Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ một dòng sông biết… “níu chân” người

09:01, 17/01/2012

Thành phố cảng Malacca nằm ở phía Tây Nam của đất nước Malaysia có một con sông cũng mang tên là Malacca. Dòng sông nhỏ và dịu dàng, bình lặng này đã uốn mình ngăn đôi thành phố được tạo dựng từ thế kỷ XV này thành nhiều màu sắc kiến trúc độc đáo, dị biệt mà hài hòa, tương thích trong khung cảnh châu Âu cổ điển với Malay huyền hoặc, Trung Hoa xưa cũ, lâu đời.

Thành phố cảng Malacca nằm ở phía Tây Nam của đất nước Malaysia có một con sông cũng mang tên là Malacca. Dòng sông nhỏ và dịu dàng, bình lặng này đã uốn mình ngăn đôi thành phố được tạo dựng từ thế kỷ XV này thành nhiều màu sắc kiến trúc độc đáo, dị biệt mà hài hòa, tương thích trong khung cảnh châu Âu cổ điển với Malay huyền hoặc, Trung Hoa xưa cũ, lâu đời. Do vậy, khi nói đến “Malaysia Truly Asia” (Malaysia - châu Á đích thực) giới sành điệu đều cho rằng: “Malacca là một trong những điểm du lịch được yêu mến nhất trên đất nước các hòn đảo” (Văn hóa du lịch châu Á - NXB Thế Giới) .Tôi chưa có dịp đến những nơi khác trên bán đảo Mã Lai, nên không biết đánh giá này chính xác cỡ nào, nhưng tôi cũng như nhiều du khách khác thấy Malacca quả là một nơi thật lý tưởng cho loại hình “Walking tour” (dạo bộ), đang là mốt thời thượng không những cho người cao tuổi, mà cả giới trẻ, cùng dân công sở…

Một chiếc cầu trên sông Malacca
Một chiếc cầu trên sông Malacca

Trong đó, vai trò của dòng sông Malacca là không thể thay thế được. Ý định ban đầu của tôi là chỉ ghé Malacca trong một đêm. Vậy mà nhìn thấy cảnh quan nơi đây, đã không cưỡng lại được sức hấp dẫn của việc ngồi lên chiếc Melaka River Cruise cùng với mấy chục du khách khác lướt trên dòng Malacca với tiếng cười đùa thích thú. Sông Malacca nhỏ đến mức mỗi khi hai chiếc tàu tham quan gặp nhau, mọi người vẫy tay chào rất vui nhộn. Nhiều cặp khách Tây, Nhật, Sing… ngồi trong mấy “riverside café” (quán cà phê bờ sông, nhưng bán cả các món ăn Âu, Hoa, Ấn, Mã… khá ngon với giá rẻ, được niêm yết giá hẳn hoi, kể cả món “hot” trong ngày của từng quán cho dân du lịch ba-lô. Nhiều quán loại này còn làm cả dịch vụ nghỉ trọ có ăn sáng miễn phí, mua vé cho khách đi Sing hoặc về Kuala Lumpur, hẹn giờ xe taxi đến rước chở ra bến... rất chu đáo) cũng vẫy tay chào rất sôi nổi, thân thiện. Đã ngồi tàu nhìn mấy dãy homestay, motel, guesthouse… mái nhọn xinh xắn nằm dọc hai bên bờ tươi xanh hoa lá… càng không thể... không dạo bộ để khám phá, ngắm nhìn.

Xe Treeshow, đặc sản Malaysia rất được du khách ưa chuộng.
Xe Treeshow, đặc sản Malaysia rất được du khách ưa chuộng.

Cả hai bên bờ sông Malacca dài đến hàng chục km này lại có rất nhiều thứ để tận mắt thấy, chụp ảnh. Nào là quảng trường Hà Lan, đài phun nước của Anh, pháo đài Bồ Đào Nha, nhà thờ Thiên Chúa giáo, đền Thánh Malay, chùa cổ Trung Hoa, thương thuyền gỗ, cối xay gió bằng gỗ… cái nào cũng ra đời từ thế kỷ XV, XIV… nhưng sắc màu vẫn lộng lẫy, tươi nguyên. Bờ sông đều được kè đá, cẩn đá và lát đá trên lối đi thoáng rộng với lan can, cột đèn mang nét kiến trúc riêng… Và cứ khoảng 10m lại có băng đá, ghế đá làm chỗ cho khách ngồi nghỉ chân và… ngắm hoa. Malaysia lấy dâm bụt làm quốc hoa và in cả hình hoa trên tiền; nên không lạ, hai bên bờ sông Malacca được trồng nhiều loại hoa đẹp và lạ. Trên dòng sông nhỏ Malacca còn có hàng chục cây cầu, mà mỗi cây một kiểu, ngắm hoài không biết chán. Tôi đã từng đắm đuối với những cây cầu đá cổ xưa rêu phong, liễu rủ ở Tây Hồ, Hàng Châu, Tô Châu… bên Trung Quốc, nhưng với những cây cầu bê-tông trên sông Malacca thì lại khác hoàn toàn, vừa hiện đại vừa cổ kính mà lại cũng vừa mang bản sắc kiến trúc riêng, rất lạ.

***

Dòng sông Malacca đã níu chân tôi ở lại đây. Và, tôi cũng đã ngồi hàng giờ bên ly cà phê trong một quán riverside để ngắm nhìn và nhớ về dòng sông Đồng Nai nơi quê nhà. Với tôi, sông Đồng Nai chất đầy kỷ niệm: cùng đám bạn học trò Nguyễn Du leo lên cây da sau chùa Phụng Sơn Tự nhảy tắm sông, đến xóm Lò Heo lò dò ra bãi cát xúc hến, ốc; lội đua ra Cồn Gáo, đạp xe qua Cù lao Phố, men theo bờ sông Đồng Nai để nhìn cảnh làm lu, gốm, gạch… ở Tân Vạn, chợ Đồn. Thời đó, nằm cạnh đầu cầu Gành có đến hàng chục ki-ốt chuyên bán bưởi Biên Hòa cho hành khách gần xa đi xe đò ghé lại rất đông vui. Hoặc chạy về phía Bửu Long men theo những hàng me cổ thụ để nhìn cảnh đập đá, gánh đá xuống ghe… Vui nhất là vào mùa đốn mía, đám học trò chúng tôi còn vòng theo hướng sông lên tận Công Thanh (nay là huyện Vĩnh Cửu) để vào mấy lò đường che trâu, xin cho được khúc mía lau chấm vào chảo mật đang nóng bốc khói trên lò, cắn cái rụp, ngon đến nhớ... cả đời. Đó là chuyện của thuở còn đi học; nhiều năm qua, tôi có dịp để được đi gần như suốt cả chiều dài của con sông này và nhớ cả đến từng lối mòn do bầy trâu đi uống nước hoặc lội qua sông. Tôi đã đưa khá nhiều bạn bè, đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc qua Cù lao Phố viếng đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Thất phủ Cổ Miếu, chùa Đại Giác; lên Bửu Long leo núi, ngắm hồ Long Ẩn, viếng Văn miếu Trấn Biên... Và, đến làng bè thưởng thức món gỏi cá Tân Mai, về làng cổ Bến Gỗ uống rượu đế cùng món chuột đồng, chim nắc nước; ghé làng bưởi Tân Triều nhậu gỏi, cá bay, bắp nếp nướng. Không ít lần tôi còn lặn lội lên tận miệt Tân Bình, Đại An nếm rượu ngâm trái ngâu cùng tôm càng xanh Rạch Đông nướng; hoặc sang Cù lao Thạnh Hội mềm môi với món bắp chuối thấu; qua Tân Ba, Tân Uyên ăn cháo cá lăng ở mấy quán bờ sông…

Nhà thờ đá trên đồi thánh Paul xây dựng từ thế kỷ XIV.
Nhà thờ đá trên đồi thánh Paul xây dựng từ thế kỷ XIV.

Có lẽ, tôi cũng là nhà báo hiếm hoi được tháp tùng ông Mười Vân (Nguyễn Hoàng Vân), từng làm Trưởng ty Công an Đồng Nai và ông Bảy Bình (Lê Quốc Bình - nguyên Phó ty công an được cử làm Chủ nhiệm Công ty du lịch Đồng Nai), cùng ông Ba Nê, Phó chủ nhiệm đi khảo sát tuyến đường sông Đồng Nai đầu tiên, khi Công ty du lịch Đồng Nai vừa mới có quyết định thành lập (năm 1976). Có nhiều gắn bó với sông Đồng Nai, nên tôi rất phấn khởi và tự hào khi biết là từ năm 2006, xác định được tiềm năng, lợi thế của tuyến du lịch đường sông Đồng Nai, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch ở Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, trong 5 tuyến du lịch, có tuyến sông Đồng Nai. Thế nhưng, qua nhiều lần khảo sát, trong một cuộc tọa đàm gần đây giữa đại diện Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh cùng một số doanh nghiệp chuyên khai thác du lịch đường sông đã đưa ra một nhận định làm xót xa lòng người: “Được thừa nhận là một tài sản quý giá của ngành du lịch, song hàng chục km tuyến sông Đồng Nai với khá nhiều điểm tham quan thú vị dọc hai bên bờ sông đến nay vẫn được ví như “nàng tiên nữ” đang say giấc, chưa được đánh thức và khai thác đúng tầm”.

***

Một ngày trước khi qua Malaysia, tôi tình cờ gặp tiến sĩ Huỳnh Bội Trân ở Singapore. Một tuần trước đó, tôi thoáng nhìn thấy chị đang cắt băng khai mạc một cuộc triển lãm mỹ thuật ở TP.Hồ Chí Minh trên kênh HTV7, còn bây giờ thì chị sang Singapore cũng để tham dự triển lãm mỹ thuật. Cùng là dân Biên Hòa, tiến sĩ Bội Trân là con gái của ông Huỳnh Hiệp - một chủ nhà sách lâu đời và có tiếng ở Biên Hòa. Chị còn là cộng tác viên của một vài tờ báo có uy tín ở TP.Hồ Chí Minh và khá thân thiết với Báo Đồng Nai. Sau một hồi trò chuyện, lại nhắc về sông Đồng Nai, tôi sực nhớ đến bài báo: “Lời tự tình cho sông Đồng Nai” của chị viết cách nay đã 14 năm. (Đăng trên Báo Đồng Nai Xuân Mậu Dần 1998, chào mừng Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm). Trong đó, có những đoạn mà bây giờ đọc lại, tôi vẫn thấy xúc động: “Lần về thăm nhà đầu tiên sau mười lăm năm biền biệt để ăn Tết quê hương, tôi chạy ngay đến bờ sông Đồng Nai như để gặp lại người bạn cũ. Đồng Nai cất giữ biết bao kỷ niệm thời thơ ấu của tôi - một cư dân Biên Hòa hơn hai mươi năm trước khi trôi dạt đến xứ người. Dòng sông đang con nước lớn, sóng vỗ vào bờ. Nhưng kìa, một đám xác dừa trôi lềnh bềnh trên sông kéo theo một mớ rác. Tôi hơi ngớ người ra, dòng Đồng Nai, người bạn cũ của tôi - hình như đang ngượng ngùng không tiện ra mắt trong một bộ dạng “chẳng đặng đừng”!... Những ngày tôi sống với dòng Đồng Nai thơ mộng đã qua đi. Bây giờ tôi có trước mắt mình Yarra (Melbourne - Australia), nhưng lòng vẫn đầy ắp kỷ niệm của Đồng Nai như hình ảnh của người tình xưa nồng thắm… Giữa dòng người xôn xao của thành phố lớn, có một người Úc gốc Việt Nam xa quê lâu ngày chỉ muốn đứng trên bờ sông Yarra để nhìn dòng nước ở đây mà nhớ về dòng sông Đồng Nai hiền hòa ở quê nhà. Yarra thật nhỏ bé, như một con lạch nhỏ ở Tân Bản, thậm chí còn tệ hơn vì làn nước đục ngầu. Nhưng Yarra vẫn thu hút dân Melbourne trong nhiều buổi lễ, ngày nghỉ với những quán cà phê lịch sự hai bên bờ. Những tòa nhà cao ngất vẫn e dè chừa chỗ cho Yarra “thở”... Tôi bùi ngùi tự hỏi: Trên con đường công nghiệp hóa, liệu dòng sông Đồng Nai sẽ còn chỗ để “thở”? Những tia phản chiếu ánh nắng từ mặt nước chói chang đến lóa mắt, gió hiu hiu thổi gợn sóng lăn tăn. Tôi đứng nghe dòng sông thủ thỉ, và một buổi chiều trôi qua như một phút ngập ngừng. Tôi hình dung dòng sông như cuộc sống, nước chảy miệt mài như đời người. Sông mang nước tưới cho bao nhiêu cây trái lớn lên, còn con người vun đắp cho tương lai hậu thế… Các bạn ơi, dẫu cho thành phố hay nông thôn có được hiện đại hóa đến mức nào đi nữa, con người vẫn cần có một dòng sông. Đó là một thứ của cải trời cho, nhưng nó cũng có cuộc đời của nó. Nếu con người vắt kiệt nó đi, hay đối xử thô bạo với nó, con sông rồi có ngày sẽ quay lưng với mình. Những cọng rác tưởng chừng là nhỏ bé, nhưng một ngày kia sẽ lấp cạn dòng sông lớn…”. Tôi không nói với chị - một nhà nghiên cứu mỹ thuật luôn có cái nhìn cuộc sống theo tiêu chuẩn “chân - thiện - mỹ” là dòng sông xưa nay không còn rác chợ Biên Hòa, rác sinh hoạt của cư dân xóm Lò Heo nữa mà đang là một dãy công viên xanh tươi hoa lá; nhưng nó đang phải oằn mình gồng gánh nhiều nỗi truân chuyên đoạn trường: Việc có phải è cổ “gánh” thêm thủy điện vẫn chưa ngã ngũ, nạn sạt lở làm mất đất bờ sông do “cát tặc” hoành hành vẫn còn khó khăn, vất vả trong việc ngăn chặn; các giải pháp khắc phục nạn ô nhiễm môi trường, gây bẩn nước sông cũng chưa đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho lắm… Ác nỗi, những làng cổ, vùng đất ven sông được định cư lâu đời, có nhiều lợi thế về làng nghề, đặc sản... rất thuận lợi cho việc đi đầu xây dựng nông thôn mới lại đang dở khóc dở cười do bỗng dưng… mất đất vì “cát tặc” gây ra. Một số người cao tuổi còn có nỗi lo là không biết với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay thì mùa mưa năm Nhâm Thìn này trở lại chu kỳ 60 năm của trận lụt năm Thìn (1952) lịch sử, liệu con sông Đồng Nai vốn hiền hòa này có trở chứng, tác yêu tác quái gì không? Riêng tuyến du lịch sông Đồng Nai thì... với những gì chị thấy qua con sông Yarra và tôi thấy bên dòng Malacca, “nàng tiên nữ” vẫn chưa nhúc nhích và cũng chưa sắm sửa xiêm y, trang phục. Không lẽ, Đồng Nai mình định làm du lịch theo kiểu “tay không bắt giặc”?, mà xác định trọng điểm để liên kết và tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân sự làm du lịch một cách chuyên nghiệp… thì xem chừng cũng… chưa có; trong khi “tài sản quý giá của ngành du lịch Đồng Nai” ngày cứ lụi tàn hoặc xuống cấp.

Cối xay gió cổ của người Hà Lan trên bờ sông.
Cối xay gió cổ của người Hà Lan trên bờ sông.

Để không nói với tiến sĩ Huỳnh Bội Trân về những gì đang thực sự trăn trở, băn khoăn trong lòng, tôi nhắc chị mấy câu trong bài “Sông chiều áo trắng” mà một người quen của cả tôi và chị - cố nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992) sáng tác năm 1982 khi vừa mới sang Paris: “Chiều nay phương trời Âu/ Ta mơ thấy Biên Hòa/ Bên sân nhà em đó/ Xôn xao lá trúc đào/ Đồng Nai giờ nước lớn/ Em bay tóc bên sông…”. Với tư duy của một người làm du lịch, biết đâu mấy câu thơ này lại là một gợi ý cho việc xây dựng thêm một điểm tham quan… nhà “người con gái tên Duyên”- một nàng thơ bất hủ của nhà thơ tình tài hoa bạc mệnh đất Biên Hòa Nguyễn Tất Nhiên trong tuyến du lịch đường sông Đồng Nai.

 Bùi Thuận

 

 

 

Tin xem nhiều