Báo Đồng Nai điện tử
En

Tư tưởng lớn vì con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh

04:01, 28/01/2014

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy nổi bật lên tư tưởng lớn vì con người và xây dựng con người của Bác. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Người luôn luôn nêu cao vai trò và vị trí của con người, luôn luôn quý trọng con người, hết lòng phục vụ nhân dân. Người cho rằng, con người không những là động lực của cách mạng, mà còn là đối tượng phục vụ của cách mạng.

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy nổi bật lên tư tưởng lớn vì con người và xây dựng con người của Bác. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Người luôn luôn nêu cao vai trò và vị trí của con người, luôn luôn quý trọng con người, hết lòng phục vụ nhân dân. Người cho rằng, con người không những là động lực của cách mạng, mà còn là đối tượng phục vụ của cách mạng.

Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch, năm 1957.
Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch, năm 1957.

Trong Bản Di chúc lịch sử của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng để lại hai câu thơ:

“Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Trong những lời dặn dò cuối cùng ấy, Bác cũng nhấn mạnh: “Đầu tiên là công việc đối với con người…”.

 Con người - Sức mạnh của con người - Hạnh phúc của con người - Bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân - luôn nằm trong tâm trí Bác, trong nỗi niềm suy tư và phấn đấu suốt đời của Bác!

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. “Ai làm cách mạng? - Nhân dân. Ai kháng chiến thắng lợi? - Toàn dân! Không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong; có lực lượng của nhân dân thì việc khó mấy, to mấy làm cũng được”.

Ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ đã viết: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.

Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã 15 lần nói đến cụm từ: “Dân ta”, “Đồng bào ta”, “Nhân dân ta”, “Toàn dân Việt Nam”…

Song là một nhà cách mạng quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mở rộng khái niệm về con người.

Bác nói: “Chữ Người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”. Trong cuộc đời mình, Bác Hồ luôn luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với mọi dân tộc trên thế giới. Ngay khi còn hoạt động ở nước ngoài, Bác đã viết rất nhiều bài báo lên án chủ nghĩa thực dân và bênh vực những dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Phi... Và trước khi đi xa, Người cũng không quên gửi lại muôn vàn tình thân yêu của mình cho các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.

Năm 1945, trong Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Bác Hồ viết: “Nước ta bị Tây áp bức hơn 80 năm và mấy năm bị Nhật áp bức. Dân ta đói rét, khổ sở, không thể nói xiết. Ngày nay nhớ lại, còn rất đau lòng!

Nhân dân ta đoàn kết một lòng và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo mà chúng ta đã bẻ gãy xích xiềng nô lệ, tranh được độc lập, tự do. Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì…”.

Người cầm nhịp hát bài “Đoàn kết”.
Người cầm nhịp hát bài “Đoàn kết”.

Chính vì thấy rõ lực lượng to lớn và quyết định của con người, và vì lòng yêu thương con người, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng con người.

Trước hết, Bác rất chú ý đến việc chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân. Trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10-1-1946, Bác Hồ đã nói:

“1- Làm cho dân có ăn.

  2- Làm cho dân có mặc.

  3- Làm cho dân có chỗ ở.

  4- Làm cho dân có học hành”.

Và thật là cảm động khi chúng ta nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại: “Những ngày cuối đời, khi sắp sửa phải từ biệt chúng ta, một trong những điều day dứt của Bác là làm sao nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân.

Bên cạnh việc chăm lo lợi ích vật chất của con người. Bác luôn chăm lo đến việc bồi dưỡng trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ và nhân dân. Bác luôn cổ vũ và tạo mọi điều kiện cho sự phát triển tài năng, trọng dụng những người hiền tài, nhưng Bác nói: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

Có thể nói, điều quan tâm số một của Bác là đạo đức của con người.

Không biết bao lần, Bác đã dạy chúng ta phải “Trung với Đảng, hiếu với dân”.

Không biết bao lần, Bác đã dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Không biết bao lần, Bác đã nhắc nhở chúng ta phải đoàn kết, thương yêu nhau, xóa bỏ tính hám danh, trục lợi, hưởng lạc, ghen tị, ích kỷ… Bác nói: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là chủ nghĩa Mác - Lênin được”.

Bác còn dặn dò chúng ta, không những biết yêu dân tộc mình, mà còn phải biết yêu các dân tộc khác, phải có mối tình quốc tế trong sáng.

Nhiều người thường viện dẫn câu nói: Trên đời ai mà chẳng có khuyết điểm, để che đậy những tội lỗi của mình. Nhưng trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10-1947, Bác đã viết:

“Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó, còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”.

Tuy nhiên, không phải chỉ có cán bộ và đảng viên mới cần rèn luyện đạo đức, mà nhân dân cũng phải cần trau dồi đạo đức. Ngày 15-1-1955 trong bài “Đạo đức công dân”, Bác Hồ đã viết: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân tức là: “Tuân theo pháp luật Nhà nước - Tuân theo kỷ luật lao động - Giữ gìn trật tự chung - Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung - Hăng hái tham gia công việc chung - Bảo vệ tài sản công cộng - Bảo vệ Tổ quốc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải trọng dân, phải quan tâm đến việc củng cố mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng. Người nói: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải của những cá nhân anh hùng”… Sức mạnh của Đảng chính là mối quan hệ giữa Đảng và dân.

*  *  *

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta là hiện thân tốt đẹp nhất của nền văn hóa Việt Nam. Bác yêu thương, quý trọng con người, nâng niu từng nhân cách, nhưng đồng thời Bác cũng đòi hỏi rất cao đối với con người.

Lời Hồ Chủ tịch: Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người.
Lời Hồ Chủ tịch: Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người.

Đạo đức, lối sống và nếp sống của Bác Hồ là một tấm gương lớn, tất cả xuất phát từ tư tưởng vì con người, vì nhân dân của Bác.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã viết: “Nghĩ việc gì, Bác cũng nghĩ từ dân / Nói vì Đảng cũng vì dân mà nói…”.

Và có lẽ mỗi người chúng ta, ai cũng nhớ câu thơ của Bác:

“Gốc có vững, cây mới bền

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

 

BÙI CÔNG BÍNH

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều