Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ môi trường đặt lên hàng đầu

10:04, 09/04/2014

Tại hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX), ngoài việc tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy trong quý I-2014 còn cho ý kiến vào dự thảo kế hoạch của Tỉnh ủy để thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường".

Tại hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX), ngoài việc tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy trong quý I-2014 còn cho ý kiến vào dự thảo kế hoạch của Tỉnh ủy để thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Nghị quyết 24 của Trung ương đặt vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu lên hàng đầu, nhưng dự thảo kế hoạch của Tỉnh ủy lại đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Bởi Đồng Nai là tỉnh trọng điểm kinh tế của khu vực phía Nam, nơi tập trung hơn 30 khu công nghiệp nên vấn đề bảo vệ môi trường là quan trọng.

Các cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 51 (Trung đoàn 935) về giúp Trường THCS Thống Nhất (TP.Biên Hòa) làm vệ sinh môi trường chiều 8-4. Ảnh: Đoàn Phú
Các cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 51 (Trung đoàn 935) về giúp Trường THCS Thống Nhất (TP.Biên Hòa) làm vệ sinh môi trường chiều 8-4. Ảnh: Đoàn Phú

Không thu hút những dự án gây ô nhiễm

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Lê Viết Hưng, trước khi có nghị quyết của Trung ương, Đồng Nai đã có chủ trương không thu hút dự án bằng bất cứ giá nào mà phải lựa chọn, chỉ thu hút những dự án thân thiện với môi trường. Trong dự thảo kế hoạch của Tỉnh ủy để thực hiện Nghị quyết 24, tiếp tục khẳng định không thu hút những dự án gây ô nhiễm môi trường. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành danh mục các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường để không thu hút đầu tư và đã tổ chức thảo luận về vấn đề này. 

Đối với những ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, Đồng Nai đã và đang tích cực xử lý. Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Lê Viết Hưng, đã phân loại 150 cơ sở sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay đã xử lý được 114 cơ sở; còn 36 cơ sở thì có 5 cơ sở đã ngừng hoạt động, 31 cơ sở đang tiếp tục xử lý. Đối với danh sách 11 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong Quyết định 60 của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai cũng đã xử lý xong. Ở Đồng Nai còn công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, có doanh nghiệp đã đầu tư 50-60 tỷ đồng để khắc phục ô nhiễm. Vậy, với những giải pháp này nếu được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc thì mục tiêu đề ra đến năm 2020 không để phát sinh và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ có tính khả thi.

Đối với vấn đề xử lý chất thải, hiện nay Đồng Nai đã có 7 khu xử lý chất thải nguy hại, đủ năng lực xử lý 60% lượng chất thải này. Thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư 2 khu nữa. Khi có 9 khu xử lý chất thải, tỉnh đủ năng lực xử lý toàn bộ chất thải trên địa bàn.

Đối với việc xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung ở khu đô thị, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Nguyễn Phú Cường cho rằng, phải có giải pháp về vốn mới khả thi.

Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Lê Viết Hưng, hiện nay thế giới đang phải đối mặt với những biến đổi khí hậu. Bộ Tài nguyên - môi trường đã xây dựng các kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo đó, Bộ đã đưa ra 3 kịch bản ở mức độ thấp, trung bình và cao. Bộ cũng đã đưa ra dự báo cho vùng Nam bộ nhiệt độ trung bình đến năm 2100 sẽ tăng khoảng hơn 2OC; lượng mưa vào mùa mưa sẽ tăng gần 10%...

Riêng ở Đồng Nai, nếu theo kịch bản chung của cả nước thì đến năm 2100 sẽ có 5 huyện, thành phố bị ngập. Trong đó, huyện Long Thành bị ngập khoảng 33km2; huyện Nhơn Trạch bị ngập khoảng 43km2; TP.Biên Hòa bị ngập khoảng 9km2; huyện Vĩnh Cửu bị ngập khoảng 5km2 và huyện Trảng Bom ngập 4km2.

Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ, để ứng phó với biến đổi khí hậu hay bảo vệ môi trường, quan trọng là phải có tiền. Song, trước hay sau cũng phải làm. Trong vấn đề môi trường, có cái do thói quen của con người đã tác động xấu đến môi trường. Từng cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp phải có ý thức giữ gìn môi trường. Nếu con người không có ý thức thì dù Nhà nước có bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không có tác dụng. Phải giáo dục cho người dân thấy rằng, cầm một cái rác vứt xuống đường hay dòng sông là có tội.

Phương Hằng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích