Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ Đinh Dậu 2017... nhớ về Kỷ Hợi 1959

10:01, 16/01/2017

Năm Kỷ Hợi 1959, Đông Nam Á vận hội (SEAP Games) lần I, đội tuyển bóng đá miền Nam bước lên ngôi cao nhất. 58 năm trôi qua, đó vẫn là lần duy nhất!

Năm Kỷ Hợi 1959, Đông Nam Á vận hội (SEAP Games) lần I, đội tuyển bóng đá miền Nam bước lên ngôi cao nhất. 58 năm trôi qua, đó vẫn là lần duy nhất!

Đội tuyển miền Nam vô địch SEAP Games 1959.
Đội tuyển miền Nam vô địch SEAP Games 1959.

Trước khi lên đường sang Thái Lan dự SEAP Games đầu tiên, đội tuyển miền Nam có trận đấu giao hữu với tuyển Nhật Bản tại Sài Gòn và thắng đậm 3-0. Chuyện kể, trong tiệc chiêu đãi vào tối cùng ngày, đại sứ Nhật Bản tại Sài Gòn ngày ấy đã tặng Tổng cục Túc cầu miền Nam một đôi giày nhỏ với ví von: “Bóng đá Nhật Bản nhỏ bé như đôi giày này và mong rằng sẽ có ngày được sánh vai cùng bóng đá Việt Nam...”!

Thành phần đội tuyển bóng đá dự SEAP Games I chỉ có 16 cầu thủ, gồm: 2 thủ môn Phạm Văn Rạng, Trần Văn Ðực II; hậu vệ Lê Văn Tỷ, Nguyễn Văn Cụt, Nguyễn Văn Còn, Phạm Văn Hiếu; tiếp ứng Nguyễn Ngọc Thanh, Ðỗ Thới Vinh, Lâm Văn Bôn, Lê Văn Hồ (Myo); tiền đạo Trần Văn Nhung (tự Pie), Trần Bá Tỷ, Lý Văn Rỏn, Đỗ Quang Thách, trung phong Hà Tam (tự Há) và “mũi tên vàng” Nguyễn Văn Tư (biệt danh này được báo chí Malaysia đặt cho Nguyễn Văn Tư tại giải vô địch châu Á 1957 khi chứng kiến những pha đi bóng như xé gió và những cú sút chân trái “thần sầu” làm rung chuyển khung thành của tiền đạo chạy cánh chỉ cao 1,60m của Việt Nam). Đội hình phổ biến ngày ấy là 4-2-4, chiếm lĩnh 2 vị trí “bao sân” quan trọng ở tuyến giữa là Nguyễn Ngọc Thanh và Đỗ Thới Vinh.

Tiếp ứng (tiền vệ) Nguyễn Ngọc Thanh, người từng 4 lần liên tiếp tham dự SEAP Games 1959, 1961, 1965, 1967 và là cầu thủ Việt Nam đầu tiên được mời học khóa huấn luyện viên (HLV) của FIFA tại Nhật Bản vào năm 1969, cũng là chứng nhân cuối cùng của đội hình ngày ấy. Ông mất ngày 25-9-2015 ở tuổi 79. Sinh thời, ông từng kể: “Hồi đó, chúng tôi tập ở sân Tao Đàn, cái sân... đua ngựa chỉ dành cho giới thượng lưu người Pháp... Ăn uống thì mạnh ai về nhà nấy. Để tới Bangkok, cả đội phải thuê một chiếc xe đò cọc cạch qua ngả Phnom Penh (Campuchia). Trên đường đến Nam Vang, cả đội ăn ngủ vật vờ. Dù vậy, vào giải anh em ai cũng đầy máu lửa…”.

Môn bóng đá SEAP Games 1959 chỉ có 4 đội tham dự thi đấu vòng tròn, 2 đội có thành tích tốt nhất vào chung kết. Ngay trận đầu tiên, đội tuyển miền Nam đã đè bẹp chủ nhà Thái Lan 4-0, tiếp đó thắng Miến Điện (Myanmar ngày nay) 3-0. Sớm cầm chắc vé vào chung kết, ở trận đấu cuối cùng để giữ sức, đội để thua Malaysia 1-2. Trong trận chung kết gặp lại Thái Lan, tiền vệ Vinh “sói” (Đỗ Thới Vinh) đánh đầu mở tỷ số, sau đó đội chủ nhà gỡ hòa 1-1. Nhưng tiền đạo Đỗ Quang Thách và hậu vệ Lê Văn Tỷ đã ghi thêm 2 bàn giúp đội tuyển miền Nam giành chiến thắng chung cuộc 3-1, đoạt chiếc huy chương vàng của kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên.

Mặt trước và mặt sau HCV SEAP Games I.
Mặt trước và mặt sau HCV SEAP Games I.

Có một điều đặc biệt là đội tuyển bóng đá khi ấy thi đấu mà không hề có HLV hay chỉ đạo viên. Cố danh thủ Hà Tam từng kể lại: “Hồi ấy làm gì có HLV để chỉ đạo chiến thuật như bây giờ. Anh em toàn tự bảo ban nhau thi đấu. Trên sân cỏ, đội trưởng là nhân vật có uy tín nhất và cũng là người đưa ra các đấu pháp chiến thuật thi đấu trên sân và anh em nhất nhất tuân theo. Ban đầu đội trưởng của chúng tôi là Phạm Văn Hiếu, sau là Nguyễn Ngọc Thanh”.

Đó cũng là giai đoạn hoàng kim của đội tuyển miền Nam với trận thắng oanh liệt Israel 2-0 ngay tại thủ đô Tel Aviv ở lượt về vòng loại Olympic thế giới 1963, đoạt Cúp Merdeka 1966 và có đến 4 danh thủ: thủ môn Phạm Văn Rạng, Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Ngôn được gọi vào đội tuyển châu Á do “Thiết túc đại vương” Hong Kong Lý Huệ Đường làm HLV, để thi đấu với 2 câu lạc bộ của Anh là Fullham và Chelsea (thắng 2-1). Trong đó, oanh liệt nhất là thủ môn Phạm Văn Rạng, từng là huyền thoại “bàn tay nhựa” châu Á, được tạp chí bóng đá hàng đầu của Pháp là France Football vinh danh là thủ môn số 1 của túc cầu châu Á.

Trước khi mất, danh thủ Nguyễn Ngọc Thanh còn bày tỏ mong ước: “Thời của chúng tôi đã cũ lắm rồi, nhắc lại cho vui thôi. Bây giờ bóng đá phát triển, cầu thủ đá bóng có xe hơi nhà lầu, có điều kiện đi đây đó tập huấn. Ở tuổi gần đất xa trời, tôi chỉ mong được thấy đội tuyển nước nhà có thêm 1 chiếc huy chương vàng ở  SEA Games nữa…”.

Gần 6 thập niên đã trôi qua, tất cả những cầu thủ mang về chiếc huy chương vàng SEAP Games 1959 đều đã hóa người thiên cổ, nhưng tấm huy chương vàng vẫn chưa một lần trở lại!

Trần Đỗ

Tin xem nhiều