Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ sĩ đa năng Thu Huyền

09:02, 03/02/2016

Tôi vốn là người không "ghiền" cà phê, nhưng nghe Thu Huyền hát Khúc thụy du của  nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, tôi chậm chạp nhấm nháp từng ngụm cà phê và chợt thấy rằng cà phê cũng có cái hay, cái thú vị của nó, nhất là khi được nghe những bài hát trữ tình thật hay để nghiền ngẫm.

Nghệ sĩ Thu Huyền trong vai Nguyễn Tho (vở Ánh đèn khuya).
Nghệ sĩ Thu Huyền trong vai Nguyễn Tho (vở Ánh đèn khuya).

“Hãy nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa

Sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới

Ngoài trống vắng mà thôi, Thụy ơi và tình ơi…”.

Tôi vốn là người không “ghiền” cà phê, nhưng nghe Thu Huyền hát Khúc thụy du của  nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, tôi chậm chạp nhấm nháp từng ngụm cà phê và chợt thấy rằng cà phê cũng có cái hay, cái thú vị của nó, nhất là khi được nghe những bài hát trữ tình thật hay để nghiền ngẫm. Bất chợt tôi nhận thấy Thu Huyền không còn là cô ca sĩ “trẻ con” ngày nào khi mới về Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai. Thay vào đó là một nghệ sĩ Thu Huyền với sự trưởng thành, lớn lên trong nghệ thuật, cách thể hiện ca khúc đầy cảm xúc mang sự trải nghiệm của cuộc sống.

Thu Huyền quê ở Nam Định, đi lên từ phong trào văn nghệ quần chúng, là một trong những thành viên của Ca đoàn giáo xứ An Bình (TP.Biên Hòa). Sau này, Thu Huyền là một trong những ca sĩ luôn nhận được nhiều sô diễn trên các sân khấu ca nhạc. Với chất giọng khỏe khoắn, trong trẻo, đầy “lửa”, sở trường của Thu Huyền là hát những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các ca khúc cách mạng, như: Rừng xanh vang tiếng Ta Lư, Đường Trường Sơn xe anh qua, Hai chị em…

Năm 2007, Thu Huyền “đầu quân” về Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai. Khi được hỏi vì sao đang là ca sĩ “đắt sô”, sáng giá của sân khấu ca nhạc lại “dũng cảm” về cộng tác với đoàn, Thu Huyền chân thành cho biết: “Gia đình có truyền thống yêu thích sân khấu cải lương, cha của Huyền hát vọng cổ rất hay. Từ nhỏ Huyền đã say sưa với làn điệu cải lương nhưng chưa có dịp để học hỏi và thử sức. Nên khi có cơ hội, Huyền về đoàn với mong muốn được trở thành một diễn viên chuyên nghiệp”.

Không thuận lợi bằng các nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo bài bản về cải lương, Huyền phải mày mò tự học và học từ các nghệ sĩ đồng nghiệp trong đoàn. Ngoài những giờ tập trên sàn, Huyền luôn xin đến nhà các anh chị đi trước để nhờ hướng dẫn thêm cách ca, diễn. Trong đó, khó khăn nhất là Huyền phải tập chuyển cách phát âm từ giọng miền Bắc sang miền Nam cho phù hợp với các bài bản cải lương vốn chỉ dành cho giọng Nam bộ. Chưa hết, Huyền còn phải tập cách ngân nga, luyến láy riêng của cải lương - vốn rất khác so với hát thanh nhạc. Hát cải lương đã khó, nhưng đài từ, lời thoại còn khó hơn, phải thoại sao cho đúng tâm lý nhân vật và quan trọng hơn là sự hóa thân vai diễn. Đó là cả một quá trình khổ luyện miệt mài và đầy gian khổ.

Những ngày mới về đoàn, chưa ca diễn được, Huyền vẫn vui vẻ đảm nhận những vai quần chúng rất nhỏ, như: lính hầu, tỳ nữ, thậm chí cả vai... cỗ máy, xuất hiện trên sân khấu mà không hề được ca câu nào. Quá trình tập luyện cũng không ít lần Huyền đổ mồ hôi và cả nước mắt khi chưa thể hiện được một lớp diễn. Nhưng với lòng yêu nghề say mê, sự trân trọng nghề nghiệp, Huyền đã vượt lên chính mình, học tập không ngừng từ những vai diễn đầu tiên. Sau vai diễn đầu tiên là Tú trong vở Hương sứ, Hội đồng Nghệ thuật của đoàn đã tin tưởng giao cho Thu Huyền các vai diễn “nặng ký” hơn, như: Bá mẫu (vở Uy quyền và tội ác), vai Thứ phi (vở Lời ru hai người mẹ), Duyên (vở Trả giá); đến vai Nguyễn Tho (vở Ánh đèn khuya), Thu Huyền đã có bước tiến dài rõ nét. Là vai đào lẳng, Nguyễn Tho của Thu Huyền từ đôi mắt sắc sảo, bước đi uyển chuyển, cách ca diễn đã làm nên hình hài một Thống suất phu nhân xinh đẹp, gợi cảm, sang trọng nhưng vô cùng thâm độc. Mỗi cái nghiến răng, ánh mắt tham lam của Nguyễn Tho đều tạo được nét riêng gây ấn tượng, đã trở thành “kinh điển” khiến những nghệ sĩ diễn vai Nguyễn Tho sau đó đều phải lấy Thu Huyền làm thước đo khi diễn xuất.

Cứ tưởng Thu Huyền sẽ “đóng đinh” với các vai đào lẳng rất hợp với vóc dáng, sở trường, không ngờ vai Trần Thị Dung - một vai đào thương trong vở Tình sử hai vương triều đã khiến mọi người phải có cách đánh giá khác về Thu Huyền. Trần Thị Dung của Thu Huyền mang nặng trên vai cùng lúc gánh nặng của đất nước, dòng họ lẫn gia đình, có đôi lúc dường như không chịu đã rũ xuống một cách bất lực, có đôi lúc cất tiếng than ai oán như người phụ nữ thường tình, nhưng đến giây phút mấu chốt chọn lựa giữ tình riêng và việc chung lại vươn lên mạnh mẽ, rất đa dạng về tính cách. Cách ca diễn của Thu Huyền ở Tình sử hai vương triều lại càng chắc nhịp, nhuần nhuyễn hơn. Chính vì vậy, trong lần “xuất quân” đầu tiên tại Hội thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 tại Bạc Liêu, Thu Huyền đã thắng lợi “rinh” về huy chương bạc với vai Trần Thị Dung - một thành công rất đáng khâm phục với một nghệ sĩ thanh nhạc.

Cứ mỗi lần nhận vai là Thu Huyền bị áp lực, lo sợ mình thể hiện không tốt. Nhưng chính sự cẩn thận đó đã giúp Huyền tiến bộ. Hiện nay, Thu Huyền đang là một trong những diễn viên “sáng giá”, và là  diễn viên đa năng, trụ cột của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai (tên gọi mới của Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai). Ngoài các xuất diễn kế hoạch của đoàn, Thu Huyền là một trong lực lượng diễn viên xung kích tham gia các chương trình phục vụ đối nội, đối ngoại của tỉnh rất hiệu quả, được đánh giá cao.

Với lòng yêu nghề, học hỏi không ngừng, Thu Huyền luôn được anh chị em đồng nghiệp tin tưởng, yêu quý. Rời sàn diễn, ngoài đời Thu Huyền sống bình dị, cởi mở, chân thành với mọi người. Đồng nghiệp trong đoàn đều tin Huyền sẽ tiếp tục khẳng định mình trên sân khấu cải lương để tiếp tục xây dựng, phát triển đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng khán giả Đồng Nai và cả nước.

NSƯT Quế Anh

 

 

Tin xem nhiều