Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vật quốc gia trong văn hóa Đồng Nai

05:01, 28/01/2022

Ngày 25-12-2021, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận 23 bảo vật quốc gia, trong đó Đồng Nai có 2 di sản văn hóa là bảo vật quốc gia.

Ngày 25-12-2021, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận 23 bảo vật quốc gia, trong đó Đồng Nai có 2 di sản văn hóa là bảo vật quốc gia.

Qua đồng Long Giao
Qua đồng Long Giao

* Qua đồng Long Giao

Địa điểm khảo cổ học Long Giao (TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ) là địa danh nổi tiếng từ sau năm 1982, khi phát hiện cả kho vũ khí đồng thau kiểu qua với 15 tiêu bản nguyên vẹn và nhiều mảnh vỡ, cùng 1 rìu đồng lưỡi trũng parabol ở sườn đồi 57, một miệng núi lửa cổ khá đẹp. Qua là tên gọi dùng để chỉ một loại vũ khí giáp chiến đánh gần thuộc hệ bạch khí trong lịch sử, còn được gọi là binh khí mũi nhọn (câu binh, chủng binh) với tác dụng chủ đạo là bổ, chém và móc. Nhóm qua đồng Long Giao được xem là loại vũ khí có tính năng sử dụng trong chiến đấu, đồng thời cũng có thể là loại vũ khí biểu trưng cho quyền uy, vị thế của người quan trọng (thủ lĩnh) trong cộng đồng thời sơ sử.

Sưu tập qua đồng Long Giao có niên đại khoảng thế kỷ I-III. Cấu tạo gồm 3 phần: lưỡi, đốc và chuôi. Hầu hết các tiêu bản được người xưa trang trí hoa văn bằng kỹ thuật đắp và rạch vẽ, tạo nên những khung văn hình học cân xứng ở hai mặt, dày đặc, tinh vi và sắc sảo. Đó là những vòng tròn xoáy ốc tiếp tuyến, những hình tam giác độc lập hay xếp như răng cưa, những vạch ngắn song song và chấm nổi. Đặc biệt có cả hoa văn hình mặt trời (hoặc những cánh sao), dạng văn chủ đạo và trang trọng nhất của mặt mọi trống đồng. Về hình loại căn bản, nhóm qua Long Giao mang những đặc trưng chung hiện biết là lớn nhất của Việt Nam và cả Đông Nam Á, là sản phẩm văn hóa bản địa của cư dân văn hóa Đồng Nai, có hình thức độc đáo, có những dị biệt về kiểu dáng mang tính độc bản.

Hiện tượng qua đồng tìm thấy cùng chỗ với rìu đồng cũng là phổ biến trong văn hóa Đồng Nai. Nhóm qua Long Giao (15 tiêu bản qua cùng 1 rìu đồng lưỡi trũng), Phú Túc (1 chiếc qua cùng 3 rìu đồng được chôn trong một chum gốm), La Ngà (gồm 4 qua đồng và 5 rìu đồng). Sự có mặt bên cạnh qua đồng của những chiếc rìu đồng là sản phẩm bản địa vì được chế tạo “tại chỗ” với hàng trăm khuôn đúc sa thạch và nhiều thành phẩm trong kho tàng và mộ địa Đông Nam bộ là rất có ý nghĩa; chính chúng đã xác nhận sự hiện diện “đích thực” của chính bản thân sưu tập qua đồng trên mảnh đất này.

Nhóm qua đồng ở Long Giao và cả Phú Túc, La Ngà (Đồng Nai) trong những năm gần đây, gắn với các phát hiện từ trước về qua đồng ở Dốc Chùa (Bình Dương), Bàu Hòe (Bình Thuận)… chứng tỏ văn hóa Tiền - Sơ sử Đồng Nai, giai đoạn hậu kỳ đồng - sắt sớm có sự giao lưu mạnh mẽ với các khu vực Trung Nguyên, trong địa bàn phân bố của văn hóa Đông Sơn (Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam) và từ công nghệ ấy đã sáng tạo ra một sưu tập qua đồng mang những đặc trưng riêng biệt của miền Đông Nam bộ, Việt Nam.

Sự có mặt hoa văn giống Đông Sơn trên qua đồng Long Giao xác nhận quan hệ chắc chắn hơn của cư dân Việt cổ thuở sơ sắt với người Đồng Nai ở những thế kỷ sôi động gần Công nguyên nhất - “khi mà những âm thanh của đàn đá truyền thống hòa nhập với trống Đông Sơn vang vọng khắp miền đất rộng lớn và đầy sức sống này”.

Qua đồng Long Giao là đỉnh cao của nghệ thuật luyện kim Đông Nam bộ thời sơ sắt cùng với Mộ Cự thạch Hàng Gòn - quần thể kiến trúc bằng đá độc nhất vô nhị ở miền đất này hoàn toàn xứng danh là “công trình của Thiên niên kỷ” trong bối cảnh cảm thụ và sáng tạo trong giao lưu, tiếp biến văn hóa, chứng minh năng lực kiến tạo phi thường của chủ nhân văn hóa Đồng Nai trong giai đoạn lịch sử quan trọng - thời kỳ tiền nhà nước.

* Tượng thần Vishnu Bình Hòa

Hơn ngàn năm trầm mình dưới đáy sông Đồng Nai, đến năm 1976, một chân đế bằng đá, có dính hai bàn chân trần của một pho tượng thần đã được công nhân Xí nghiệp Khai thác cát Hóa An phát hiện; đến tháng 2-1977, cũng tại địa điểm ấy, họ lại múc tiếp được phần thân tượng, khi gắn kết thì thấy khớp sát sao với phần chân đế. Tượng Vishnu Bình Hòa hiện diện và thu hút sự quan tâm từ nhà khoa học đến người hiếu kỳ. Tháng 4-1977, Bảo tàng Đồng Nai sưu tầm bảo quản, trưng bày. Năm 2010, Tổ chức Asia Society (New York) chọn đưa sang Houston và New York trưng bày trong cuộc triển lãm, chủ đề Arts of Ancient Viet Nam - from River Plain to Open Sea.

Tượng thần Vishnu Bình Hòa là pho tượng duy nhất có thể nhận biết đến nay bằng sa thạch, được nghệ nhân điêu khắc văn hóa Óc Eo tạc ở tư thế đứng thẳng trên một bệ trơn hình chữ nhật có chuôi nhọn để cắm sâu vào lòng kiến trúc. Nghệ thuật tạo hình đẹp và quý hiếm. Một số chi tiết của tượng tạo nên nét đặc trưng riêng, mà không thể bắt gặp ở một pho tượng nào cùng chung nền văn hóa ấy. Tượng có bốn tay đều bị gãy mất, đầu đội mũ trụ, thân để trần, dưới mặc xăm pốt dài đến đầu gối, eo buộc dây thắt lưng gút phía trước. Thanh đỡ là những trụ ngang hai bên tai và trên bệ nhưng đã bị gãy. Tượng thần Vishnu có bốn tay thường mỗi tay cầm các vật thiêng như: con ốc (cankha), cây gậy, cái đĩa, bánh xe hay quả cầu. Đây là vật tùy thân của thần theo truyền thuyết đạo Hindu - Ấn Độ giáo. Tượng thể hiện phong cách nghệ thuật giai đoạn Phuon Da muộn, khoảng thế kỷ VI-VII.

Tượng thần Vishnu Bình Hòa
Tượng thần Vishnu Bình Hòa

Xứ Đồng Nai trong những thế kỷ đầu Công nguyên, đời sống tôn giáo dường như quy tụ vào Vishnu giáo và Siva giáo. Bản thân hai giáo phái này xem ra đều phát triển ngang nhau. Tuy nhiên, xét về phương diện hình tượng nghệ thuật thì Vishnu có phần phong phú và nổi trội hơn. Pho tượng đẹp nhất và còn khá nguyên vẹn này được các nhà nghiên cứu xác định là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo thuộc về Vishnu giáo. Dù thực tế hoàn cảnh phát hiện cho thấy hầu hết các tượng Vishnu đều trong tình trạng gãy vỡ, gây khó khăn rất nhiều cho việc phân loại, nhưng do pho tượng này có kích thước to lớn như người thật, hơn hẳn các pho tượng Vishnu khác. Đồng thời tượng có thân hình mềm mại, ít cơ bắp, tạo nên vẻ hoàn mỹ đặc trưng nên đã được các nhà khảo cổ học nhận định dễ dàng rằng, tượng mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật Phuom Da - Angko Borei (Campuchia) và có thể là “anh em sinh đôi” với tượng Vishnu Toul Da Buon, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Campuchia.

Tượng Vishnu Bình Hòa đã khẳng định, nghệ thuật điêu khắc tượng tròn vào thế kỷ V-VII đã đạt đến đỉnh cao của chuẩn mực hình khối, kích thước và các chi tiết giải phẫu theo khuynh hướng hiện thực sống động và đầy sáng tạo. Vẻ hồn hậu sinh động, mang những nét đẹp chuẩn mực và thánh thiện của các vị thần linh khiến cho tôn giáo gần gũi hơn với đời sống hằng ngày và hướng con người tới điều thiện, điều phúc. Ngược lại cũng phản ánh rằng xã hội thịnh vượng, an lành, đã tạo nên nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ điêu khắc tạo nên những tác phẩm tuyệt mỹ độc đáo này.

Bảo vật quốc gia Tượng thần Vishnu Bình Hòa đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai luôn năng động, sáng tạo trong giao lưu, tiếp biến văn hóa, làm phong phú đời sống vật chất và tinh thần của cư dân, nhất là về nghệ thuật tạo hình, về tôn giáo, tín ngưỡng ở những thế kỷ đầu Công nguyên.

Nguyễn Hồng Ân

Tin xem nhiều