Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạ tầng sân bay - cảng biển: 'Chìa khóa' mở cửa vùng động lực phát triển mới

11:01, 18/01/2023

Hệ thống cảng biển Đồng Nai thuộc nhóm cảng biển số 4, nhóm cảng biển lớn và quan trọng nhất của cả nước. Chính vì vậy, cảng biển là một lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế.

Hệ thống cảng biển Đồng Nai thuộc nhóm cảng biển số 4, nhóm cảng biển lớn và quan trọng nhất của cả nước. Chính vì vậy, cảng biển là một lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế.

Hệ thống cảng biển là một trong những trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của Đồng Nai. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Đồng Nai
Hệ thống cảng biển là một trong những trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của Đồng Nai. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Đồng Nai

Lợi thế này sẽ được cộng hưởng sức mạnh khi cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Hạ tầng cảng biển - sân bay sẽ là “chìa khóa” để mở cửa vùng động lực phát triển mới của tỉnh.

* 2 trụ cột phát triển kinh tế

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9-2021, hệ thống cảng biển Đồng Nai thuộc nhóm cảng biển số 4.

Ông Lê Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB), thuộc liên danh các đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết cảng biển Đồng Nai cho rằng, nhóm cảng biển số 4 là nhóm cảng biển lớn nhất Việt Nam và cũng là nhóm cảng biển quan trọng nhất, chiếm đến 43% tổng lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển cả nước. Trong nhóm cảng biển số 4, hệ thống cảng biển Đồng Nai được xác định là cảng biển loại I.

Theo Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23-11-2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự án Nâng cấp cảng hàng không Biên Hòa thành lưỡng dụng cấp 4E là một trong 29 dự án kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ.

Tuy nhiên, hệ thống cảng biển của Đồng Nai cũng có những hạn chế nhất định, trong đó có hạn chế về quy mô. Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang, hiện nay có 3 phân khúc tàu biển chính gồm: từ 100-230 ngàn tấn, chuyên vận chuyển các tuyến đường xa; phân khúc nội Á với cỡ tàu từ 30-70 ngàn tấn và phân khúc nội địa với cỡ tàu từ 30 ngàn tấn trở xuống. Như vậy, đối với hệ thống cảng biển Đồng Nai, dựa vào xu hướng vận tải biển và quy mô cảng biển, đơn vị tư vấn đã định hướng phân khúc phát triển cho hệ thống cảng biển của tỉnh. Theo đó, hệ thống cảng biển Đồng Nai cần tập trung vào 2 phân khúc nội Á và nội địa.

Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình cũng cho rằng, định hướng về phân khúc phát triển của đơn vị tư vấn là phù hợp. Đối với hệ thống cảng biển Đồng Nai, Cảng Phước An sẽ là nơi phát triển chính cho phân khúc nội Á; các cảng biển còn lại chủ yếu sẽ thực hiện nhiệm vụ vệ tinh, gom hàng.

Bù đắp cho hạn chế về quy mô của hệ thống cảng biển nội tỉnh, tiềm năng phát triển kinh tế cảng biển của Đồng Nai lại được “tiếp sức” nhờ vị trí địa lý khi nằm gần cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng nước sâu lớn nhất cả nước.

Cùng với hệ thống cảng biển, trong tương lai, Đồng Nai sẽ có thêm 1 trụ cột trên lĩnh vực giao thông để mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội mới. Được khởi công xây dựng vào đầu năm 2021, theo dự kiến, vào năm 2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác với công suất 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Nếu như cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải được xác định sẽ là trung tâm cảng biển của cả nước thì sân bay Long Thành cũng chính là trung tâm của ngành hàng không Việt Nam trong tương lai.

Tuyến đường nối Cảng Phước An giai đoạn 1 đã được đầu tư xây dựng phục vụ khai thác Cảng biển Phước An, cảng biển lớn nhất của Đồng Nai trong tương lai
Tuyến đường nối Cảng Phước An giai đoạn 1 đã được đầu tư xây dựng phục vụ khai thác Cảng biển Phước An, cảng biển lớn nhất của Đồng Nai trong tương lai

Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam Trần Doãn Mậu cho rằng, trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ là nơi hoạt động chính của các hãng hàng không lớn của Việt Nam và chắc chắn các hãng sẽ chuyển dần hoạt động về sân bay này chứ không phải là sân bay Tân Sơn Nhất như hiện tại.

* Kỳ vọng từ những vùng động lực phát triển mới

Trong chuyến kiểm tra tiến độ dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào tháng 4-2022, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, hiện sân bay Nội Bài có công suất khoảng 40 triệu lượt hành khách mỗi năm, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ khoảng 30 triệu lượt hành khách mỗi năm. Với công suất thiết kế phục vụ 100 triệu lượt hành khách mỗi năm, sân bay Long Thành khi hoàn thành xây dựng toàn bộ có quy mô rất lớn.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai sẽ có 3 khu bến cảng biển gồm: khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái; khu bến Nhơn Trạch và khu bến Long Bình Tân.

Với vị thế đó, sân bay Long Thành không chỉ phục vụ cho riêng nhu cầu phát triển của tỉnh Đồng Nai mà sẽ thu hút nguồn lực phát triển từ TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh Tây nguyên, các tỉnh Nam Trung bộ. Trước mắt, khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 và các tuyến đường cao tốc kết nối hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác sẽ giúp Đồng Nai tiếp cận được vùng phát triển với quy mô dân số đạt từ 15-20 triệu dân.

“Sân bay Long Thành sẽ tạo ra động lực, hình thành vùng động lực phát triển rất mạnh” - Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Trên thực tế, với những khó khăn về hệ thống giao thông kết nối đang bộc lộ ngày càng rõ, vai trò trung tâm phát triển ngành của sân bay Tân Sơn Nhất và hệ thống cảng biển trên địa bàn TP.HCM sẽ có sự chuyển giao trong thời gian tới. Trong xu thế dịch chuyển vai trò đó, sân bay Long Thành và cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải được xem là những điểm đến để xác lập vị trí trung tâm phát triển ngành mới. Chính vì vậy, sân bay Long Thành và cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải là 2 công trình quan trọng nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là những dự án tạo ra sự đột phá phát triển về kinh tế - xã hội.

Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2025. Trong ảnh: Kiểm tra chất lượng khu vực đất đắp dự án Sân bay Long Thành
Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2025. Trong ảnh: Kiểm tra chất lượng khu vực đất đắp dự án Sân bay Long Thành

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, bên cạnh sân bay Long Thành, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, năm 2024, Đồng Nai sẽ có thêm cảng biển Phước An. Sự xuất hiện của những “yếu tố mới” này sẽ góp phần tạo lập và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nhiều thuận lợi trong việc xuất - nhập khẩu hàng hóa, ngân sách tỉnh cũng sẽ có thêm những nguồn thu lớn.

Cơ hội phát triển và tiềm năng hình thành những vùng động lực phát triển mới từ hệ thống hạ tầng sân bay - cảng biển của Đồng Nai là rất rõ ràng. Tuy nhiên, để có thể tận dụng cơ hội, phát huy tiềm năng đòi hỏi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối để hình thành những vùng động lực phát triển mới phải được đầu tư hoàn thiện một cách đồng bộ. Do đó, việc đẩy nhanh đầu tư các tuyến đường cao tốc như: Biên Hòa - Vũng Tàu; Bến Lức - Long Thành; đường vành đai 3 - TP.HCM, đường vành đai 4 - TP.HCM cũng sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc “mở khóa” cho các vùng động lực phát triển mới sẽ được hình thành từ hệ thống hạ tầng sân bay - cảng biển.

Lê Văn

Tin xem nhiều