Báo Đồng Nai điện tử
En

Không kích động hận thù

10:02, 17/02/2014

Báo điện tử VnExpress ngày 17-2 đã có bài phỏng vấn nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nhân 35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc.

Báo điện tử VnExpress ngày 17-2 đã có bài phỏng vấn nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nhân 35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc. Khi được hỏi ông nghĩ sao về việc nhiều năm nay giai đoạn lịch sử này gần như biến mất khỏi chính sử, sách giáo khoa, giáo trình đại học, ông cho biết:

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc một cuộc chiến tranh chống xâm lược như chiến tranh biên giới 1979 cần tôn vinh công lao và sự hy sinh của một thế hệ.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc một cuộc chiến tranh chống xâm lược như chiến tranh biên giới 1979 cần tôn vinh công lao và sự hy sinh của một thế hệ.

“Hiện tượng nêu trên là có thật. Trong các bảo tàng lịch sử hiện đại, khoảng trống này đôi khi đặt ra những câu hỏi rất đáng suy nghĩ của các khách tham quan, nhất là các bạn trẻ.

Tôi tin, trong công tác nghiên cứu, chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn được quan tâm vì quan hệ với Trung Quốc mãi mãi là một nhân tố rất quan trọng. Những tài liệu lưu trữ hay hiện vật lịch sử có thể còn, nhưng việc không được đưa vào giảng dạy, trưng bày và để cho các thế hệ biết tới, theo tôi là sai lầm.

Vấn đề là cách trình bày, thông điệp của chúng ta khi đề cập tới những sự kiện loại này không nhằm kích động hận thù mà là những bài học về trách nhiệm với hòa bình. Nhân dân nước nào cũng ưa chuộng hòa bình. Ứng xử của chúng ta với những giai đoạn lịch sử thời kháng chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ là những bằng chứng. Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP.Hồ Chí Minh thu hút không chỉ khách trong nước mà cả khách nước ngoài và những người từng ở bên kia chiến tuyến đến xem, mang lại hiệu ứng rất tích cực. Tại sao chiến tranh biên giới 1979 lại ngoại lệ? Một cuộc chiến tranh chống xâm lược phải là niềm tự hào cần tôn vinh với công lao và sự hy sinh của một thế hệ. 

Giới sử học nhiều nước từng có chung mong muốn là làm sao sách giáo khoa không che giấu sự thật về các cuộc chiến tranh trong quá khứ, đồng thời không khoét sâu tâm lý thù địch giữa các dân tộc, quốc gia. Nói cách khác là thái độ của chúng ta trước những hố sâu ngăn cách bởi những cuộc chiến tranh trong quá khứ như thế nào. Khoét sâu thêm thù hận? Lấp đầy bằng sự quên lãng? Cuối cùng, cách tốt nhất là trân trọng giữ lại nguyên vẹn sự thật của quá khứ như những trải nghiệm đau thương và vượt qua hố sâu đó bằng một cây cầu hữu nghị mà mỗi bên đều có trách nhiệm xây đắp”.

Nguyễn Hưng (Báo VnExpress)

Tin xem nhiều