Với nhiều người bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn, thời gian điều trị kéo dài thì bảo hiểm y tế (BHYT) chính là "bà đỡ", là chiếc phao cứu sinh. Không ít người đã khỏi bệnh, được sống và đoàn tụ với gia đình nhờ BHYT.
Với nhiều người bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn, thời gian điều trị kéo dài thì bảo hiểm y tế (BHYT) chính là “bà đỡ”, là chiếc phao cứu sinh. Không ít người đã khỏi bệnh, được sống và đoàn tụ với gia đình nhờ BHYT.
Chi phí thực hiện nhiều kỹ thuật cao đã được bảo hiểm y tế chi trả. Trong ảnh: Bệnh nhân đang được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đặt stent. Ảnh: P.Liễu |
Là chính sách an sinh xã hội, sẻ chia khó khăn giữa người khỏe với người bệnh, BHYT đang ngày càng trở nên thiết thân với mọi người. Hiện chính sách BHYT ngày càng được hoàn thiện theo hướng bảo đảm cao nhất quyền lợi của người tham gia.
* Sống được nhờ BHYT
“Sống được nhờ BHYT”, là chia sẻ của anh L.H.L. (40 tuổi, ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu), bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh đã hơn 20 năm, một bệnh lý phải điều trị lâu dài và rất tốn kém. Những năm đầu khi mới phát hiện bệnh, do không tham gia BHYT nên số tiền gia đình anh phải trả cho mỗi liệu trình điều trị khá cao. Mỗi tháng, anh phải đến bệnh viện điều trị một đợt từ 5-7 ngày để cầm máu với số tiền điều trị mỗi đợt từ 200-300 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có những đợt bệnh biến chứng nặng phải điều trị kéo dài khiến tiền điều trị lên tới cả tỷ đồng.
Để chữa trị cho anh, gia đình phải bán hết tài sản. Từ khi được hỗ trợ thẻ BHYT dành cho đối tượng người khuyết tật nặng với mức hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT, gánh nặng viện phí của anh L. đã được BHYT gánh đỡ. Mỗi năm chi phí chữa bệnh cho anh được BHYT chi trả gần cả tỷ đồng, riêng năm 2018, số tiền BHYT chi trả hơn 5 tỷ đồng. “Nếu không có BHYT tôi khó sống đến hôm nay” - anh L. xúc động nói.
Theo thông tin từ BHXH tỉnh, tính đến đầu tháng 6-2022, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 83%, Theo đó, giai đoạn 2022-2025, Đồng Nai cần phát triển gần 322 ngàn người tham gia BHYT để đạt từ 91,5-95% theo chỉ tiêu Chính phủ đã giao. |
Hiện nay, không ít người cho rằng, đi khám, chữa bệnh và lấy thuốc BHYT chất lượng kém nên không tham gia BHYT. Song, thực sự khi gặp tình huống bệnh nặng, tai nạn bất ngờ, nhất là bị ung thư phải tự chi trả một khoản lớn viện phí mới thấy sự quan trọng của việc tham gia BHYT.
3 năm trước, bà N.A.T. (57 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) phát hiện bị ung thư cổ tử cung. Chỉ hơn một năm điều trị, gia đình bà đã phải chi trả hơn 300 triệu đồng. Bà T. cho biết, gia đình kinh tế khó khăn, các con làm công nhân chỉ đủ sống nên bà đã bỏ điều trị, xin về đi chùa uống thuốc nam từ thiện. Một lần được BHXH tỉnh tặng thẻ BHYT, bà tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. 2 năm nay, mỗi năm Quỹ BHYT đã thay bà chi trả viện phí hàng trăm triệu đồng.
“Nếu không có BHYT đỡ đần, có lẽ tôi đã phó mặc số phận. Chính BHYT đã giúp tôi có điều kiện chữa bệnh đến nơi đến chốn và tình hình sức khỏe của tôi đang tiến triển tốt” - bà T. cho hay.
* BHYT hướng đến không giới hạn chi trả
Các chính sách BHYT ngày càng hoàn thiện, hướng đến bảo đảm cao nhất quyền lợi cho người tham gia. Hiện nay, nhiều kỹ thuật cao, nhiều loại thuốc chất lượng cũng như các dịch vụ chiếu chụp, xét nghiệm đã được BHYT thanh toán đến 80-90%, thậm chí là 100%. Do đó, người bệnh giờ đây đã có thể yên tâm điều trị.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm BHYT đã chi trả từ 100-110 ngàn tỷ đồng cho việc khám, chữa bệnh. Trong đó, rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả nhiều tỷ đồng. “Kỷ lục” chi trả cho một bệnh nhân bị bệnh chảy máu di truyền ở tỉnh Vĩnh Long với 11 năm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) được BHYT chi trả tới 40,8 tỷ đồng; hay một bệnh nhân khác ở tỉnh Kiên Giang cũng bị bệnh về máu được chi trả hơn 11 tỷ đồng. Tại Đồng Nai, vẫn có những bệnh nhân được chi trả nhiều tỷ đồng khi tiếp cận những kỹ thuật cao, điều trị tích cực.
Riêng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, hiện có trên dưới 50 bệnh nhân đang điều trị ung thư tại đây. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho hay, điều trị ung thư phải tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt với các loại thuốc, hóa chất, thuốc bổ trợ, giải độc rất đắt tiền. Ngoài ra, các chi phí kỹ thuật cao như: phẫu thuật, nội soi, chụp cắt lớp cũng rất tốn kém. Trung bình một bệnh án điều trị từ 7-10 ngày có chi phí cả chục triệu đồng/đợt và kéo dài nhiều đợt/năm. Trong khi đó, phần lớn các bệnh nhân ung thư đều nghèo. Vì vậy, nếu không có BHYT hỗ trợ thì nhiều bệnh nhân không thể kiên trì điều trị bệnh theo phác đồ của bệnh viện.
Phó giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Quy cho biết, hiện nay chính sách BHYT đã mở rộng thanh toán rất nhiều khoản viện phí bao gồm: kỹ thuật cao, thuốc men và các dịch vụ cận lâm sàng... Người tham gia BHYT chỉ phải đóng 804 ngàn đồng/năm và giảm dần nếu mua theo hộ gia đình, nhưng được BHYT chi trả gấp nhiều lần trong quá trình điều trị.
Bộ Y tế dự kiến sẽ đưa dịch vụ khám sàng lọc một số bệnh, khám định kỳ dự phòng sớm và cả tiêm vaccine phòng bệnh vào danh sách các dịch vụ được BHYT chi trả. Đó là các bệnh rối loạn chuyển hóa và nội tiết, tiểu đường, ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, cùng một số bệnh ung thư khác để có hiệu quả khi can thiệp sớm. Danh sách các dịch vụ, các loại bệnh được BHYT chi trả đang được nghiên cứu mở rộng dần để bảo đảm quyền lợi ngày càng cao cho người tham gia BHYT.
Phương Liễu