Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy nội lực, giúp nhau vượt khó

10:10, 31/10/2012

Nhiều năm nay, từ phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, người dân Đồng Nai đã phát huy sức mạnh cộng đồng, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn, yêu thương đùm bọc nhau như lời Bác dạy.

Nhiều năm nay, từ phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, người dân Đồng Nai đã phát huy sức mạnh cộng đồng, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn, yêu thương đùm bọc nhau như lời Bác dạy.

Nằm trong diện huyện nghèo, đời sống người dân huyện Vĩnh Cửu trước đây gặp nhiều khó khăn, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, như: Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý. Ông Đoàn Thạnh, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu cho biết, năm 2006 khi triển khai “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên địa bàn, Huyện ủy đã thống nhất chủ trương “tự thân vận động” phát huy tối đa các nguồn lực từ trong cộng đồng là chính.

* Khi nông dân đùm bọc lẫn nhau…

Học và làm theo hình ảnh mỗi ngày tự tay bớt khẩu phần ăn, để dành gạo giúp dân nghèo của Bác, mô hình “Hũ gạo tình thương” đã được phát động ở xã Trị An. Hàng ngày, mọi người khi nấu ăn thì bớt lại một ít để dành, đến cuối tháng đem số gạo ấy đóng góp, những hộ khá giả còn tự nguyện đóng góp nhiều hơn. Kết quả, tất cả các hộ nghèo, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn trong xã đều được đảm bảo hỗ trợ từ 10-20 kg gạo/tháng. Không chỉ thế, Trị An còn là xã thực hiện tốt mô hình “Tương thân tương ái, người khá giúp người nghèo”, các hộ trong xã còn đóng góp để hỗ trợ chi phí học tập, quần áo, xe đạp cho các em học sinh nghèo được tiếp tục đến trường; hỗ trợ cây giống, con giống cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo; xây dựng nhà tình thương… Mỗi năm, số tiền vận động được từ người dân trong xã lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tặng quà cho đồng bào nghèo ấp Hiệp Nghĩa (thị trấn Định Quán). Ảnh: T.THÚY
Tặng quà cho đồng bào nghèo ấp Hiệp Nghĩa (thị trấn Định Quán). Ảnh: T.THÚY

Các mô hình này sau đó đã nhanh chóng được nhân rộng trong toàn huyện. Ở xã Bình Hòa, phong trào “Người khá giúp người nghèo” đã xây dựng được 11 căn nhà đại đoàn kết trị giá hơn 150 triệu đồng, vận động được trên 110 triệu đồng để hỗ trợ hộ nghèo, cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Xã Tân Bình trong 3 năm 2008-2011 cũng xây dựng được gần 40 căn nhà tình thương, trao học bổng cho học sinh nghèo tổng cộng gần 500 triệu đồng, cấp gạo thường xuyên cho 14 hộ nghèo 220kg gạo/tháng.

Không chỉ đùm bọc nhau lúc khó khăn, các nông dân học theo gương Bác còn giúp nhau làm ăn để vượt nghèo. Ở huyện Xuân Lộc, với mô hình “Câu lạc bộ năng suất cao”, người dân đã không “giấu nghề” mà tận tình hướng dẫn, chỉ bảo nhau ứng dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, canh tác. Ông Trần Hữu Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ năng suất cao của xã Xuân Thọ cho biết, từ lúc học được kỹ thuật tưới nhỏ giọt và bón phân qua đường ống, năng suất tiêu đã tăng lên gần 10 tấn/hécta, chi phí đầu tư giảm đi nên hàng năm thu nhập được trên 350 triệu đồng. Ông đã phổ biến kỹ thuật và chuyển giao công nghệ này đến các hội viên trong câu lạc bộ. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ cây giống, phân bón cho những hộ không đủ kinh phí trồng trọt. 

Tương tự, ở xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom) có bác Nguyễn Văn Lép nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng xen canh, chọn cây ăn trái giống tốt để lập vườn kết hợp với chăn nuôi nên từ một thương binh tay trắng đã thoát nghèo vươn lên khá giả. Sau đó, bác Lép luôn quan tâm giúp đỡ bà con trong vùng, chia sẻ cây giống, cho vay tiền không tính lãi để bà con nghèo cũng có điều kiện lập vườn, nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con trồng trọt, chăn nuôi đạt được năng suất cao, thoát nghèo như mình. Bác Lép thường nói: “Tôi là bộ đội Cụ Hồ, không chỉ học Bác sống tiết kiệm, lành mạnh, yêu thích lao động, mà còn luôn tâm niệm phải học Bác tấm lòng nhân ái, yêu thương đồng bào của mình”.

* Phụ nữ học Bác từ điều nhỏ nhất

Một trong những đức tính tiết kiệm của Bác được nhiều chị em hội viên từ thành thị đến nông thôn vận dụng làm theo, đó là mô hình “Heo đất tiết kiệm”. Chị Đào Thị Dương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Đắk Lua (huyện Tân Phú) cho biết, chị em hội viên trong xã bảo nhau mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm từ 500-1.000 đồng bỏ vào ống heo, cuối tháng sẽ có được từ 15-20 ngàn đồng để đóng góp vào quỹ tương trợ. Từ những khoản tiền rất nhỏ tưởng chừng như chẳng thể mua được gì, nhưng “tích tiểu thành đại”, 3 năm nay chị em hội viên đã “gom” được trên 122 triệu đồng để giúp đỡ nhau giúp khó khăn, hoạn nạn, cho vay vốn không tính lãi để làm kinh tế phụ gia đình, trao học bổng Nguyễn Thị Định cho 15 nữ sinh nghèo vượt khó. Các chị còn bảo nhau đóng góp 3 ngàn đồng/người/năm cho nồi cháo tình thương của trường mẫu giáo trong xã, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho các cháu nhỏ. “Thừa thắng xông lên”, các chị vận động nhau đóng góp thêm 5 ngàn đồng/người/năm để giúp nhau sửa chữa nhà. Đã có 6 căn nhà được sửa chữa, 2 căn nhà được xây mới từ khoản tiền nhỏ nhoi đó.

Tuyên truyền cho chị em phụ nữ ở phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh) sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện.            Ảnh: N.TUYẾT
Tuyên truyền cho chị em phụ nữ ở phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh) sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện. Ảnh: N.TUYẾT

Tương tự, chị Nguyễn Thị Cải, Chủ tịch Hội LHPN phường Long Bình (TP.Biên Hòa) kể, năm qua với mô hình “Heo đất tiết kiệm” như trên, 9 chi hội trong phường đã để dành được trên 50 triệu đồng giúp nhau lúc khó khăn. Ở huyện Xuân Lộc, mô hình này đã “nuôi” được 2.116 con heo đất với tổng số tiền tiết kiệm được là hơn 130 triệu đồng. Ngoài ra, các chị hội viên ở Xuân Lộc còn đặt 3.226 “hũ gạo tiết kiệm” tại nhà hoặc tại các nhà máy xay xát gạo, thu được gần 23 tấn gạo giúp cho người nghèo.

Các hội viên phụ nữ ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) còn có mô hình “Hùn vốn tương trợ”. Mỗi ngày đi chợ, các chị chỉ cần tạt qua nhà tổ trưởng góp 3 ngàn đồng, một tháng 48 thành viên của 4 tổ đã có được hơn 4,3 triệu đồng dành cho các hội viên khó khăn khác vay không tính lãi. Cứ vậy, các chị không chỉ giúp được nhau lúc khó khăn mà còn mua sắm được vật dụng sinh hoạt trong gia đình, hoặc có thêm khoản ngân sách dự phòng trong chi tiêu. Còn ở huyện Trảng Bom, mô hình “Xây dựng mái ấm tình thương” cũng được các hội viên chọn để học theo gương Bác. Đã có 13 căn nhà tình thương trị giá 420 triệu đồng được xây dựng tại các xã từ mô hình học tập này.

Thanh Thúy

 

 

 

 

Tin xem nhiều