cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam vận động, quyên góp, xây tặng.
Niềm nở đón tiếp tôi là một nông dân hiền lành, chất phác. Ông là Phan Đình Giáp - em ruột của Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót. Ông Giáp cởi mở:
- Tháng 5 vừa rồi, Nhà nước có tổ chức cho các cựu chiến binh từng là lính Điện Biên và một số thân nhân gia đình liệt sĩ, trong đó có tôi lên thăm Điện Biên. Theo sự hướng dẫn của cô gái người dân tộc Thái, sau khi cùng đoàn dâng hương ở đài liệt sĩ, tôi tìm tới mộ anh Giót nằm ngay ngắn cùng đồng đội. Tới bên ngôi mộ, tôi ôm choàng thân mộ như ôm lấy hình hài anh vậy, nước mắt rơi lã chã, thương nhớ vô cùng. Thấy tôi nức nở bên mộ anh, những người có mặt thấu hiểu được tâm trạng đều đứng lặng, nước mắt ai nấy dâng trào...
Qua cơn xúc động, ông Giáp tiếp tục hồi tưởng:
- Tôi còn nhớ như in, vào năm 1950 khi anh Giót lên đường tòng quân nhập ngũ. Tối hôm trước, không biết mẹ tìm đâu ra được hai ống bơ gạo ruộng chiêm đỏ quạch, chừng năm lạng. Đêm ấy, mẹ không sao chợp mắt, phần vì sắp phải xa con, phần vì lo sao có bát cơm để cho con ấm dạ trước lúc lên đường cứu nước, chưa hẹn ngày trở lại. Cuối cùng thì bàn tay của mẹ cũng sắp đặt được một bữa cơm đạm bạc, trộn khoai sắn với dưa muối quê nhà. Biết tấm lòng thơm thảo của mẹ, anh nào nuốt nổi bát cơm. Bỗng ngoài ngõ có người tới giục ra sân đình tập trung vì đã đến giờ đầu quân. Anh bịn rịn chia tay mẹ và tôi. Vì quá vô tình mà tới khi ấy tôi mới thấy chiếc quần đùi anh đang mặc bằng vải bao bố rách như tổ đỉa. Tôi vội gọi anh ra, nói như khẩn khoản: “Anh ơi, em ở nhà ăn mặc sao cũng được. Nay anh lên đường, hãy dùng chiếc quần đùi này của em”. Anh bần thần không nói nên lời, hai mắt đỏ hoe ôm lấy tôi, anh nói gấp gáp: “Em ở lại, nhớ thay anh chăm sóc mẹ. Gia cảnh mình quá ngặt nghèo, phải tần tảo hôm sớm, tội nghiệp mẹ quá!”. Thế mà anh ra đi đã mấy chục năm rồi...
Đài tưởng niệm anh hùng Phan Đình Giót tại quê hương Hà Tĩnh. |
Ông Giáp tiễn tôi ra đầu làng bằng cái bắt tay lưu luyến. Những cọng rơm vàng óng sau vụ gặt như níu lấy bàn chân cả khách và chủ mà lòng bâng khuâng lạ…
Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót (1922 - 1954) lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho đồng đội tiến lên tiêu diệt hỏa lực địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hình ảnh này mãi mãi là hình tượng sáng ngời khí thế tiến công của người chiến sĩ cách mạng. |
2. Tại Đồng Nai, tôi biết đến ông Nguyễn Văn Lưu, chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Ông quê tỉnh Quảng Trị, là sĩ quan quân đội nghỉ hưu, hiện cư ngụ ấp Long Đức 1, xã Tam Phước, TP. Biên Hòa. Giờ đây dù đã gần 90 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng, song hình ảnh về Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót luôn hiện hữu trong ông.
Ông Lưu kể:
- Khi tôi làm Trung đội phó, thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 thì anh Giót là tiểu đội phó trong cùng trung đội. Phan Đình Giót là một người mộc mạc, chân thành và hết lòng vì đồng đội. Nhà nghèo, từ quê vào lính nên anh Giót rất khéo tay. Hồi đơn vị còn đóng quân ở tỉnh Phú Thọ, trước lúc lên Điện Biên, nhiều đồng chí không có mũ phải để đầu trần. Tranh thủ ngày nghỉ, anh Giót tỷ mẩn ra nan tre và nan cành cọ rồi đan những chiếc mũ cho bạn bè. Chính chiếc mũ nan mà anh Giót kết tặng tôi để chụp tấm ảnh này là kỷ niệm để đời còn lưu lại như một báu vật. Mỗi lần nhìn thấy nó, lòng tôi lại nhớ anh đến thẫn thờ.
Ông Lưu nói tiếp:
- Tấm gương hy sinh oanh liệt của anh thì sử sách đã nói nhiều. Tôi chỉ xin nhắc lại những sự kiện mà mình chứng kiến. Ấy là chiều 13-3-1954, lệnh nổ súng tiêu diệt vị trí Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo ta bắn chuẩn bị. Các chiến sĩ Đại đội 58 của tôi lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ 8, Phan Đình Giót đánh quả thứ 9 thì bị thương vào đùi, nhưng vẫn xung phong đánh quả thứ 10. Địch tập trung bắn như trút đạn xuống trận địa ta. Đồng đội bị thương vong nhiều… Lợi dụng thời cơ, Phan Đình Giót vọt lên bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Anh bị thương vào vai, máu chảy đầm đìa. Nhưng hỏa lực địch từ lô cốt số 3 đã xuất hiện rất nguy hiểm, bắn mạnh vào đội hình ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, Phan Đình Giót cố lê lên, nhích dần đến gần lô cốt số 3. Anh dùng hết sức còn lại nâng khẩu tiểu liên lên xả mạnh vào lỗ châu mai, miệng hô to: “Quyết hy sinh… Vì Đảng… vì dân!”, rồi rướn người lên lấy đà, lao cả thân mình vào bịt lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất đã bị dập tắt, toàn đơn vị xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, mở đầu cho quân ta dội sấm sét xuống tập đoàn Điện Biên Phủ của thực dân Pháp…
“Tấm gương hy sinh oanh liệt của anh Phan Đình Giót đã được lan truyền khắp mặt trận, có sức cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ xông lên tiêu diệt quân thù. Tự hào biết bao, tôi là người đã từng cùng ăn, cùng ngủ, cùng huấn luyện, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, chiến đấu nhiều năm cùng anh ấy…” - cựu chiến binh Nguyễn Văn Lưu xúc động nói với chúng tôi.
Nguyễn Quốc Hoàn