Báo Đồng Nai điện tử
En

Đình công hợp pháp phải tuân thủ quy trình, thủ tục

08:03, 04/03/2022

Bà Phạm Thúy Hà (ngụ TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) hỏi, theo quy định của pháp luật về lao động thì trường hợp nào người lao động có quyền đình công?

Bà Phạm Thúy Hà (ngụ TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) hỏi, theo quy định của pháp luật về lao động thì trường hợp nào người lao động có quyền đình công?

- Nội dung này được Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu trả lời như sau: Trước hết, cần phải hiểu đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

Trên cơ sở đó, Điều 199 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại  Điều 200 về trình tự đình công, Điều 201 về lấy ý kiến về đình công và Điều 202 về quyết định đình công và thông báo thời điểm bắt đầu đình công của bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây: hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại Khoản 2, Điều 188 của Bộ luật Lao động năm 2019 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

“Nếu người lao động vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ được xem là trường hợp đình công bất hợp pháp” - luật gia Phan Văn Châu lưu ý. 

Diễm Quỳnh (ghi)

Tin xem nhiều